Phân bổ vốn đầu tư: Tập trung trả nợ xây dựng cơ bản

08:30, 09/12/2015

Không chỉ trong năm 2015 mà ngay cả kế hoạch năm 2016, việc phân bổ các nguồn vốn đầu tư của tỉnh cũng tập trung chủ yếu để thanh toán nợ của các công trình, hạng mục công trình đã phê duyệt quyết toán hoặc đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán. Việc khởi công mới các công trình từ vốn ngân sách hạn chế ở mức rất thấp. Điều đó cho thấy quyết tâm xử lý dứt điểm các khoản nợ xây dựng cơ bản (XDCB) kéo dài lâu nay của tỉnh.

Từ thực tế cho thấy, số lượng các dự án, công trình đã đầu tư và có quyết định phê duyệt quyết toán nhưng chưa trả nợ hết trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn khá nhiều. Năm 2015, tỉnh bố trí hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách địa phương để tập trung trả nợ các dự án đã hoàn thành và chỉ dành một lượng nhỏ cho khởi công mới một số công trình đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho phép (như: Khu tái định cư Tân Thái, Vạn Thọ, huyện Đại Từ; nâng cấp Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh; hồ Đồng Lá, huyện Định Hóa...).

 

Tuy nhiên, số lượng nợ XDCB hiện vẫn còn tới hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, có những dự án được phê duyệt quyết toán từ năm 2011, 2012 nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán hết. Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, trên địa bàn hiện còn hơn 150 dự án, hạng mục công trình như vậy, cụ thể như: Công trình tầng 4 Nhà hiệu bộ của Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, phê duyệt quyết toán từ năm 2011, đến nay vẫn nợ 193 triệu đồng; dự án Nhà hội trường và truyền thống Trường THPT Lương Ngọc Quyến, quyết toán từ tháng 10-2011, số nợ còn 253 triệu đồng; công trình Nhà lớp học 2 tầng (6 phòng) của Trường Mầm non Trưng Vương (T.P Thái Nguyên), quyết toán tháng 6-2012, đến nay vẫn nợ 458 triệu đồng; hạng mục xây dựng Khoa Ung bướu - Y học hạt nhân (Bệnh viện C Thái Nguyên) quyết toán tháng 10-2012, đến nay vẫn nợ trên 2,8 tỷ đồng; công trình đường Vũ Chấn - Nghinh Tường - Sảng Mộc (Võ Nhai), phê duyệt quyết toán tháng 5 và tháng 7-2013, đến nay vẫn nợ trên 4,1 tỷ đồng; công trình đường Sơn Phú - Điềm Mặc (Định Hóa), phê duyệt quyết toán tháng 9-2014, hiện còn trên 11,6 tỷ đồng chưa thanh toán...

 

Trước tình trạng nợ đọng XDCB đáng lo ngại, năm 2016, tỉnh ta dự kiến sẽ tiếp tục dành phần lớn nguồn vốn đầu tư trả nợ, trong đó trả nợ dứt điểm đối với các dự án, hạng mục công trình đã phê duyệt quyết toán từ năm 2011. Theo dự kiến phân bổ nguồn vốn ngân sách địa phương cân đối năm 2016 thì tổng nhu cầu vốn cần bố trí trong năm là 1.087 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng cân đối nguồn ngân sách địa phương năm 2016 của tỉnh chỉ có thể đáp ứng 732 tỷ đồng. Trong đó, trả nợ vốn vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn là 141 tỷ đồng, trả nợ các dự án đã phê duyệt quyết toán và dự án hoàn thành nhưng chưa quyết toán là gần 229 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn dự kiến bố trí từ nguồn vượt thu ngân sách năm 2015). Nguồn vốn dành cho khởi công mới các công trình, dự án trong năm 2016 rất khiêm tốn, chỉ khoảng 40 tỷ đồng, trong đó từ phần ngân sách tỉnh quản lý chỉ là 10 tỷ đồng, còn lại ở cấp huyện. Về nội dung này, đồng chí Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, tỉnh có chủ trương nếu chưa bố trí đủ vốn cho các dự án theo thứ tự ưu tiên đã được HĐND tỉnh thông qua thì năm 2016 cũng sẽ không tiến hành khởi công mới công trình, dự án nào.

 

Điều đáng quan tâm là kế hoạch trả nợ các dự án, hạng mục công trình đầu tư XDCB năm 2016 dự kiến sẽ được bổ sung thêm từ khoản vượt thu ngân sách của tỉnh năm 2015. Đây được xem là nguồn bổ trợ cần thiết nhất trong năm để giảm bớt gánh nặng nợ XDCB đã kéo dài bấy lâu của tỉnh. Theo dự kiến, trong khoảng 1.800 tỷ đồng vượt thu ngân sách địa phương năm 2015, tỉnh sẽ dành trên 220 tỷ đồng để thanh toán số còn nợ đối với 135 dự án, hạng mục công trình đã phê duyệt quyết toán từ năm 2011 đến nay. Việc bố trí nguồn vượt thu để trả nợ ngay trong năm 2016 là phương án sáng suốt bởi theo Cục Thuế tỉnh, năm 2016 sẽ khó có thể lặp lại lượng vượt thu ngân sách như năm 2015 (vì một số hạng mục thuế tăng đột biến ở năm 2015 như thuế nhà thầu, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất... thì sẽ không có hoặc rất ít ở các năm sau).

 

Như vậy, với việc phân bổ các nguồn vốn đầu tư năm 2016 trên cơ sở chú trọng giải quyết các khoản nợ kéo dài, sẽ giúp tỉnh trong thời gian tới có cơ hội dành nguồn vốn thích đáng để đầu tư mới các công trình, dự án cấp thiết. Để hạn chế tồn đọng nợ XDCB, nhiều chuyên gia cho rằng, cần chấm dứt tình trạng nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do dự toán tính thiếu hoặc điều chỉnh thiết kế; đôn đốc các nhà thầu sớm hoàn thiện hồ sơ để trình phê duyệt quyết toán khi đã hoàn thành dự án. Để làm được điều đó, các sở ngành liên quan cần tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện thủ tục thanh toán vốn, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư để xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh toán; không chuyển nguồn kế hoạch vốn đã bố trí năm 2015 đối với các dự án không thực hiện thanh toán trong thời gian quy định...