Đảm bảo đàn vật nuôi phát triển ổn định

08:37, 27/01/2016

Những ngày qua, thời tiết diễn biến phức tạp, sức đề kháng của vật nuôi yếu, hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán diễn ra sôi động nên nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất cao. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi.

Đồng chí Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Thời tiết rét đậm, rét hại, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra tình hình sản xuất cũng như công tác phòng, chống rét cho vật nuôi tại một số huyện, thành thị trên địa bàn; đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm và thủy sản”. Đi thực tế một số địa phương trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, tại các hộ chăn nuôi, việc ưu tiên nhất hiện nay là triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Chị Đỗ Thị Hường, ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) cho biết: “Trong những ngày rét đậm, nhà tôi đã mua bạt về để che chắn, đảm bảo giữ ấm cho đàn trâu của gia đình, dự trữ rơm để cho trâu ăn. Chúng tôi cũng được khuyến cáo, trong những ngày thời tiết dưới 12 độ C, không chăn thả ngoài trời, không cho trâu ra đồng cày, kéo; đồng thời, bổ sung thêm lượng thức ăn tinh để trâu chống lại giá rét”.

 

Cùng với việc tập trung phòng, chống đói, rét, các hộ chăn nuôi cũng chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm. Theo báo cáo của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, dịch cúm gia cầm H5N6 đang xảy ra tại 5 huyện của 4 tỉnh (Quảng Ngãi, Kon Tum, Tuyên Quang, Lạng Sơn); dịch lở mồm long móng xảy ra tại 14 huyện của 8 tỉnh (Cao Bằng, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La) chưa qua 21 ngày. Đặc biệt, dịch cúm gia cầm đang xảy ra tại các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên. Tại tỉnh ta, đến nay, chưa có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, dịp Tết và lễ hội nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh, thêm vào đó điều kiện thời tiết thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển… Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm nguy hiểm tái phát và lây lan vào địa bàn tỉnh là rất cao.

 

Đồng chí Hoàng Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) cho biết: Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, chính quyền địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; triển khai công tác tiêm phòng đầy đủ; đồng thời, tổ chức vệ sinh khử trùng tiêu độc tại những nơi tập trung đông người và các trang trại chăn nuôi; tuyên truyền vận động người dân không giấu dịch, không bán gia súc, gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm chết, không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia cầm, gia súc ốm chết ra môi trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ đạo cán bộ thú y bám sát địa bàn, khuyến cáo người dân theo dõi sát tình hình dịch bệnh để kịp thời phòng, chống, không để xảy ra dịch làm ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và chất lượng của đàn vật nuôi khi xuất chuồng.

 

Còn chị Nguyễn Thị Hạnh, ở xóm Núi Chùa, xã Tân Kim (Phú Bình) thông tin: Nhà tôi nuôi gần 100 con lợn thịt và 20 lợn nái. Để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, chúng tôi luôn thực hiện việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, sau mỗi lứa lợn xuất chuồng, gia đình tôi đều tiến hành khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại sau đó mới tái đàn. Hiện, nhà tôi đang vỗ béo đàn lợn 30 con để xuất bán vào dịp Tết.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm cho đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, Chi cục Thú y tỉnh đã có văn bản đề nghị trạm thú y các huyện, thành, thị tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới từng hộ chăn nuôi để họ có kế hoạch chủ động các biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra; phối hợp với các cơ quan liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa phương; kiểm tra, rà soát tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; bố trí sẵn sàng nhân lực, vật lực để có thể xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh...