Giảm nghèo đa chiều và những vấn đề đặt ra

09:10, 04/12/2015

Ngày 15-9-2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020”. Tiếp đó, ngày 19-11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Đây là vấn đề đang được người dân đặc biệt quan tâm.

Giảm nghèo đa chiều là khái niệm khá mới ở Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản thì hình thức này không chỉ xét hộ nghèo dựa trên mức thu nhập mà còn tính đến mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và tiếp cận thông tin. Ngày 19-11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó, hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ nghèo ở khu vực thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. (Chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: Tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin).

 

Dựa theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, người nghèo sẽ được phân loại, chấm điểm một cách kỹ lưỡng để tìm ra căn nguyên thực sự, từ đó có chính sách hỗ trợ, giảm nghèo tương ứng. Theo các nhà chuyên môn, phương pháp tiếp cận mới này giúp đánh giá hộ nghèo toàn diện hơn, tạo cân bằng mức sống đối với người dân các khu vực khó khăn, đồng thời, xoá bỏ rào cản, hạn chế của các chính sách giảm nghèo hiện tại, khuyến khích người nghèo bày tỏ tiếng nói, tăng tính tự chủ, vươn lên thoát nghèo. Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương nhận định: Thông qua phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, các hộ nghèo sẽ được đánh giá toàn diện hơn, trên cơ sở đó, việc hỗ trợ chính sách với từng khu vực cũng có sự phù hợp tương ứng. Còn ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ cho biết: Với phương pháp đáng giá này, tỷ lệ hộ nghèo của huyện sẽ tăng lên, bởi vì một bộ phận người dân trước đây không thuộc đối tượng nghèo sẽ trở thành hộ nghèo.

 

Chuẩn nghèo đa chiều thể hiện xu hướng tiếp cận phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng phương pháp đánh giá hộ nghèo mới sẽ tăng tỷ lệ hộ nghèo khiến các địa phương khó khăn trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và gia tăng tâm lý ỷ lại của người dân. Ông Phan Thanh Ngân, cán bộ văn hóa - xã hội xã Hợp Thành (Phú Lương) cho biết: Thực hiện đánh giá, rà soát hộ nghèo theo quy định mới sẽ nảy sinh nhiều vấn đề: Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã sẽ tăng lên và đương nhiên hộ cận nghèo sẽ có nguy cơ tái nghèo, hộ có đời sống trung bình có khả năng là hộ cận nghèo. Như vậy, sau khi rà soát, bình xét, tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ không dừng ở mức 26% như hiện tại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí hộ nghèo trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Đó là chưa kể đến việc nhiều hộ dân nay lại “thích và bám nghèo” để được Nhà nước hỗ trợ, từ đó kéo theo việc trông chờ, ỷ lại, lười lao động…

 

Bên cạnh đó, việc nâng chuẩn nghèo cũng khiến một số hộ cận nghèo, mới thoát nghèo sẽ tái nghèo, còn một số hộ có đời sống trung bình rơi vào hộ cận nghèo. Điều này khiến nguồn vốn chính sách hỗ trợ của Nhà nước “lẩn quẩn” ở một số hộ, một số vùng kéo theo tâm lý chây ỳ của người dân ngày càng cao. Ngoài ra, những năm qua, việc bình xét hộ nghèo tồn tại nhiều bất cập, đôi khi gây ra tranh cãi, hiềm khích trong nội bộ dân cư. ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành (Phú Lương) cho biết: Chúng tôi gặp nhiều khó khăn mỗi khi rà soát, bình xét hộ nghèo ở xóm bởi hiện nay vẫn còn một số hộ dân thích nghèo để được Nhà nước hỗ trợ.

 

Để đánh giá hộ nghèo theo chuẩn mới, các địa phương đang chờ văn bản hướng dẫn chính thức của đơn vị chuyên môn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng với việc nâng chuẩn nghèo từ 400 đến 500 nghìn đồng/người/tháng lên mức 700 đến 900 nghìn đồng/người/tháng cộng thêm đánh giá chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản thì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chắc chắn sẽ tăng đáng kể. Mặc dù vậy, để tránh trường hợp tỷ lệ hộ nghèo tăng cao không phản ánh đúng thực chất đời sống người dân thì chính quyền địa phương, đơn vị chuyên môn cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện việc rà soát chặt chẽ, đúng quy định. Bên cạnh đó, chính sách giảm nghèo của Nhà nước cũng cần đổi mới theo hướng cho vay, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, hạn chế cho không các sản phẩm, vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt để giảm bớt tâm lý thích nghèo, thúc đẩy người dân chủ động sản xuất, vươn lên làm giàu.