Những năm gần đây, xã Hòa Bình luôn là địa phương dẫn đầu trong phong trào phát triển cây ngô, nhất là ngô vụ đông trồng trên diện tích ruộng gieo cấy 2 vụ lúa của huyện Đồng Hỷ. Từ đó góp phần tăng giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Đến xã Hòa Bình thời điểm này, chúng tôi nhận thấy các thửa ruộng đều phủ kín màu xanh của cây ngô. Trên cánh đồng bát ngát của xóm Tân Yên, chúng tôi gặp gia đình anh Hoàng Văn Việt đang làm cỏ cho ruộng ngô nhà mình. Anh Việt cho biết: Gia đình tôi đã trồng ngô vụ đông từ 6 năm nay. Nhìn chung cây ngô dễ chăm sóc, chỉ cần lưu ý nhất là khâu làm bầu ngô (phải gieo hạt vào bầu trước thời gian thu hoạch lúa vụ mùa từ 10 đến 12 ngày, bầu ngô để ở nơi có đủ ánh sáng cho cây con phát triển và được tưới nước giữ ẩm thường xuyên; khi cây có từ 3 đến 4 lá thì đưa bầu trồng ra ruộng). Năm nay thời tiết thuận lợi nên 5 sào ngô của gia đình tôi đều phát triển tốt, đang bắt đầu ra bắp, dự tính cho thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/sào.
Được biết, xã Hòa Bình có 115ha đất ruộng cấy lúa 2 vụ. Vụ mùa vừa qua, toàn xã có 80ha lúa mùa trung và mùa sớm, sau khi thu hoạch lúa xong bà con đều tiếp tục trồng ngô vụ đông trên diện tích này. Ngay từ cuối tháng 8, đầu tháng 9, xã đã vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa rồi làm đất và đưa bầu ngô vụ đông ra trồng. Do vậy, đến đầu tháng 10, khi các xã khác vẫn đang trồng ngô thì toàn bộ diện tích ngô đông của xã đã bắt đầu phát triển xanh tốt.
Đồng chí Lường Văn Hà, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Nông dân xã Hòa Bình đã quen với việc trồng ngô vụ đông với các giống ngô lai cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn như: NK3000, Bio06, CP111, NK67...). Đến nay, xã không cần phải vận động bà con trồng ngô đông nữa mà chỉ cần hướng dẫn về khung thời vụ, cách chăm sóc và bảo vệ để cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt. Cụ thể, chúng tôi chú trọng chỉ đạo các xóm, đoàn thể vận động bà con cấy lúa mùa sớm để giải phóng đất trồng ngô đông để đến cuối tháng 9 phải trồng xong. Đến tháng 10, toàn xã không ai trồng ngô nữa vì kinh nghiệm cho thấy, trồng vào thời gian này thì phải thu non nên hiệu quả thấp. Năm nay, tỉnh và huyện hỗ trợ người dân 40% giá giống ngô vụ đông, nên bà con càng phấn khởi trong sản xuất.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây, diện tích đất hai vụ lúa của xã đưa vào sản xuất vụ 3 chỉ chiếm khoảng 50%. Nhưng từ năm 2006 đến nay, diện tích ngô vụ đông bắt đầu tăng. Nguyên nhân là do xã đã tập trung vận động bà con nông dân tích cực khai thác hết tiềm năng đất đai để tăng thêm hiệu quả kinh tế trên đất ruộng. Các gia đình cán bộ xã, xóm, đảng viên được quán triệt gương mẫu làm trước, làm nghiêm túc. Nhìn thấy rõ hiệu quả kinh tế từ cây ngô vụ đông nên bà con đã tích cực làm theo.
Cùng với đó, xã Hoà Bình cũng kịp thời khuyến khích bà con áp dụng mô hình làm đất tối thiểu để trồng ngô vụ đông. Tức là sau khi phát rạ, bà con chỉ cần đào rãnh thoát nước theo từng lô, rồi đặt ngô bầu xuống nền ruộng, bón phân chứ không cần cày luống, tốn nhiều công sức như trước. Vì trồng ngô vụ đông đã đỡ vất vả hơn nên bà con càng thêm hứng thú tăng vụ ngô.
Thực tế trên đồng đất Hòa Bình, hiệu quả của cây ngô vụ đông đã tương đối ổn định. Với năng suất khoảng 40 tạ/ha thì bà con thu được khoảng 24 triệu đồng/ha/vụ. Số lượng ngô này đều được các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi thu mua hết. Bên cạnh đó, bà con còn có nguồn thu từ bắp ngô bao tử, thân ngô, lá ngô tỉa dần từ khi cây ngô bắt đầu phát triển cao ngang thân người để chăn nuôi cá, trâu, bò. Đặc biệt, với những nhà trồng nhiều ngô nếp thì giá trị cây ngô đông còn cao hơn nữa. Đến nay, tính trung bình giá trị từ đất, 1ha ruộng của Hòa Bình đã cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm từ cây lúa và cây ngô vụ đông.