Phát triển thương hiệu sản phẩm chè

08:46, 23/12/2015

Những năm gần đây, các gia đình sản xuất, chế biến chè ở xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) đã nhận thức rõ hơn về giá trị kinh tế mà cây chè mang lại. Từ đó bà con có những cách nhìn mới và trách nhiệm hơn trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm chè của địa phương.  

Sau những ngày tham gia Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015, những người dân làm chè ở xóm Khuôn II (xã Phúc Trìu) đã tập trung tại nhà anh Hoàng Văn Bình để chia sẻ niềm vui và họp rút kinh nghiệm. Ông Mai Việt Hùng - Bí thư Chi bộ xóm phấn khởi nói: Lần thứ 3 tham dự Festival, thành công lớn nhất của xóm là duy trì thành tích đoạt cúp Vàng của 2 mùa trước và là đơn vị duy nhất của xã duy trì được thành tích này. Trước các mùa Festival Trà được tổ chức, những vườn chè trong xóm còn hoang sơ, quy trình, sản xuất chế biến thủ công nên giá trị thu nhập từ cây chè mang lại chưa cao. Nhưng 5 năm trở lại đây, nhờ được tham gia các lớp tập huấn trồng và chăm sóc chè, các mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đặc biệt là tham dự các Festival Trà nên nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi. Bà con đã mạnh dạn trồng những giống chè mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và quan trọng nắm bắt được nhu cầu của thị trường tiêu dùng nên đã đã sản xuất được những sản phẩm chè chất lượng. Nếu như năm 2010, giá trị thu nhập từ cây chè của xóm chỉ đạt khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng thì năm nay đã đạt bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện với 35ha chè kinh doanh, cho năng suất đạt 160 tạ búp tươi/năm, giá bán trung bình từ 250-300 nghìn đồng/kg đã góp phần nâng cao đời sống, thay đổi diện mạo của xóm.

 

Là một trong những thành viên tham dự cuộc thi “Bàn tay vàng”, chị Nguyễn Hồng Thị, ở xóm Khuôn II, chia sẻ: Thời gian trước, những người dân trồng chè quanh năm chỉ tiếp xúc với cây chè, giao dịch mua - bán chỉ mang tính nhỏ lẻ tại các chợ thì sau những lần được tham dự Festival Trà, sự đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong cách thức chế biến, mạnh dạn trong việc tìm kiếm thị trường và khẳng định được chất lượng sản phẩm đã góp phần đưa sản phẩm, thương hiệu Trà Phúc Trìu đến gần hơn với thị trường trong nước cũng như Quốc tế. Không những thế, được tham dự các hoạt động trong Festival là một sự trải nghiệm lớn với những người nông dân, bởi họ có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường cũng như người tiêu dùng, qua đó đưa ra những định hướng nghiêm túc trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu chè.

 

Hiện nay, xã Phúc Trìu có 350ha chè kinh doanh, với 5 hợp tác xã (HTX) chè. Được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013, HTX chè Gia Bảo thuộc xóm Lai Thành hiện đang sản xuất, chế biến hơn 10 loại sản phẩm chè. Chị Phạm Thị Út - Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: Năm 2015 là năm đầu tiên HTX tham dự Festival và đã đạt được 2 giải Bạc. Điều này sẽ mở ra những hướng đi mới cho HTX trong việc xây dựng, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ông Mai Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Trìu cho hay: Những kết quả mà những người dân làm chè đạt được chính là một trong những yếu tố để Hội xây dựng thương hiệu chè của địa phương ngày một phát triển. Trước mắt chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con nhân rộng các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP trên các diện tích chè của địa phương.

 

Có thể khẳng định, qua những lần tham gia Festival Trà đã tạo điều kiện cho những người dân trồng chè xã Phúc Trìu nói chung, T.P Thái Nguyên nói riêng thấy được những đòi hỏi gắt gao của thị trường trong thời kỳ hội nhập, từ đó sẽ có những nhận thức đúng đắn, từng bước sản xuất, chế biến sản phẩm trà đáp ứng thị trường khó tính hiện nay.