Tiếp sức cho làng nghề phát triển

09:20, 17/12/2015

Những năm gần đây, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Trước tình hình đó, Đề án hỗ trợ xây dựng mô hình làng nghề điểm của tỉnh ra đời với việc hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, đào tạo nghề, tìm kiếm thị trường… đã góp phần động viên, khuyến khích các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh trong các làng nghề từng bước vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Những ngày cuối năm, không khí sản xuất ở Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu (xóm 9, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương) náo nhiệt hơn bao giờ hết. Tại khu vực ngã ba Bờ Đậu tấp nập người mua, kẻ bán. Đây được coi là nơi trung chuyển, giao thương bánh chưng lớn nhất ở khu vực miền núi phía Bắc. Trung bình, mỗi ngày có hàng vạn chiếc bánh chưng từ khu vực này theo những chuyến xe khách, xe tải tỏa đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội…  Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Trưởng Ban quản lý làng nghề cho biết: Sau khi được công nhận làng nghề vào năm 2009, sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Nhu cầu của thị trường ngày càng lớn trong khi làng nghề chỉ có 21 hộ gia đình trực tiếp sản xuất theo phương pháp thủ công là nên năng suất khá thấp. Nhiều thời điểm, sản phẩm làm ra không đủ cung ứng cho thị trường, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán.

 

Trước tình hình đó, Ban quản lý làng nghề đã động viên, khuyến khích các hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời đẩy mạnh mua sắm máy móc hiện đại nhằm tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Song khi triển khai thì làng nghề lại gặp khó khăn về vốn đầu tư. Đúng lúc ấy, làng nghề đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Đề án hỗ trợ xây dựng mô hình làng nghề điểm của tỉnh. Thực hiện Đề án này, làng nghề được hỗ trợ 50% kinh phí mua sắm 6 nồi luộc bánh chưng chạy điện 3 pha, loại 500 lít; 4 nồi loại 300 lít; 21 tủ đông; 2 tủ mát bảo quản và trưng bày hàng; 31 bàn để gói và trưng bày bánh chưng. Tổng số tiền được hỗ trợ là 274 triệu đồng. Bên cạnh đó, làng nghề còn được hỗ trợ xây dựng trang Webside riêng; thiết kế, in ấn quảng bá hình ảnh sản phẩm trên 1.000 tờ rơi, pano; tham gia 7 hội chợ giới thiệu sản phẩm; 5 lớp tập huấn về sử dụng năng lượng tiết kiệm, công tác khuyến công, xúc tiến thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế…

 

Ông Nguyễn Tiến Sỹ, một trong những hộ gia đình được hỗ trợ từ Đề án phấn khởi cho biết: Trước kia gia đình tôi sử dụng nồi luộc bánh bằng than củi, Thời gian luộc kéo dài từ 8-10 tiếng nhưng mỗi lần cũng chỉ được 50-60 chiếc. Từ khi được hỗ trợ kinh phí mua nồi luộc bánh chạy bằng điện, mỗi lần tôi luộc được gần 200 chiếc, thời gian luộc giảm xuống chỉ còn 6 tiếng mà chất lượng bánh vẫn đảm bảo. Đặc biệt, sử dụng nồi luộc bằng điện không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất. Ngoài nồi luộc bánh bằng điện gia đình tôi còn được hỗ trợ mua thêm 1 tủ bảo ôn, 1 máy hút chân không để bảo quản bánh và 4 bàn gói bánh bằng inox. Tết năm nay, gia đình tôi dự định sẽ thuê thêm 4 nhân công để tăng lượng bánh sản xuất cung ứng ra thị trường.

 

Cùng với Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, từ năm 2013 đến nay, 2 làng nghề khác cũng nhận được sự hỗ trợ từ Đề án hỗ trợ xây dựng mô hình làng nghề điểm của tỉnh đó là: Làng nghề chè truyền thống xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) và Làng nghề chè xóm Hòa Khê, xã Văn Hán, (Đồng Hỷ). Theo đó, làng nghề chè truyền thống xóm 5 được hỗ trợ 35 bộ tôn sao chè bằng inox có ống khói, 2 máy hút chân không với tổng giá trị 280 triệu đồng. Làng nghề chè truyền thống xóm Hòa Khê được hỗ trợ 36 bộ tôn sao chè bằng inox có ống khói, 21 máy vò chè, 2 máy hút chân không với tổng giá trị gần 400 triệu đồng…

 

Ông Đoàn Văn Vạn, Trưởng xóm Hòa Khê chia sẻ: Trước đây, bà con trong xóm tôi chủ yếu sử dụng tôn sao chè bằng sắt và máy vò chè 3 chân loại nhỏ nên việc chế biến biến chè rất vất vả. Từ khi được hỗ trợ mua sắm tôn sao inox và máy vò chè 4 chân, việc chế biến chè trở nên nhàn hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian, nhiên liệu và cải thiện môi trường làm việc. Đặc biệt, nhờ có máy móc, thiết bị mới nên năng xuất, chất lượng sản phẩm chè của làng nghề đã được nâng lên đáng kể.  

 

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh hiện 162 làng nghề và làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề đều có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu... nên năng xuất cũng như chất lượng sản phẩm chưa cao dẫn đến sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, do quy mô sản xuất nhỏ, thị trường tiêu thụ hạn hẹp các cơ sở sản xuất làng nghề trong tỉnh hiện rất thiếu vốn cũng như rất khó để tiếp cận nguồn vốn vay do không có tài sản thế chấp. Trong bối cảnh đó, Đề án hỗ trợ xây dựng mô hình làng nghề điểm ra đời thực sự là một “cú hích” mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy các làng nghề vươn lên phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

 

Cùng với những sách hỗ trợ từ Đề án, những năm qua, khu vực kinh tế làng nghề đã nhận được sự quan tâm rất lớn của tỉnh. Hằng năm, Ngân sách tỉnh đều dành hàng chục tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển làng nghề. Ngay sau khi được UBND tỉnh công nhận, mỗi làng nghề sẽ được hỗ trợ 35 triệu đồng/làng nghề và 40 triệu đồng/làng nghề truyền thống để xây dựng cổng làng nghề và tổ chức lễ đón Bằng công nhận. Bên cạnh đó, các làng nghề còn được thụ hưởng nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực như: Tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho lao động; các đề án, mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; được hỗ trợ xây dựng trang Webside riêng, thiết kế, in ấn quảng bá hình ảnh sản phẩm trên tờ rơi, pano; tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm…