Làng nghề rộn rã đón xuân

09:09, 21/01/2016

Một mùa xuân mới đang về. Đón Tết năm nay, người dân ở nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh càng phấn khởi hơn khi việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, đời sống vật chất, tinh thần ổn định và từng bước được nâng lên. Đó cũng chính là động lực để bà con cố gắng lưu giữ những nét đẹp truyền thống của làng nghề trong giai đoạn hiện nay.

Đầu tháng Chạp Âm lịch, chúng tôi có dịp đến thăm Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương (Phú Bình). Những ngày này, không khí lao động sản xuất khẩn trương hơn bao giờ hết. Từ sáng sớm đến tối mịt, khắp làng vang tiếng đục đẽo, cưa xẻ của những người thợ đang miệt mài, khéo léo hoàn thành các sản phẩm mộc mỹ nghệ cao cấp, tinh xảo để kịp giao cho khách hàng trong dịp Tết. Trên các tuyến đường chính của xã, những chiếc xe tải chở bàn ghế, giường, tủ, đồ thờ tự, đồ trang trí.. hối hả vào ra. Dù đang rất bận rộn với công việc nhưng anh Dương Đình Hiệp, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp Hà Hiệp vẫn dành thời gian chia sẻ với chúng tôi: “Gần Tết, do đơn đặt hàng nhiều nên cơ sở phải đầu tư thêm máy móc và tuyển mới 3 công nhân. Các sản phẩm do cơ sở sản xuất có đầy đủ chủng loại và đa dạng về mẫu mã, chất liệu theo yêu cầu của khách hàng”.

 

Giáp Tết cũng là lúc không khí sản xuất ở Làng nghề truyền thống bánh chưng Bờ Đậu, xóm 9, xã Cổ Lũng (Phú Lương) rất sôi động. Anh Trần Văn Ngà, một trong những cơ sở sản xuất bánh chưng lớn nhất của làng nghề cho biết: Để đáp ứng đủ các đơn đặt hàng từ khắp nơi gửi về, gia đình tôi đã phải thuê thêm 7 lao động và tăng thời gian sản xuất cũng như đầu tư thêm một số nồi luộc bánh, tủ đông, bàn gói bánh... Thời điểm này, mỗi ngày gia đình tôi sản xuất trên 2.000 chiếc bánh chưng (tăng gấp 10 lần so với ngày thường) nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Năm nay, bánh chưng được giá hơn so với mọi năm, hiện 1kg bánh có giá từ 35 - 40 nghìn đồng nên người dân chúng tôi rất phấn khởi.

 

Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Trưởng Ban quản lý làng nghề cho biết: Tết là vụ sản xuất chính của người dân làng nghề. Chính vì vậy, ngay từ đầu tháng 12 Âm lịch các hộ gia đình đã hối hả chuẩn bị các nguyên liệu, máy móc để bước vào thời kỳ sản xuất cao điểm nhất trong năm. Nếu như ngày thường làng nghề chỉ sản xuất khoảng 4.000 chiếc bánh/ngày thì riêng tháng giáp Tết lượng bánh sản xuất ra thị trường tăng lên trên 30.000 chiếc/ngày. Mặc dù lượng bánh sản xuất ra không đủ bán nhưng các hộ gia đình đều cam kết sản xuất bánh đảm bảo chất lượng và không tăng giá để giữ vững thương hiệu làng nghề.

 

Không hối hả như Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, nhưng những hộ làm tương tại Làng nghề tương nếp Úc Kỳ, xã Úc Kỳ (Phú Bình) cũng phải tất bật chuẩn bị từ trước Tết 2-3 tháng. Ông Đặng Quang Tuyến, người có kinh nghiệm làm tương hơn 30 năm ở xóm Ngoài 1, xã Úc Kỳ cho biết: Để có những mẻ tương chất lượng phục vụ thị trường Tết, gia đình tôi phải chuẩn bị gạo nếp, đỗ tương từ cách đây 2 tháng. Gạo nếp được nấu thành cơm sao cho chín đều và không bị khô, sau đó trải ra nia sạch phơi, đảo đều qua 3 ngày rồi lấy lá ngái đậy lên trên để ủ, đến khi cơm lên mốc có màu vàng hoa cau là được. Còn đỗ tương, đem rang thơm rồi xay vỡ, cho vào chum ngâm với nước muối rồi đậy kín phơi ngoài trời từ 12 đến 15 ngày đến khi nếm có vị ngọt thì cho mốc vào ủ khoảng 30 ngày là tương ngấu. Được biết, làng nghề tương nếp Úc Kỳ hiện có 240 hộ chuyên sản xuất tương với số lượng lớn, chủ yếu tập trung ở các xóm: Múc, Ngoài 1, Ngoài 2, Làng, Tân Lập…. Trung bình mỗi năm làng nghề cung cấp cho thị trường hàng triệu lít tương, đem lại nguồn doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm. Những hộ dân làm tương ở đây cho biết, từ khi được công nhận làng nghề vào đầu năm 2015, sản phẩm tương nếp Úc Kỳ đã được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Nhờ đó, mặc dù chưa đến Tết nhưng sản phẩm tương của làng nghề đã “cháy hàng”. Hiện nay, 1 lít tương nếp của làng nghề có giá từ 25-30 nghìn (cao hơn trước 5-7 nghìn đồng/lít) nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.

 

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 162 làng nghề và làng nghề truyền thống với các nghề như: trồng và chế biến chè, mộc mỹ nghệ, mây tre đan, làm tương, bún, miến… Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn của trung ương và địa phương, đặc biệt là nguồn vốn khuyến công đã tạo ra một “cú hích” mới cho các làng nghề có những nét khởi sắc mới. Các làng nghề được tiếp thêm sức mạnh thông qua những khóa tập huấn nâng cao năng lực quản lý sản xuất kinh doanh, cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề lao động… Các địa phương có các làng nghề cũng đã vận động người dân, các cơ sở làng nghề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa để sản phẩm ngày càng vươn xa thị trường.

 

Mùa xuân về, cây cối đâm chồi, hoa nẩy lộc. Trong không khí ấm áp của mùa xuân, những làng nghề trên địa bàn tỉnh cũng đã mang đến cho thị trường Tết những sản phẩm tươi mới hơn, chất lượng với mẫu mã, kiểu dáng đẹp hơn. Với mỗi làng nghề, công việc sản xuất thuận lợi, hàng hóa tiêu thụ nhanh chính là góp phần mang đến một cái Tết sung túc, đầm ấm cho những hộ sản xuất, từ đó, nâng cao đời sống người dân, tạo niềm phấn khởi để họ chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.