Nông dân căng mình chống rét cho cây trồng, vật nuôi

17:48, 24/01/2016

Hiện đang là thời điểm lạnh nhất kể từ đầu mùa Đông đến nay. Nền nhiệt đột ngột giảm sâu, kèm theo mưa phùn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Để đối phó với tình trạng này, chính quyền các cấp và người dân trên địa bàn huyện Đại Từ đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi.  

 7 giờ sáng ngày 24-1, nhiệt độ ngoài trời chúng tôi đo được là 6độ C, cùng với mưa nặng hạt khiến cái lạnh như cắt da, cắt thịt. Trong điều kiện thời tiết như vậy, hầu hết mọi người đều hạn chế ra ngoài. Nhưng với người nông dân, đây lại là thời điểm “nước sôi lửa bỏng” và phải căng mình để chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Tại cách đồng Cây Chanh, thuộc xóm 8, xã Cù Vân, rất nhiều nông dân vẫn ra đồng làm đất và thực hiện các biện pháp chống rét cho mạ. Ngâm chân dưới bùn buốt lạnh, chị Nguyễn Thị Duyên đang lên luống để gieo mạ cấy 4 sào ruộng nói với chúng tôi: Biết là thời tiết thế này, gieo mạ sẽ không tốt nhưng gia đình tôi đã ngâm và ủ thóc tổng cộng 4 ngày rồi. Dùng đủ các biện pháp làm chậm quá trình nảy mầm của thóc giống như ngâm nước, hạn chế ủ nóng nhưng đến giờ mầm và rễ đã quá dài, nếu không gieo ngay sẽ phải vứt bỏ. Để bảo vệ cho mạ, chị Duyên bón thêm phân lân và che phủ nilon ngay sau khi gieo.

 

Ở đám ruộng gần đó, bà Hoàng Thị La tỏ ra lo lắng khi kiểm tra những luống mạ đã gieo được gần 1 tuần. Theo bà La, mặc dù đã sử dụng nhiều biện pháp nhưng do quá lạnh nên mạ phát triển chậm và mọc không đều, một số chỗ bị táp lá. Để khắc phục, bà đã rắc thêm một lớp tro rơm để giữ ấm cho mạ, mỗi ngày đều ra mở lớp nilon chắn ra cho thoáng trong thời gian ngắn rồi đậy vào ngay. Theo lãnh đạo UBND xã Cù Vân, trong những ngày rét hại này, xã đã chỉ đạo các xóm thông báo trên loa truyền thanh để khuyến cáo bà con nông dân dừng ngâm thóc giống, đồng thời hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ cho mạ.

 

Trong điều kiện nền nhiệt độ giảm sâu, đàn vật nuôi cũng bị ảnh hưởng nghiệm trọng. Ông Nguyễn Văn Khánh, ở xóm 9, thị trấn Hùng Sơn cho biết: Từ đầu mùa Đông đến giờ thời tiết khá ấm, lại nghe thông tin do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino làm cho mùa đông ngắn hơn, nên việc nhiệt độ giảm nhanh, kèm mưa phùn lạnh buốt như hiện nay khiến nhiều người bất ngờ. Từ mấy ngày trước, tôi đã không dắt 2 con trâu ra đồng chăn nữa mà nuôi nhốt, thực hiện che chắn khu chuồng nuôi bằng bạt, cho ăn bổ sung cám và uống nước muối. Gia đình anh chị Lê Văn Chính và Hoàng Thị Huyền ở cùng xóm thuộc diện  hộ nghèo, do vậy con trâu là tài sản giá trị nhất trong nhà. Để đối phó với tình trạng rét hại, ngoài che chắn chuồng bằng bạt và rắc trấu dưới nền, gia đình còn hun lửa vào buổi tối để đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi. Ngoài ra, gia đình anh Nghĩa còn mua thêm 2 sào cây ngô để làm thức ăn dự trữ cho trâu để phòng đợt rét đậm có thể kéo dài.

 

Khảo sát tại một số địa phương có đàn vật nuôi lớn của huyện Đại Từ như: Bản Ngoại, Tân Linh, Yên Lãng… chúng tôi nhận thấy hầu như không có hiện tượng người dân thả rông trâu bò. Các gia đình cũng chủ động chống rét cho đàn lợn bằng việt rải trấu, quây bạt và thắp bóng điện sợi đốt. Anh Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng: Những năm gần đây, ý thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh và chống rét cho vật nuôi đã được nâng lên nhiều. Trong đợt này, UBND huyện Đại Từ đã có công văn khẩn chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương tăng cường biện pháp chống rét cho đàn gia súc, gia cầm và cây trồng. Trong đó nhấn mạnh việc khuyến cáo người dân cần phải đưa trâu bò về chuồng, lán trại, tuyệt đối không thả rông ngoài đồng khi nhiệt độ dưới 130C; bổ sung thức ăn tinh bột, thức ăn giàu đạm, thức ăn thô xanh, cho uống nước ấm, vitamin, muối khoáng để tăng sức khỏe, đủ năng lượng chống rét và các dịch bệnh xâm nhập; chống rét cho cây trồng, trọng tâm là diện tích mạ và lúa đã gieo cấy…

 

Mặc dù là ngày nghỉ, nhưng cán bộ của Phòng Nông nghiệp và PTNT vẫn phối hợp với Trạm Khuyến nông và Trạm Thú y huyện thực hiện đoàn kiểm tra đột xuất việc triển khai việc bảo vệ cây trồng, vật nuôi ở một số địa phương như: Bản Ngoại, Phú Xuyên, Na Mao… Kết quả cho thấy, hầu hết người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp chống rét, nhất là che chắn tốt chuồng trại và đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ. Ngoài ra, việc thực hiện nghiệm túc công tác tiêm phòng từ đầu năm cũng giúp đàn vật nuôi tăng sức đề kháng. Hy vọng, với việc tích cực thực hiện các biện pháp chống rét của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân sẽ giúp đàn vật nuôi đảm bảo an toàn trong mùa Đông năm nay.