Bấy lâu nay, hàng may mặc vẫn luôn chiếm vị trí chủ đạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực địa phương của tỉnh. Các chuyên gia nhận định, những năm tới vẫn chưa thể có thêm ngành hàng nào khác đóng góp cho xuất khẩu địa phương như sản phẩm may mặc.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê tỉnh thì xuất khẩu địa phương năm nay chỉ đạt trên 255 triệu USD, trong khi kế hoạch đề ra là 295 triệu USD. Việc chưa đạt mục tiêu đề ra được lý giải là do có sự thay đổi trong hạch toán giữa khu vực này với khu vực khác, còn giá trị các sản phẩm xuất khẩu vẫn tăng so với năm trước. Ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh giải thích: Năm 2014, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo có tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 triệu USD và được tính hoàn toàn vào khu vực xuất khẩu địa phương. Nhưng năm nay, khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Doanh nghiệp này được tính vào khu vực xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài. Lý do, năm 2015 doanh nghiệp này đã liên doanh một phần với Công ty có vốn đầu tư nước ngoài nên hạch toán xuất khẩu được chuyển một phần sang khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, nhìn trên phương diện tổng thể và qua quá trình theo dõi, phải thấy rằng mặt hàng tham gia xuất khẩu của địa phương còn khá nghèo nàn, nếu không muốn nói là thiếu sản phẩm mới có tính đột phá. Nhiều năm nay, xuất khẩu địa phương vẫn chỉ trông vào hàng may mặc là chính. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, giá trị xuất khẩu địa phương tăng đáng kể, tương ứng với nó hàng may mặc tăng. Nói đúng hơn, chính hàng may mặc giúp tăng giá trị xuất khẩu địa phương. Năm 2010, giá trị xuất khẩu địa phương của tỉnh là 78,4 triệu USD, tương ứng kim ngạch xuất khẩu may mặc là trên 56 triệu USD. Năm 2013, xuất khẩu địa phương đạt 122,4 triệu USD thì hàng may mặc đạt 101,8 triệu USD. Và năm nay, dự ước xuất khẩu địa phương đạt khoảng 255 triệu USD thì may mặc chiếm tới 241,7 triệu USD. Tất nhiên, con số trên là tính chung các sản phẩm may mặc do doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp nước ngoài, nhưng công bằng mà nói kim ngạch xuất khẩu do doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm khoảng 30% đến 40%. Trong đó, hàng may mặc địa phương vẫn chủ yếu do Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG sản xuất và xuất khẩu. Năm nay, Doanh nghiệp này dự kiến sẽ đạt kim ngạch trên 100 triệu USD, chiếm khoảng ½ tổng kim ngạch xuất khẩu địa phương.
Một số sản phẩm khác như sắt thép, chè, khoáng sản... có tham gia xuất khẩu nhưng giá trị không nhiều, cụ thể như: Chè các loại đạt giá trị khoảng 12,6 triệu USD, sản phẩm vonfram xuất khẩu ước đạt khoảng 80 triệu USD, sản phẩm sắt thép đạt giá trị xuất khẩu bằng 0. Phân tích của Ngành Công Thương cho thấy, các sản phẩm chè, sắt thép từng là thế mạnh của tỉnh thời gian trước, nhưng nay gặp rất nhiều khó khăn. Riêng sắt thép, chỉ duy trì và trụ vững trên thị trường nội địa cũng đã rất nhọc nhằn chưa nói là tham gia thị trường xuất khẩu. Thời gian qua, thép giá rẻ từ nước ngoài ồ ạt tràn vào trong nước khiến doanh nghiệp địa phương điêu đứng. Do đó, gần như mấy năm nay sắt thép tham gia rất ít vào thị trường xuất khẩu. Theo tính toán của các chuyên gia thì nếu xuất khẩu được sắt thép sẽ có tác động rất tốt đến tình hình kinh tế địa phương, bởi nó kích thích sản xuất, tránh tồn hàng, khơi thông dòng vốn đầu tư, giải quyết việc làm, lao động... Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, sản phẩm sắt thép của chúng ta rất khó có thể tham gia thị trường xuất khẩu nếu không sản xuất các sản phẩm mới, chất lượng, giá thành thấp.
Còn đối với sản phẩm chè, nhiều quan điểm ủng hộ việc giảm xuất khẩu để tập trung phục vụ thị trường nội địa. Bởi giá trị xuất khẩu trên một đơn vị sản phẩm chè quá thấp so với giao dịch trong nước. Trung bình mỗi kg chè xuất khẩu của chúng ta chỉ đạt giá trị khoảng 2USD, nên người làm chè ít trông mong vào thị trường này.
Trao đổi về vấn đề trên, đại diện các ngành liên quan đều có chung nhận định, thời gian tới ngành hàng xuất khẩu của tỉnh sẽ chưa có gì thay đổi ngoài vẫn tập trung chủ yếu vào hàng may mặc và một phần từ khoáng sản. Nhiều khả năng may mặc xuất khẩu sẽ giữ ở mức ổn định như hiện nay hoặc tăng nhưng không nhiều bởi xu thế mà các doanh nghiệp may mặc của địa phương đang hướng tới chính là thị trường nội địa.