Huyện miền núi Đồng Hỷ hiện có trên 11 vạn người, gồm 8 dân tộc anh em, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 43%. 5 năm qua, huyện đã huy động mọi nguồn lực, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng bảo tồn phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn được nâng lên, tạo cơ sở để từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Là hộ dân tộc Mông đầu tiên của xóm Mỏ Ba, xã Tân Long tham gia trồng chè cành, bà Vương Thị Mỵ đã nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong phát triển kinh tế của gia đình. Bà cho biết: Từ năm 2012, gia đình chúng tôi được các ngành chức năng của huyện, xã cho tham gia học lớp tập huấn trồng và sản xuất chè; chăm sóc cây ngô lai. Ngoài ra, chúng tôi cũng được nhận sự hỗ trợ về giống chè, giống ngô lai, phân bón từ các chính sách của Nhà nước, tỉnh, huyện. Từ đó, gia đình tôi đã từng bước phát triển kinh tế. Hiện nay, thu nhập ổn định từ 5 sào chè cành (bình quân mỗi năm thu được 4 tạ chè khô), cộng thêm thu nhập từ ngô lai, chăn nuôi gà, gia đình tôi đã thoát được nghèo và đủ tiền cho 2 con đi học nội trú. Còn gia đình anh Lăng Văn Trì, dân tộc Nùng, ở xóm Đồng Mẫu, xã Tân Long có 8 sào đất trồng lúa và trồng chè. Nhờ được vay 10 triệu đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư mở rộng diện tích chè và nuôi thêm gà thả vườn vào năm 2013, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo. Hiện tại, tổng thu nhập từ lúa, chè và chăn nuôi của gia đình anh đạt trên 30 triệu đồng/năm.
Gia đình bà Mỵ và anh Trì là 2 trong số hàng nghìn hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đồng Hỷ thoát nghèo bền vững trong 5 năm qua. Được biết, để đạt được kết quả đó, huyện đặc biệt chú trọng đến công tác khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; giúp đỡ bà con tiếp cận được với nguồn vốn lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Trung bình mỗi năm, toàn huyện có gần 500 lượt người DTTS được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... 5 năm qua, trên 2 nghìn lượt đồng bào DTTS được vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất với tổng dư nợ gần 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, xác định tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông, thủy lợi là bước đầu tiên để hỗ trợ bà con vươn lên phát triển kinh tế, huyện Đồng Hỷ đã vận dụng linh hoạt các chính sách, từ đó huy động được tổng nguồn vốn trên 3 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Cụ thể, huyện đã xây dựng được trên 200 km đường bê tông nông thôn, thực hiện 120 dự án: Đầu tư xây dựng, nâng cấp 22 tuyến đường trọng yếu; xây và sửa chữa 11 trạm y tế; 37 công trình trường học; 7 chợ; 3 cầu treo; 6 công trình nước sạch… Trong đó, huyện cũng đặc biệt quan tâm thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hiện nay, các xóm bản nói trên tiếp tục được đầu tư xây dựng các công trình như: Di dân vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất núi xã Văn Lăng (xóm Tam Va); đường bê tông xi măng từ xóm Vân Khánh lên bản Tèn xã Văn Lăng… Ngoài ra, đồng bảo người dân tộc Mông còn được hỗ trợ kinh phí trên 3 tỷ đồng giống ngô lai và phân bón để phát triển sản xuất... Từ đó, đã có trên 1 nghìn hộ đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 8,32%.
Song song với phát triển kinh tế, huyện cũng chú trọng đến việc tạo điều kiện cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng cao, văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Nhân dân các dân tộc trong huyện, trong đó có đồng bào DTTS đã tích cực tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, xóm, bản văn hóa. Đến nay, toàn huyện có 87,2% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 69% xóm, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. 236/257 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa. Ông Dương Tiến Cường, Trưởng phòng Dân tộc huyện, cho biết, công tác bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa của các dân tộc cũng được huyện hết sức chú trọng. Hiện, toàn huyện có 30 câu lạc bộ văn nghệ gồm các câu lạc bộ hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sli của dân tộc Nùng; khèn của dân tộc Mông, múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay… hoạt động thường xuyên. Trong các dịp lễ Tết, đồng bào còn lưu giữ nhiều môn thể thao, trò chơi truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như cờ tướng, ném còn, chọi gà, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, chọi chim Họa Mi... Huyện đã tổ chức thành công ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ nhất và lần thứ hai nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống của dân tộc Mông trên địa bàn…
Trong giai đoạn tiếp theo, huyện Đồng Hỷ xây dựng mục tiêu: Các xã, xóm đặc biệt khó khăn giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 4%; người DTTS trong độ tuổi lao động qua đào tạo, bồi dưỡng đạt trên 50%; tất cả các trường học đều kiên cố; 99% trẻ em người DTTS trong độ tuổi được đến trường; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS... Nói về những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa việc chăm lo cho đồng bào trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Thủy, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian qua, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS được các cấp, các ngành trong huyện triển khai đồng bộ, thực hiện đúng quy định, nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các hình thức khuyến nông, khuyến lâm chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc... để nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho bà con. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở là người DTTS giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Tiếp tục thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc nói chung và từng dân tộc nói riêng…