Đối với bà con đồng bào dân tộc Mông, Tày, Cao Lan, Sán Chí, Nùng ở bản Pác Máng (xã Định Biên, huyện Định Hóa), chị Ma Thị Nguyệt không chỉ là "bà đỡ" của nhiều hoàn cảnh khó khăn, mà còn là người chỉ đường mở lối cho cả xóm nghèo vùng cao thuộc vùng ATK phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Đi trước, làm đầu
Nằm giữa bốn bề là rừng núi của các xã Định Biên, Bảo Linh và Đồng Thịnh, bản Pác Máng cách trung tâm xã Định Biên gần 5 cây số đường rừng, nhưng từ đầu làng đến cuối xã, ai cũng biết gia đình chị Nguyệt (Bí thư Chi bộ), anh Thu (nguyên Trưởng bản), bởi vợ chồng anh chị đã khai thông đường về bản Pác Máng; anh chỉ có tấm lòng nhân hậu đã san sẻ tình cảm, nhường cơm, áo cho những lúc khốn khó, vận động bà con định canh, định cư, buông lưỡi hái, dao phát, hạ sơn để cầm cày làm lúa nước, trồng rừng để an cư, lạc nghiệp.
Pác Máng, tên gọi theo tiếng địa phương là cửa khe suối. Nơi đây chỉ có dòng chảy róc rách của khe suối len lỏi qua những dãy núi cao, nhẹ nhàng tựa như máng dẫn nước tự chảy về bên mỗi nếp nhà sàn. Nhưng mùa mưa, nước về nhiều, Pác Máng thành dòng lũ ống dữ dội, có thể cuốn trôi tất cả nhà cửa, trâu, bò và thóc lúa. Chị Nguyệt, anh Thu cùng gia đình nội, ngoại đều là người bản địa, nên hiểu rõ về đất và người nơi đây. Chị kể: Cách đây hơn chục năm, Pác Máng chẳng có rừng vì nhà nào cũng lên núi phát nương, đốt rẫy, phá rừng. Mưa lũ về, tất cả đất mùn đều bị cuốn trôi, bà con lại trồng sắn và tiếp tục khai phá quảng canh. Rừng hết cây, mỗi trận lũ ập về thành ống nước hung dữ, nhiều lúc như muốn nuốt trôi hết cả bản. Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng đường ra xã, liên thôn, xóm lại cách trở. Mỗi khi đến phiên chợ, gần như cả đêm, nhà nào cũng rục rịch gùi gạo, đóng ngô, măng vào sọt rồi lũ lượt vượt đường mòn gồng gánh ra cho kịp phiên chợ. Gạo dẻo, gà, lợn, rau sạch, nấm hương, mộc nhĩ tươi nguyên… tới chợ cũng chỉ đổi được dăm gói đường, chai dầu hỏa thắp sáng, ít quần áo lao động, nước mắm, mì chính… vì bị tư thương ép giá. Biết bà con khó khăn, nhiều chương trình, dự án của Chính phủ, của các đơn vị Quân đội đến hỗ trợ, động viên, nhưng cả bản ai cũng biết: Chẳng ai có thể cho mình mãi được! Trong khi rừng thì nghèo kiệt, trồng cây gì cũng héo hắt vì thiếu chất và chết yểu.
Pác Máng có 21 hộ dân, với 74 nhân khẩu, trong đó hơn nửa là đồng bào Mông, còn lại là dân tộc Cao Lan, San Chí, Nùng, Tày. Tập quán canh tác, sản xuất nơi đây chủ yếu làm lúa nương. Năm 2010, cả xóm chỉ có 5ha lúa nước, còn lại là đất bãi, đồi rừng. Cùng với suy nghĩ đơn giản, lên rừng không tìm được củ thì cũng đào được măng, chặt củi đem bán. Chính vì vậy, việc vận động bà con cải tạo tại đất định canh và làm ruộng, cấy lúa nước là rất khó khăn.
Ấy thế mà mấy năm trở lại đây, người dân Pác Máng theo chị Nguyệt trồng lúa nước, trồng rừng, làm kinh tế gia đình. Điều gì có thể khiến mọi người thay đổi? - Trả lời câu hỏi của chúng tôi, vợ chồng chị Nguyệt chỉ cười và khiêm tốn cho biết: "Muốn bà con từ bỏ cái cũ, làm theo cái mới thì trước hết mình phải làm trước, thấy hiệu quả bà con mới tin tưởng. Nói thì dễ, làm mới khó. Nhưng khó vẫn phải quyết tâm thuyết phục bà con...". Sau mùa lũ năm 2010, vợ chồng chị Nguyệt, anh Thu ngày hai buổi cặm cụi ra bờ suối cùng một số bà con trong bản chặt cây, khoanh vùng thửa ruộng rồi hì hục xúc đất đổ vào, vần đá lên ven bờ.
Chị Nguyệt cho biết thêm: Ngay lúc đó, chúng tôi hiểu dù có nói thế nào cũng bằng thừa nên hai vợ chồng chọn cách lẳng lặng làm, dồn gạo của nhà để nấu cơm hỗ trợ những người cùng làm. Mùa lúa năm ấy, 3 mẫu ruộng lúa nước của gia đình cho thu hoạch trên 4 tấn thóc. Nhìn những bông lúa trĩu hạt, ai đi ngang qua ruộng cũng thầm ao ước giá mình có được thửa ruộng tốt như thế. Lúc đó, gia đình chị Nguyệt mới bắt đầu đi đến từng nhà động viên bà con hạ sơn định canh lâu dài.
Trời không phụ công người, 4 mùa tiếp đó, từ 5ha lúa của chục hộ đã mở rộng lên 9ha của hầu hết các hộ trong xóm. Rồi nhà nhà tự nguyện theo chị Nguyệt, anh Thu ngăn đập khoanh ruộng trồng lúa nước.
Có hạt lúa, bắp ngô, bước đầu người dân Pác Máng đã vơi đi cái đói mỗi khi giáp hạt, không còn cảnh nhà có ruộng đến bữa nấu nồi cơm to lo cứu đói. Nhưng Pác Máng vẫn bị cô lập bởi rừng núi cách trở. Chị Nguyệt nhớ lại: “Bà con nuôi được con lợn muốn bán, ra chợ mời thợ thịt phải mất gần 2 tháng sau họ mới vào. Đến bản, họ chê lợn quá to, trả rẻ, lại còn phải nuôi thợ thịt ăn cơm… Từ đó, gia đình quết định vận động bà con mỗi tuần bỏ ra một ngày công bạt núi làm đường. Cứ miệt mài như kiến xây tổ, đến năm 2011, sau hơn một năm thì xe máy vào được trung tâm bản. Đường thông nhưng nhỏ, hàng hóa vẫn khó vận chuyển. Đúng dịp các đơn vị bộ đội hỗ trợ máy móc làm đường, tôi đã vận động bà con góp công sức hiến đất mở rộng đường. Gia đình tôi ở vị trí ngay đầu ngõ, nên sẵn sàng hiến hơn 1.000m2 ruộng để san lấp mở rộng lối đi. Dù nhiều hộ ruộng, vườn có ít, lại từng mất nhiều công sức cải tạo định canh, định cư, nhưng thấy rõ tầm quan trọng của con đường và lợi ích của cộng đồng nên tự nguyện hiến. Chỉ sau gần 3 tháng, xe ô tô có thể đi từ trung tâm xã qua Pác Máng sang các xã lân cận… Lợn gà, lúa, gạo, ngô, cây rừng trồng cũng theo con đường bê tông thông thương về xuôi. Xi măng, sắt thép, tôn lợp, bánh kẹo, đường sữa…, và cả no ấm cũng tìm về đến từng nhà trong bản”.
Cơm nhà, việc người
Không chỉ giúp bà con cách thức làm ăn, chị Nguyệt còn được bà con nể trọng bởi cách ứng xử đúng mực. Đôi lúc chị Nguyệt như vị "quan tòa" công minh của bản. Hễ ai có vướng mắc gì trong cuộc sống đều tìm đến chị để hỏi và xin tư vấn. Bà Hoàng Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Định Biên, cho biết: "Trong quá trình xây dựng nếp sống mới, ở vùng cao này có nhiều tập tục lạc hậu rất khó bỏ, xã đã mời vợ chồng chị Nguyệt, anh Thu tham gia Ban Hòa giải. Thuận lợi là cả hai vợ chồng anh chị đều hiểu và giao dịch được nhiều thứ tiếng của đồng bào, lại hiểu biết về phong tục địa phương cũng như quy định pháp luật, lý giải thuận lòng dân, vì thế nhiều hủ tục đã được xóa bỏ. Nhất là hủ tục làm ma chay, cưới xin không còn kéo dài, ăn uống, làm lễ linh đình, mà được các hộ cam kết đám hiếu chỉ trong vòng 24 giờ, đám cưới chỉ làm trong một ngày".
Chị Nguyệt mộc mạc: “Với suy nghĩ, ngày xưa đánh Pháp, đánh Mỹ, cả bản làng đều chung tay góp sức, hôm nay đuổi cái nghèo cũng cần đến sự đoàn kết”. Chính vì vậy, mặc dù Pác Máng là xóm nghèo, (còn đến 30% số hộ nghèo), nhưng đã 3 năm trở lại đây, xóm luôn là đơn vị dẫn đầu hoàn thành việc ủng hộ các nguồn quỹ trước thời hạn... Từ các hoạt động xã hội này, tình làng, nghĩa xóm thêm gắn bó, chan hoà và sẵn sàng chia sẻ khó khăn, quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Sự cảm thông và chia sẻ ấy cũng đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Gia đình bà Vi Thị Chu, dân tộc Mông từng có những năm tháng khó khăn, du cư, từ khi hạ sơn, theo gia đình chị Nguyệt làm ruộng cuộc sống đã dần ổn định. Khi mở đường đã sẵn sàng hiến gần 1/3 sào ruộng lúa cấy hai vụ để làm đường, trong khi gia đình chỉ có hơn một sào ruộng. Chị Chu chia sẻ: “Những ngày khó khăn, nhiều hộ phải nhờ cậy vợ chồng anh Thu, chị Nguyệt nấu ăn chống đói, nay mở đường đem no ấm về thì tiếc gì ít đất. Mình cho mọi người được, mọi người sẽ giúp mình như ngày xưa anh Thu, chị Nguyệt giúp bà con vậy thôi”.
Chia tay, tôi cứ suy nghĩ mãi về "cái lý" của chị Nguyệt: "Mình biết nhiều, nhưng chỉ mình mình biết thôi chưa đủ, mà phải đem cái biết ấy để bà con cùng biết thì đó mới gọi là biết! Sống trong cộng đồng thì cần có sự san sẻ, gắn kết. Một người làm không được thì nhiều người sẽ làm được. Một lần không được thì lần hai, lần ba... chắc chắn sẽ được".
“Cái lý” ấy đã đem đến cho người dân Pác Máng niềm tin. Sau gần 5 năm làm công tác vận động quần chúng nhân dân của vợ chồng chị Nguyệt, đã đem lại cho Pác Máng con đường ấm no, hạnh phúc nối liền với trung tâm xã và liên thông đến các xã lân cận, kéo dài gần 5km, ô tô đi lại thuận tiện. Pác Máng từ một xóm nghèo, nay đã có trên 21ha rừng trồng phục vụ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản. Cũng từ con đường và cách vận động “cầm tay chỉ việc” của vợ chồng chị Nguyệt, anh Thu, trên 80% diện tích đất canh tác đã được gieo cấy bằng giống lúa lai, cho năng suất trên 45tạ/ha, vượt năng suất giống cũ trên 10tạ/ha. Và lâm sản phụ từ cật cọ, lá cọ của Pác Máng đã vươn ra nước ngoài theo con đường xuất khẩu nguyên liệu gia công tại chỗ…