Bảo vệ vật nuôi trong ngày rét đậm

16:19, 24/01/2016

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương, từ ngày 23 đến 27-1, miền Bắc nước ta đón đợt không khí lạnh với cường độ mạnh nhất từ đầu mùa đông đến nay. Trước tình hình này, các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn huyện Định Hóa đã chủ động thực hiện các biện pháp chống đói, rét cho đàn vật nuôi nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Ông Phạm Ngọc Huân, xóm Bản Màn, xã Tân Thịnh cho biết: Tháng 11-2015, chuồng trại chăn nuôi lợn thịt của gia đình tôi mới được hoàn thành với diện tích khoảng 400m2, có đầy đủ hệ thống máng ăn, nước uống, hệ thống thoát nước thải và sưởi ấm hiện đại. Tôi đã nhập 200 con lợn con được khoảng 20 ngày nay. Để chủ động phòng chống rét cho đàn lợn, mấy ngày nay, tôi đã mua bạt quây kín bốn xung quanh chuồng trại, tăng cường lắp thêm bóng điện (mỗi chuồng 3-4 bóng) để sưởi ấm. Đề phòng trường hợp bị mất điện đột ngột, gia đình cũng xây dựng phương án tích sẵn củi để đốt sưởi ấm cho đàn lợn.

 

Đi đến các hộ chăn nuôi khác ở Tân Thịnh và các xã khác như: Tân Dương, Phượng Tiến, Bình Yên, Thanh Định, chúng tôi nhận thấy công tác phòng chống rét, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ đã được người dân coi trọng. Ông Bùi Đức Liên, một hộ chăn nuôi lợn ở xóm Thẩm Thia, xã Thanh Định cho biết: Gia đình tôi hiện vẫn duy trì nuôi 100 con lợn thịt. Để đảm bảo sức khỏe và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa đông, tôi đã mua 200m2 bạt để quây kín khu chuồng trại, lắp thêm các bóng để sưởi ấm. Ngoài ra, tôi còn bổ sung cho đàn lợn uống các loại thuốc bổ... để tăng sức đề kháng và phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

 

Hiện nay, Định Hóa có khoảng 8.100 con trâu, 3.100 con bò, trên 33,8 nghìn con lợn, trên 18,4 nghìn con dê và trên 650,6 nghìn con gia cầm... Nhằm chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, giúp người chăn nuôi giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, ngay từ đầu tháng 11-2015, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã có công văn về việc chủ động phòng chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi.

 

Theo đó, Phòng đã đề nghị UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan chỉ đạo cán bộ và nhân dân thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết khí hậu và chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tuyên truyền người dân thường xuyên thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; chỉ đạo cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ chăn nuôi về kỹ thuật chế biến, dự trữ thức ăn và các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi, đặc biệt là đàn trâu, bò...

 

Ông Phạm Ngọc Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: Ngay từ đầu tháng 11, sau khi nhận được công văn của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi; rà soát nắm rõ số hộ có chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện có, đặc biệt là các hộ chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, số hộ chăn nuôi trâu, bò thả rông và đã triển khai kế hoạch này xuống các thôn, xóm. Qua đó, các hộ chăn nuôi đã có ý thức hơn trong việc tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Các hộ dân đã củng cố, sửa chữa lại chuồng trại, che chắn kín gió, đảm bảo vừa ấm, vừa khô ráo và dự trữ sẵn rơm, rạ, thức ăn tinh cho vật nuôi trong những ngày giá rét... Bên cạnh sự chỉ đạo và khuyến cáo của UBND các xã, thị trấn, Trạm Thú y của huyện cũng đã cùng phối hợp với xã, thị trấn tiến hành rà soát, tuyên truyền và khuyến cáo người chăn nuôi ở những xóm có tỷ lệ tiêm phòng thấp tiêm phòng bổ sung một số loại văc xin; mua con giống có nguồn gốc rõ ràng; tăng cường vệ sinh chuồng trại sạch sẽ...

 

Bà Triệu Thị Nga, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết thêm: Nhằm tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch bệnh đói rét cho đàn gia súc, gia cầm, Phòng đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn và các đơn vị chuyên môn thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu, thông tin kịp thời trên hệ thống loa truyền thanh để người chăn nuôi biết, chủ động trong công tác bảo vệ đàn vật nuôi; khuyến cáo các hộ dân bổ sung thức ăn, nước uống đầy đủ cho vật nuôi, đặc biệt là thức ăn tinh (gạo, ngô, cám) và các chất khoáng, vitamin để tăng sức khỏe cho vật nuôi. Đặc biệt không để trâu, bò làm việc và tuyệt đối không chăn thả tự do khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C...