Xóa đói giảm nghèo từ rừng

16:00, 22/11/2015

Tuần Giáo (Điện Biên) là huyện có diện tích đất lâm nghiệp rộng, trong đó diện tích đất rừng chiếm hơn 40 nghìn ha. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, có ý nghĩa đối với môi trường và mang lại đời sống ấm no cho bà con, cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới. Từ nhận thức này, năm 2013, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tuần Giáo đã ban hành Nghị quyết 03 về một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.

Nghị quyết 03 với mục tiêu được xác định rõ ràng, cụ thể trong giai đoạn 2013 – 2015, ngoài bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, hằng năm huyện trồng thêm ít nhất 300 nghìn cây phân tán; trồng rừng sản xuất làm nguyên liệu cho chế biến gỗ đạt 2.000 ha; trồng rừng phòng hộ, khoanh nuôi, tái sinh, phục hồi trên 3.000 ha rừng. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển rừng trồng sản xuất, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, áp dụng các tiến b

 

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuần Giáo Giàng Trùng Lầu cho biết: Nghị quyết được triển khai tập trung chủ yếu tại chín xã quanh trung tâm huyện, nơi có nhiều diện tích đất lâm nghiệp chưa được phủ xanh. Cùng với công tác tuyên truyền cho người dân về lợi ích, sự cần thiết của việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thì phương thức chủ yếu là hỗ trợ cây giống, trong đó phương án trồng cây phân tán dễ triển khai và đạt hiệu quả cao hơn. Mỗi năm, huyện trích nguồn kinh phí hơn 500 triệu đồng để mua cây giống cung cấp cho người dân trồng rừng.

 

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được một số vùng trồng rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao, như thị trấn Tuần Giáo, xã Quài Cang, xã Quài Tở... Cùng với việc phát triển rừng nguyên liệu, huyện đã quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng phù hợp với từng vùng và gắn kết cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu. Hiệu quả, tiềm năng lợi ích kinh tế mang lại từ việc trồng rừng phân tán tại huyện Tuần Giáo (Điện Biên), cho đến thời điểm này có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, góp phần thay đổi nhận thức của người dân đối với việc trồng và bảo vệ rừng. Năm đầu rừng được trồng thí điểm với diện tích nhỏ lẻ thì đến năm 2014, huyện Tuần Giáo đã trồng mới được 114 ha rừng phòng hộ, rừng thay thế và hơn một triệu cây phân tán. Trong đó chủ yếu là các giống cây: keo tai tượng và mỡ được người dân trồng, chăm sóc, hiện đang phát triển tốt. Hứa hẹn đến khi được phép khai thác sẽ là nguồn nguyên liệu chính cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn huyện. Nhất là do được phổ biến kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, đến bón phân cho cây trồng, cho nên hiệu quả rừng trồng tăng rõ rệt.

 

Xã Quài Tở có diện tích rừng sản xuất lớn nhất huyện Tuần Giáo với hơn 1.400ha. Chủ tịch UBND xã Quài Tở Cà Văn Lả cho biết: Trong năm 2015, xã được cấp hơn 712 nghìn, gần 1,7 triệu cây giống keo tai tượng và cây mỡ cấp cho toàn huyện. 459 hộ thuộc 15 bản của xã đã đăng ký trồng cây keo tai tượng trên diện tích đất lâm nghiệp và đất vườn của các hộ với tổng diện tích gần 250ha. Đến nay, người dân đã phối hợp cán bộ phụ trách nông nghiệp, trạm khuyến nông chăm sóc, bảo vệ bảo đảm kỹ thuật, tỷ lệ cây giống sống đạt hơn 70%. Diện tích rừng keo tai tượng trồng mới tập trung tại bản Xôm, bản Hua Ca, bản Ngúa Trong. Người dân rất đồng tình, phấn khởi, bởi ngoài việc phủ xanh đất trống, cải thiện môi trường, phòng chống thiên tai... thì đây cũng là tiềm năng để bà con phát triển kinh tế từ trồng rừng.

 

Chúng tôi đi tham quan cánh rừng keo tai tượng hơn một năm tuổi, ông Lò Văn On, bản Ngúa Trong, xã Quài Tở chia sẻ: Thực hiện trồng rừng hơn 10 năm nhưng chưa mang lại hiệu quả, sau khi có Nghị quyết 03 của BCH Đảng bộ huyện Tuần Giáo về một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Năm 2014, gia đình chúng tôi nhận 4.000 cây keo tai tượng trồng trên diện tích 2 ha. Điều khiến chúng tôi bất ngờ, phấn khởi là giống cây này phù hợp với chất đất nơi đây nên phát triển rất tốt. Chỉ hơn một năm mà trung bình cây keo tai tượng đã cao hơn 3m, đường kính thân từ 5 cm đến 8 cm... Như lời cán bộ lâm nghiệp hướng dẫn thì cây keo tai tượng cải tạo môi trường sinh thái tốt, đồng thời phù hợp để sản xuất gỗ nhỏ, gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến bột giấy, gỗ ván dăm... Trong khi nhà máy chế biến gỗ ván dăm ở ngay trên địa bàn huyện sẽ thuận lợi cho “đầu ra” khi khai thác, cho nên năm nay gia đình tôi tiếp tục trồng thêm 5.000 cây trên diện tích 3 ha nương.

 

Nhìn cánh rừng gỗ keo tai tượng đang phủ một mầu xanh mướt trên những triền nương ở huyện Tuần Giáo, chúng tôi tin tưởng rằng, từ Nghị quyết 03 đã có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp sẽ đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học... góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện.