Hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở Phú Lương

17:32, 27/01/2016

Những năm qua, Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện Phú Lương đã được các cấp, ngành triển khai tích cực, đồng bộ và thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực. Nhiều chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng, đã giúp cho nhiều hộ nghèo có điều kiện, cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Bà Hà Thị Hường, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương cho biết: Những năm qua, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều chính sách, dự án giúp người dân xóa đói, giảm nghèo như: Chính sách trợ cấp khó khăn, cứu đói giáp hạt hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp Tết, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; hỗ trợ phương tiện sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở; Dự án Dạy nghề cho người nghèo… Trong đó, một trong những giải pháp giảm nghèo được cho là trọng tâm và phát huy tối đa hiệu quả là cho vay tín dụng ưu đãi và chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng nhiều mô hình phát triển sản xuất. Sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân huyện Phú Lương trong những năm gần dây. Hiện nay, toàn huyện đã có 5 tổ hợp tác chè (tăng 4 tổ so với năm 2012) được công nhận sản xuất theo quy trình VietGAP với tổng diện tích 85ha, gồm tổ hợp tác của các xóm như: Thác Dài, Quyết Thắng, Tân Thái, Minh Hợp (xã Tức Tranh) và Hang Neo (Yên Lạc).

 

Ông Nguyễn Văn Tỵ, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè an toàn xóm Tân Thái, xã Tức Tranh, cho biết: Sau 6 tháng thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, 30 hộ dân của xóm đã được công nhận sản xuất thành công chè an toàn với diện tích 15,6ha. Sau khi được công nhận, sản phẩm chè của bà con được nhiều người biết và tìm đến mua. Hiện nay, các hộ dân trong tổ sản xuất chủ yếu đóng gói bán cho khách hàng ở các tỉnh như Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Bình Dương… với giá từ 250-400 nghìn đồng/kg, tăng từ 100-200 nghìn đồng so với sản xuất chè thông thường trước đây.

 

Ngoài mô hình sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP thì các mô hình như trồng chuối Tây ở Yên Ninh (gần 100ha); mô hình gieo cấy lúa Nếp Vải ở xã Ôn Lương (gần 150ha)… đã đem lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đồng thời từ các mô hình này đã tạo ra những sản phẩm hàng hóa có tiếng trên địa bàn huyện. Ông Lâm Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh cho biết: Nói đến xã Yên Ninh hầu hết mọi người đều biết đến sản phẩm nông nghiệp có tiếng là chuối Tây bởi chất lượng thơm, ngon. Nhờ hiệu quả kinh tế nên hiện nay nhiều người dân trên địa bàn đã chuyển đổi từ trồng chè, ngô sang trồng chuối. Toàn xã nay có khoảng 80ha chuối Tây. Tính riêng thu nhập từ việc trồng chuối, mỗi năm, xã Yên Ninh thu về được trên dưới 10 tỷ đồng.

 

Có thể nói, việc triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất đến người dân đã đem lại hiệu quả thiết thực. Trong 5 năm qua (từ năm 2011 đến 2015), Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật với hơn 300 lớp cho trên 24.000 lượt người tham gia. Tổ chức nhiều ô mẫu, mô hình giúp hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

 

Ông Trần Đình Bảy, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đánh giá: 5 năm qua, Phòng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiều mô hình, như: Chăn nuôi gà thả vườn; gieo cấy lúa lai Bi0404 tại 2 xã Ôn Lương, Phủ Lý; hỗ trợ vật tư, phân bón máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, khoa học kỹ thuật với hơn 1.400 lượt hộ nghèo tham gia với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,4 tỷ đồng; Dự án Chăn nuôi dê, lợn giảm nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ 255 triệu đồng…       

 

Cùng với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng nhiều mô hình phát triển sản xuất, cho vay tín dụng ưu đãi, thời gian qua, các chính sách, dự án và lĩnh vực bảo trợ xã hội gắn với công tác giảm nghèo được huyện Phú Lương triển khai lồng ghép, đồng bộ, hiệu quả, phủ rộng trên toàn huyện. Người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng… Đặc biệt các xã nghèo, xã 135 của huyện đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Với những giải pháp trên, trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm mạnh.

 

Với việc huy động cả hệ thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể vào cuộc đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Phú Lương, giúp địa phương vượt chỉ tiêu giảm nghèo so với kế hoạch đề ra, góp nâng cao đời sống của nhân dân và thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện ngày càng phát triển.