Tín hiệu vui từ nguồn vốn chính sách

17:00, 10/01/2016

Nguồn vốn cho vay hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đang được chuyển dần sang cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được xem là một tín hiệu vui, điều này cho thấy tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn ngày càng có xu hướng giảm...

Năm 2015, NHCSXH tỉnh được cấp bổ sung vốn 4 lần, với tổng số tiền 277 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn của Chi nhánh lên 2.402 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cuối năm 2014 (mục tiêu tăng trưởng dư nợ năm 2015 của Chi nhánh là từ 10% trở lên), trong đó nguồn vốn của địa phương (ngân sách tỉnh và các huyện, thành, thị chuyển sang) là 39 tỷ đồng. Hiện, Chi nhánh đang thực hiện cho vay ở 12 chương trình, với trên 112 nghìn khách hàng còn dư nợ. Với nguồn vốn này, một số chương trình cho vay hiện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người vay, gồm: Cho vay hộ nghèo; học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay theo Quyết định số 755/QĐ-TTg đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; cho vay theo Quyết định số 54/QĐ-TTg đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Đáng chú ý, trong số các chương trình, nguồn vốn dành cho hộ nghèo trong năm có xu hướng chuyển sang cho vay đối với hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, do tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn ngày càng giảm. Hiện, nguồn vốn của chương trình này là 824 tỷ đồng, với 27,8 nghìn hộ còn dư nợ, trong khi vào thời điểm cuối năm 2014, nguồn vốn của chương trình này là 830 tỷ đồng, với 30 nghìn hộ vay.

 

Cũng nhờ được bổ sung nguồn vốn nên ở nhiều chương trình, tỷ lệ hộ đối tượng được tiếp cận với nguồn vốn vay được tăng lên. Đáng kể nhất là cho vay hộ cận nghèo, hiện nguồn vốn của chương trình là 352 tỷ đồng (tăng 163 tỷ đồng), với 11.200 hộ được vay (tăng trên 4,3 nghìn hộ) so với cuối năm 2014. Tiếp đến là cho vay theo Quyết định số 755, từ số tiền 12 tỷ đồng vào cuối năm 2014, hiện nguồn vốn này là 54 tỷ đồng. Nhờ đó, số hộ được vay tăng từ 707 hộ lên 3.600 hộ (cơ bản các hộ có nhu cầu đều đã được đáp ứng, mức vay tối đa theo quy định là 15 triệu đồng/hộ). Tương tự, ở chương trình cho vay theo Quyết định số 54, nguồn vốn hiện dành cho chương trình là 38 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với mức cho vay tối đa 8 triệu đồng/hộ; lãi suất 1,2%/năm, hiện số hộ được vay là 3.268, tăng gần 1,4 nghìn hộ.

 

Riêng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, do mới được triển khai từ tháng 9-2015 nên tỷ lệ hộ được vay trong tổng số hộ có nhu cầu hiện mới đạt khoảng 10%. Cụ thể, nguồn vốn dành cho chương trình này hiện là 40 tỷ đồng, có 1.090 hộ được vay. Do hạn chế về nguồn vốn nên Chi nhánh ưu tiên cho vay trước đối với những hộ thoát nghèo năm 2012 (vì chương trình cho vay hộ thoát nghèo chỉ áp dụng đối với những hộ ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo tối đa là 3 năm).

 

Mặc dù quản lý số vốn không nhỏ, số hộ vay lại lớn, với nhiều chương trình cho vay khác nhau, nhưng chất lượng tín dụng của NHCSXH Chi nhánh tỉnh nhiều năm qua luôn được đánh giá là tốt, với tỷ lệ nợ quá hạn dao động ở mức 0,07%; tỷ lệ dư nợ trên tổng nguồn vốn luôn đạt từ 98-99%. Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH Thái Nguyên, để có được kết quả này, Chi nhánh luôn chú trọng thực hiện đồng thời các nhiệm vụ, giải pháp từ công tác điều hành, thực hiện kế hoạch tín dụng; quản lý và xử lý nợ đến hạn, nợ xấu, đến việc phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, cũng như trong công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ… Theo đó, Chi nhánh tỉnh và các phòng giao dịch cấp huyện luôn chủ động, kịp thời tham mưu cho Trưởng ban đại diện cùng cấp phân giao, điều chỉnh chỉ tiêu nguồn vốn cho vay các chương trình ngay khi có quyết định thông báo vốn của cấp trên; bám sát kế hoạch tăng trưởng tín dụng, kế hoạch thu hồi nợ trong tháng để cho vay quay vòng kịp thời, không để ứ đọng nguồn vốn; phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các cấp chính quyền, trưởng các xóm chỉ đạo, giám sát tổ tiết kiệm - vay vốn theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; chủ động nắm bắt nhu cầu vay vốn, tổ chức bình xét cho vay để giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng chính sách. Để nợ xấu luôn nằm trong tầm kiểm soát, đối với nợ đến hạn, Chi nhánh và các phòng giao dịch luôn chủ động theo dõi, bám sát kế hoạch thu hồi nợ hàng tháng; thông báo cho tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã, tổ tiết kiệm - vay vốn để rà soát, phân tích, nắm bắt cụ thể từng món nợ vay đến hạn trong tháng để có hướng xử lý kịp thời, đúng quy định.

 

Đối với việc xử lý nợ quá hạn, Chi nhánh thường xuyên theo dõi số dư nợ quá hạn của từng phòng giao dịch. Những phòng giao dịch và những xã có nợ quá hạn từ 0,2% trở lên, phải đưa ra phương án củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện phân tích, đánh giá từng khoản nợ quá hạn, phối hợp chặt chẽ với UBND và tổ chức hội cấp xã bàn biện pháp xử lý phù hợp với điều kiện thực tế của từng khách hàng…

 

Đồng chí Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh cho biết, với việc được tăng đáng kể nguồn vốn trong năm 2015 nên áp lực giải quyết nhu cầu về vốn của người dân ở một số chương trình hiện đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều sẽ được áp dụng từ 1-1-2016 thì chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cao so với hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về vốn cho các chương trình này cũng sẽ tăng cao. Vì thế, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về vốn, bên cạnh nguồn vốn của Trung ương chuyển về, rất cần sự quan tâm bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho NHCSXH để cho vay các đối tượng này, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu mỗi năm giảm từ 2% trở lên hộ nghèo như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.