Cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng thương mại: Thành tựu và thách thức

10:43, 07/12/2015

Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch năm năm phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2015, đồng thời cũng là năm thứ năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (NHTM) theo chủ trương Nghị quyết T.Ư 3 khóa XI.

Trong thời gian này, tiến trình cơ cấu lại hệ thống tài chính, trong đó trọng tâm là cơ cấu lại các NHTM đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy vậy trong thời gian tới, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam (TCTD) vẫn cần tiếp tục được củng cố để bảo đảm đầy đủ năng lực cạnh tranh.

 

Bảo đảm mục tiêu, tiến độ cơ cấu lại các NHTM

 

Theo Nghị quyết T.Ư 3, để cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống NHTM, các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính cần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường bất động sản (BĐS), thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường vàng và ngoại tệ, khắc phục tình trạng đô-la hóa. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước, vay trả nợ nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư vào lĩnh vực BĐS, TTCK và các nguồn vốn nóng khác; giảm tỷ lệ cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ hệ thống NHTM. Cấu trúc lại hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính theo hướng sáp nhập, hợp nhất các NHTM, các tổ chức tài chính nhỏ để có số lượng phù hợp các NHTM và tổ chức tài chính có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống. Theo đó, Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015" nhằm tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Phấn đấu đến cuối năm 2015, hình thành được ít nhất từ một đến hai NHTM có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

 

Theo Quyết định 339/2013/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2013 - 2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính của các TCTD, trước hết tập trung xử lý nợ xấu, phấn đấu đến năm 2015 giảm nợ xấu của NHTM Nhà nước xuống dưới 3% tổng dư nợ tín dụng, phát triển các hoạt động kinh doanh chính, bảo đảm khả năng thanh toán, chi trả và phát triển ổn định, bền vững, tập trung xử lý tình trạng sở hữu chéo và tăng tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD. Cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình, có khả năng cạnh tranh cao. Nâng cao vai trò, vị trí chi phối, dẫn dắt thị trường của các TCTD Việt Nam, bảo đảm các NHTM nhà nước và các NHTM cổ phần có cổ phần chi phối của Nhà nước thật sự là lực lượng chủ lực, chủ đạo của hệ thống các TCTD.

 

Suốt bốn năm qua, tiến trình cơ cấu lại hệ thống tài chính, trong đó trọng tâm là cơ cấu lại các NHTM đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, mặc dù có lúc nhanh lúc chậm. Số lượng các NHTM cổ phần đã giảm xuống còn 33 (nếu không kể ba NHTM nhà nước đã cổ phần hóa thì chỉ còn 30 NHTM cổ phần) thông qua sáp nhập và hợp nhất hàng loạt NHTM cổ phần yếu kém. Hệ thống các TCTD nói chung, các NHTM nói riêng đã được lành mạnh hóa cơ bản với việc tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường tính thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng và nâng cao khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, mỗi NHTM, TCTD đều tự tích cực cơ cấu lại từ nguồn vốn chủ sở hữu, định hướng kinh doanh, phát triển hệ thống đến bộ máy quản lý, đội ngũ nhân viên và quản trị ngân hàng, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng lợi nhuận,… Tính đến cuối năm 2015, hầu hết các NHTM đã hoàn thành bước đầu lộ trình cơ cấu lại theo phương án được phê duyệt.

 

Sau giai đoạn các NHTM tự nguyện sáp nhập và tự cơ cấu lại từ cuối năm 2011 đến cuối năm 2014, tiến độ và hiệu quả cơ cấu lại các NHTM được bảo đảm thông qua bắt buộc các NHTM cổ phần phải sáp nhập theo phương án được cơ quan quản lý hướng dẫn và phê duyệt. Trước hết, ba NHTM cổ phần có phần vốn chủ yếu do Nhà nước nắm giữ chịu trách nhiệm nhận sáp nhập NHTM cổ phần thích hợp để vừa mở rộng và nâng cao vị thế trụ cột của các NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, từ đó xây dựng từ 1-2 tập đoàn tài chính ngân hàng tầm cỡ khu vực, vừa góp phần cơ cấu lại, lành mạnh hóa hệ thống NHTM với sự tham gia của NHTM lớn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phê duyệt các phương án sáp nhập giữa các NHTM cổ phần “thuần túy” với nhau theo nguyên tắc tạo ra các NHTM lớn hơn, có sức cạnh tranh cao hơn và huy động nguồn lực của các NHTM cổ phần có thực lực mạnh tham gia xử lý các NHTM cổ phần cần cơ cấu lại. Trường hợp NHTM cổ phần buộc phải cơ cấu lại song chưa có phương án sáp nhập hay tự cơ cấu lại khả thi thì có thể sẽ bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng tương tự như trường hợp của NHTM cổ phần Xây dựng (VNCB) hay NHTM cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) và GPBank. Với các phương án cơ cấu lại toàn diện, bao quát tất cả các trường hợp, huy động sự tham gia của cả hệ thống nêu trên, tiến độ cơ cấu lại các NHTM được bảo đảm một cách chắc chắn.

 

Bảo đảm tính hiệu quả, bền vững của tiến trình tái cơ cấu

 

Để giải quyết vấn đề mà cơ quan quản lý và xã hội quan tâm là hiệu quả cơ cấu lại, một mặt, NHNN đã gắn đề án cơ cấu lại theo Quyết định số 254/2012/QĐ-TTg với đề án xử lý nợ xấu và đề án thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC). Theo đó, xử lý nợ xấu vừa là yêu cầu buộc các NHTM phải cơ cấu lại, vừa giúp các NHTM lành mạnh hóa trong và sau khi thực hiện cơ cấu lại. Hiệu quả tiến trình cơ cấu lại còn được quyết định bởi hiệu quả của chính mỗi phương án sáp nhập NHTM thông qua lựa chọn những “cặp đôi” phù hợp có tác động tương hỗ, có điều kiện phát triển sau khi hợp nhất chứ không phải là những phép cộng số học đơn thuần. Chương trình cơ cấu lại hệ thống NHTM chắc chắn có hiệu quả cao hơn và bền vững hơn nếu có sự kết hợp đồng bộ với tiến trình cơ cấu lại các lĩnh vực khác có liên quan, nhất là chương trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, thị trường tài chính và thị trường bất động sản.

 

Ngay từ những ngày đầu năm 2015, Nghị quyết 01/2015/NQ-CP của Chính phủ khẳng định quyết tâm đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo thông lệ quốc tế, nghĩa là dưới 3% tổng dư nợ tín dụng cho vay. Mục tiêu này không phải là quá khó khăn. Tuy vậy, vấn đề quan trọng là một mặt cần xử lý nốt những khoản nợ xấu còn lại, mà đó lại là những khoản nợ xấu khó xử lý hơn nhiều so với những khoản đã được xử lý trước đây; mặt khác, cần kiểm soát tốt dư nợ tín dụng cho vay để không làm tăng thêm quy mô nợ xấu trong bối cảnh tổng tín dụng cho nền kinh tế năm 2014 đã tăng hơn 14% và tiếp tục tăng khoảng 17% năm 2015, đồng thời quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đã được thắt chặt hơn theo chuẩn mực quốc tế.

 

Để xử lý dứt điểm nợ xấu, NHNN nói riêng, Chính phủ nói chung đã nỗ lực sử dụng hệ thống các công cụ đã được hình thành trong hơn hai năm qua, đặc biệt là hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả của Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) với hơn 200 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã mua nhằm vượt qua thách thức khi quy mô nợ xấu đã được VAMC xử lý chỉ mới chiếm hơn 7% tổng số nợ xấu đã mua. Bên cạnh việc tăng tiềm lực tài chính cho VAMC, trọng tâm năm 2015 là tạo dựng và vận hành thị trường mua bán nợ thứ cấp với trung tâm là VAMC, đi đôi với hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, xác định rõ trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ, qua đó khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu. Quá trình xử lý nợ xấu không thể tách rời tiến trình cơ cấu lại hệ thống các NHTM nên ngoài việc tăng cường thanh tra giám sát hệ thống các TCTD, nhất là việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro thì cần kiên quyết xử lý vấn đề sở hữu chéo và cho vay doanh nghiệp “sân sau” của các TCTD.

 

Mặc dù đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo Quyết định số 254/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đi đến giai đoạn thực hiện cuối cùng song hệ thống các TCTD Việt Nam vẫn cần tiếp tục được củng cố để bảo đảm đầy đủ năng lực cạnh tranh của toàn bộ hệ thống cũng như của từng TCTD, từng NHTM không chỉ trên thị trường tài chính tín dụng trong nước mà còn cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa hội nhập khu vực và quốc tế với hàng loạt các cam kết song phương và đa phương được thực thi sau năm 2015, điển hình là tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ đầu năm 2016, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định thương mại tự do với EU, Á - Âu, Hàn Quốc,…