Trong những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế của T.P Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2010-2015 phải kể đến lĩnh vực thương mại - dịch vụ. 5 năm qua, tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ ước đạt bình quân 17%/năm; tỷ trọng hiện chiếm 40% GDP của Thành phố.
Đồng chí Vũ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Trong những năm qua, Thành phố xác định thương mại, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, bởi vậy, luôn chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Chính quyền Thành phố thường xuyên hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh trong thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính; dành quỹ đất thuận lợi, có khả năng sinh lời cao ở các phường trung tâm, các trục phố chính để ưu tiên cho các hộ kinh doanh thuê phát triển, kinh doanh thương mại; hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư. Hằng năm, Thành phố đều tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư ngành thương mại - dịch vụ... Ngoài hỗ trợ, Thành phố cũng nỗ lực thực hiện Đề án chuyển đổi mô hình chợ, nhằm từng bước xây dựng hệ thống chợ ngày càng văn minh, hiện đại; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có năng lực vào lập dự án đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống chợ trên địa bàn gắn với việc phát triển các trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại, siêu thị.
Hiện nay, T.P Thái Nguyên đã hình thành một số trung tâm thương mại, 25 siêu thị chuyên doanh, siêu thị tổng hợp và trên 100 cửa hàng tự chọn và 26 chợ. Ngoài ra còn có gần 20 ngân hàng thương mại, hàng trăm điểm giao dịch, mỗi năm giải ngân hàng nghìn tỷ đồng góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương. Thành phố cũng đang có 39 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, trong đó có 14 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi; 04 doanh nghiệp vận chuyển bằng xe bus; 17 doanh nghiệp vận chuyển bằng xe khách với 128 tuyến đến hầu khắp các địa phương trong cả nước; năng lực vận chuyển đạt trên 20 triệu lượt khách/năm. Hệ thống cơ sở lưu trú với gần 100 khách sạn, nhà nghỉ với tổng diện tích mặt bằng trên 60ha, với hàng trăm nghìn m2 sàn sử dụng, trong đó có nhiều khác sạn đạt tiêu chuẩn 2-3 sao trở lên; Thành phố cũng có trên một nghìn nhà hàng, điểm ăn uống giải khát đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ cho du khách khi tổ chức các sự kiện lớn cấp vùng và Quốc gia. 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ - thương mại đều đạt khá; tỷ trọng chiếm trên 40% GDP của Thành phố; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2011-2015 đạt trên 56.800 tỷ đồng, với trên 3.000 hộ kinh doanh trong lĩnh vực này.
Theo lãnh đạo T.P Thái Nguyên, những năm tới địa phương tiếp tục xác định phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ T.P Thái Nguyên lần thứ XVII xác định mục tiêu phấn đấu trong 5 năm tới, đưa tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, du lịch lên 50%.
Cũng với mục tiêu đưa T.P Thái Nguyên trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch với hệ thống dịch vụ theo quy hoạch, hiện đại, đảm bảo chất lượng, có sức cạnh tranh cao. Thời gian tới, Thành phố sẽ phát triển các ngành dịch vụ mới; củng cố và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ truyền thống; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, đồng thời kết hợp chặt chẽ với Trung tâm xúc tiến du lịch mở rộng các loại hình dịch vụ du lịch; tiếp tục khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: Lĩnh vực bưu chính viễn thông, vận tải, du lịch, tài chính, ngân hàng... thực hiện chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu.