Mấy năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đời sống của người dân xóm Tân Thái, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) đã bớt khó khăn hơn trước nhiều, số hộ khá của xóm chiếm tới 80%...
Chúng tôi đến xóm Tân Thái vào một ngày đầu đông, trời se se lạnh kèm theo những hạt mưa lất phất bay. Lớp sương mù mỏng càng làm cho con đường vào xóm trở nên huyền ảo. Anh Công an viên Trần Xuân Thoại - người dẫn đường đưa chúng tôi vào Tân Thái thông tin: “Hôm nay trời còn ít sương mù chứ nhiều hôm sương mù dày đặc đường đi lại khá khó mặc dù chỉ cách UBND xã chừng 7km”.
Vào đến Tân Thái, những đồi chè búp xanh mơn mởn và cả những đồi keo trải dài lên tận đỉnh đồi hiện ra trước mắt chúng tôi. Ông Mạch Chí Thanh, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Xóm Tân Thái có 56 hộ dân với 192 nhân khẩu, chủ yếu là người ở miền xuôi lên khai hoang, dựng nhà từ những năm 1970. Trước kia, do chưa biết kỹ thuật chăm sóc, chế biến chè và trồng rừng nên thu nhập của bà con còn thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Mấy năm trở lại đây, người dân Tân Thái được tham gia nhiều lớp tập huấn về trồng trọt (đặc biệt là trồng chè) nên kinh tế ổn định hơn trước, thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm, tăng trên 5 triệu so với năm 2010; số hộ khá chiếm tới 80%, số hộ nghèo giảm còn 2 hộ, 98% số hộ có nhà xây kiên cố... Ông Trần Mạnh Thắng, người dân xóm Tân Thái cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng toàn chè trung du, năng suất và giá bán không cao. Được sự giới thiệu của cán bộ khuyến nông xã và tham gia các lớp tập huấn về trồng chè, nay gia đình tôi chuyển 6 sào chè trung du sang trồng chè cành LDP1, năng suất đạt khoảng 70kg/lứa, mỗi năm 7 lứa tôi thu khoảng 80 triệu đồng.
Được biết, diện tích đất tự nhiên của xóm Tân Thái khoảng 200ha, trong đó diện tích chè là 13ha. Những năm gần đây, cây chè trung du của xóm đã được bà con thay thế, chuyển dần sang trồng các loại chè cành như: LDP1, Kim tuyên, Phúc Vân Tiên... cho năng suất, chất lượng cao, sản lượng chè búp khô của xóm đạt 13 tấn/năm. Ngoài ra, với diện tích đất rừng lớn nhất so với các xóm trong xã (trên 100ha), người dân còn đưa vào trồng các loại keo cho hiệu quả kinh tế: keo tai tượng, keo Úc..., nhiều hộ đã có thu nhập từ 100-300 triệu đồng từ rừng mỗi lần khai thác như hộ gia đình ông Nguyễn Bá Kỳ, Trần Xuân San, Đào Xuân Năm, Trần Danh Nghiêm...
Mặc dù chỉ cách trung tâm T.P Thái Nguyên chưa đầy 20km, nhưng từ năm 2014 trở về trước, người dân Tân Thái vẫn phải sống trong cảnh điện yếu, mọi thiết bị điện đều không thể sử dụng được vào những giờ cao điểm. Đường điện kéo từ xã vào đến xóm được bà con tự bỏ tiền đóng góp đã nhiều năm nên không đảm bảo. Đầu năm 2015, người dân Tân Thái vui mừng vì được sử dụng đường điện kéo từ trạm biến áp Khe Lim, thuộc Điện lực Sông Công về tới từng hộ gia đình. Chị Trần Thị Hạ, Trưởng xóm Tân Thái phấn khởi nói: Từ ngày có đường điện mới, người dân chúng tôi không còn phải thức đêm hôm để sao chè, bơm nước. Nhiều hộ đã sắm thêm tôn sao chè bằng inox, máy vò chè để phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập.
Chứng kiến những đổi thay ở Tân Thái, chúng tôi vui chung với niềm vui của người dân nơi đây. Tuy nhiên, trăn trở và cũng là nguyện vọng lớn nhất của bà con là tuyến đường vào đến trung tâm xóm mặc dù đã được đổ bê tông (năm 2010) nhưng đến nay đã xuống cấp, 3km đường trục chính của xóm thì vẫn hoàn toàn là đường đất lầy lội, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, đặc biệt là các cháu nhỏ đi học rất vất vả. Là xóm thuộc vùng chè nổi tiếng Tân Cương, được thiên nhiên ban tặng cho điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với cây chè, nhưng đường giao thông còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. Rất mong các cấp chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ cải tạo các tuyến đường cho những người dân trồng chè ở Tân Cương nói chung, người dân Tân Thái nói riêng để họ có điều kiện giao thương, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập...