Nét mới trong sản xuất vụ xuân

18:00, 12/01/2016

Vào thời điểm này những năm trước, nông dân trong tỉnh đã bắt đầu gieo mạ để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Tuy nhiên năm nay, thực hiện chỉ đạo của ngành Nông nghiệp, hiện nay, bà con mới bắt đầu cày ải, làm đất.

Chị Lê Thị Nhường, người dân tộc Tày ở xóm Lam Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai) cho biết: Cán bộ khuyến nông khuyến cáo rồi, năm nay do ảnh hưởng của El-nino, trời không rét như mọi năm, mưa cũng ít hơn, nguy cơ thiếu nước cấy lúa rất cao nên ăn Tết xong chúng tôi mới gieo mạ, cấy lúa. Như vậy, với sự tích cực của mạng lưới cán bộ khuyến nông cơ sở, đến nay, nông dân ở các địa phương đã nắm được tinh thần chỉ đạo của tỉnh đó là: thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ phù hợp để đảm bảo lúa xuân trỗ tập trung từ ngày 5-5 đến ngày 15-5. Cụ thể, gieo mạ xung quanh tiết lập xuân (ngày 4-2-2016), cấy trong tháng 2, cấy sau Tết Nguyên đán. Nếu thời tiết dưới 15 độ C, tuyên truyền nhân dân tuyệt đối không gieo cấy lúa.

 

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Bên cạnh việc đẩy thời vụ gieo cấy lúa xuân muộn hơn 2-3 tuần so với mọi năm, vụ xuân năm nay, việc hỗ trợ các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao cho nông dân cũng có nhiều thay đổi. Cụ thể, tỉnh chỉ ưu tiên hỗ trợ đối với những vùng sản xuất lúa lai, lúa thuần chất lượng cao tập trung, mô hình cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học, kỹ thuật theo kế hoạch của huyện, thị xã, thành phố; những giống mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với đồng đất Thái Nguyên và nhu cầu sử dụng của người dân. Theo đó, cơ cấu giống lúa lai được hỗ trợ giá tại các vùng sản xuất tập trung là SYN6, SL8H-GS9, PHB71, 27P31, TH3-5, HKT 99, B-TE1, Thịnh dụ 11, Q.ưu số 1. Cơ cấu giống lúa thuần chất lượng cao được hỗ trợ là HT1, HT6, BG1, J02, Bắc Thơm số 7, ĐS-1;  DQ11; nếp Vải, nếp Thầu Dầu, nếp Cái Hoa vàng, nếp 98, nếp Lang Liêu và hỗ trợ mở rộng sản xuất thử đối với giống HT9, Thiên ưu 8. Mức hỗ trợ cho cả hai giống lúa là 30 nghìn đồng/sào (vụ xuân, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy gần 5.400ha lúa lai và 3.000ha lúa thuần chất lượng cao).

 

 Một trong những nét mới nữa trong sản xuất vụ xuân năm nay là tỉnh sẽ hỗ trợ chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm có giá trị kinh tế cao hơn. Diện tích hỗ trợ chuyển đổi là 50ha, trong đó hỗ trợ 60% giá giống, 40% giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật, cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng. Tỉnh sẽ chỉ  hỗ trợ 1 lần với mức tối đa 15 triệu đồng/ha. Những diện tích đất lúa chuyển sang trồng cây lâu năm được hỗ trợ phải nằm trong kế hoạch chuyển đổi, được cấp huyện phê duyệt; diện tích mô hình chuyển đổi có tổng diện tích từ 5 ha trở lên.

 

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 29 nghìn ha lúa, phấn đấu năng suất bình quân đạt 53,4 tạ/ha, sản lượng đạt 155 nghìn tấn. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, từ nay đến tháng 4, nền nhiệt độ trên cả nước có khả năng cao hơn trung bình từ 0,5 đến 1,5 độ C. Trong các tháng chính Đông của miền Bắc ít có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, có nguy cơ gây hạn nên ảnh hưởng lớn đến kế hoạch, thời vụ gieo cấy, sinh trưởng và phát triển của cây trồng vụ Đông - Xuân. Bởi vậy, để vụ xuân giành thắng lợi, cùng với việc chỉ đạo các địa phương chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành liên quan rà soát công tác chuẩn bị giống lúa theo cơ cấu giống, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng; tổ chức cung ứng giống kết hợp tập huấn quy trình kỹ thuật làm mạ, phòng chống rét, quy trình sản xuất thâm canh; có kế hoạch, giải pháp cụ thể để đảm bảo đủ nước cho sản xuất, gieo cấy lúa vụ xuân. Đặc biệt là khuyến khích nông dân mở rộng diện tích lúa gieo thẳng trên chân đất chủ động tưới tiêu (thời vụ gieo từ ngày 10 đến 20-2-2016 - sau Tết Nguyên đán); đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật gieo cấy hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể như 3 giảm - 3 tăng, SRI, 1 phải - 5 giảm, tưới nông lộ phơi, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM và ICM…; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm nông sản trên thị trường; theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm soát và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời; chuẩn bị đủ lượng giống dự phòng để chủ động ứng phó khi thời tiết bất thường xảy ra...

 

Trong điều kiện thời tiết bất thường như vụ xuân năm nay, việc chủ động đổi mới công tác dự tính, dự báo và công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh; tăng cường công tác quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng sẽ được quan tâm. Kéo theo đó là mở rộng mô hình mạng lưới bảo vệ thực vật cấp xãlàm nhiệm vụ điều tra, dự tính, dự báo, giám sát, phát hiện sâu bệnh, tham mưu công tác quản lý, phòng trừ; xây dựng mô hình HTX dịch vụ bảo vệ thực vật đối với cây trồng... Với nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ giá giống và tổ chức sản xuất... mong rằng Thái Nguyên sẽ có một vụ xuân bội thu.