Nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 28/10/2015, ngày 8/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Tọa đàm Thực trạng chính sách trong ngành phát triển ô tô và phụ tùng ô tô.
Công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay chủ yếu chịu sự chi phối của 19 nhà sản xuất là thành viên của VAMA (gồm 13 doanh nghiệp liên doanh và 6 doanh nghiệp trong nước).
Các nhà sản xuất này cùng chia nhau thị trường trên 200.000 xe/năm, với nhiều chủng loại xe khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam vẫn kém phát triển; áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực ngày càng lớn khi lộ trình cắt giảm thuế CEPT hoàn tất vào năm 2018 với mức thuế suất về 0% đối với mọi loại xe nhập khẩu từ ASEAN.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Trưởng phòng, Ban Hoạch định chiến lược Công ty ô tô Toyota Việt Nam cho biết: Chi phí sản xuất của Việt Nam hiện nay còn cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia… Thứ hai, thị trường của chúng ta còn rất nhỏ, chỉ khoảng 5-10% so với quy mô thị trường của Thái Lan. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của chúng ta còn rất ít vì sản lượng xe thấp quá và thời gian phát triển ngành công nghiệp ô tô còn hạn chế. Giá thành của mình cao hơn nên nếu không có biện pháp cắt giảm giá thành xe ô tô nhập khẩu từ Thái Lan sẽ tràn sang.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như đưa công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô vào danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Các chính sách ưu đãi thuế như bổ sung công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô vào đối tượng hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ và các chính sách khác như phê duyệt kế hoạch hành động về công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô...
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công thương, những chính sách hỗ trợ này chưa phù hợp với mục tiêu cũng như mong muốn của doanh nghiệp.
Ví dụ: ưu đãi về đầu tư mang lại lợi ích cho doanh nghiệp rất lớn, nhưng hiện tại hầu hết doanh nghiệp chưa tận dụng được ưu đãi đó vì thị trường trong nước còn quá nhỏ nên doanh nghiệp chưa nghĩ tới đầu tư mở rộng. Chính phủ và doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc tìm giải pháp cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước vượt qua được khó khăn sau 2018 khi giảm thuế bằng 0 để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh được với xe nhập khẩu từ ASEAN.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy nêu ý kiến: Nếu như Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ các nước và thực hiện các chương trình hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, tôi nghĩ là sự nỗ lực cần từ hai phía, cả từ phía Chính phủ và doanh nghiệp. Chúng ta cần phải đưa ra cam kết hay thỏa thuận để nếu doanh nghiệp không thực hiện được cam kết cũng cần có chế tài để Chính phủ cũng sẽ loại trừ được khả năng là các doanh nghiệp chỉ lợi dụng ưu đãi của Chính phủ mà không có nỗ lực nào của bản thân”.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, cơ cấu giá thành xe tại Việt Nam hiện nay gồm thuế phí, chi phí sản xuất, nhập khẩu phụ tùng linh kiện. Theo đó, riêng thuế phí đang chiếm tới 40-50% làm cho giá thành xe tại Việt Nam vào loại cao nhất khu vực và thế giới.
Bà Thúy đưa ra thống kê về giá của 11 chủng loại xe thì giá tại Việt Nam đa phần ở mức cao nhất. Ở chủng loại xe Camry, giá xe của Việt Nam cao hơn 36% so với Thái Lan và cao hơn 49% so với Indonesia. Với dòng xe Yaris, giá xe Việt Nam cao hơn Thái Lan và Indonesia lần lượt ở mức 124% và 81%.
Tại hội thảo, các nhà hoạch định chính sách cùng cộng đồng doanh nghiệp thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong thực thi các chính sách hiện hành phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô…
Từ đó, đưa ra những kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới, với định hướng phát triển công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước, và tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ô tô thế giới./.