Cơ hội quảng bá sản phẩm chè ở Phú Lương

09:22, 03/02/2016

Từ năm 2013, xã Vô Tranh (Phú Lương) đã được cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu chè tập thể”. Và mới đây, xã Tức Tranh, địa phương nổi tiếng về diện tích, chất lượng sản phẩm chè của huyện cũng đã vinh dự được cấp giấy chứng nhận này. Đây vừa là động lực vừa là cơ hội để người trồng chè ở 2 địa phương trên nói riêng, cả huyện Phú Lương nói chung quảng bá sản phẩm trên thị trường.

Điều kiện được cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể” gồm: Có sản phẩm đăng ký bảo hộ, đủ số hộ đăng ký, không vi phạm nhãn hiệu với các đơn vị khác, có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chất lượng theo quy định của Cục Sở hữu trí tuệ...

Chúng tôi đến Làng nghề chè xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh đúng vào lúc một số hộ dân ở đây đang đóng gói sản phẩm chè chuẩn bị trưng bày tại Lễ hội Đền Đuổm (sẽ được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016). Chị Nguyễn Thị Nhung, Bí thư Chi bộ cho biết: Từ khi xã được cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu chè tập thể” (năm 2013), sản phẩm chè của người dân đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và đặt mua với số lượng lớn. Chỉ tính riêng Làng nghề này, bình quân mỗi năm xuất bán ra thị trường các tỉnh, thành phố (như Hà Nội, Cao Bằng, Hải Dương, Hưng Yên…) khoảng 72 tấn chè búp khô, tổng doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng. Đây cũng chính là lý do mà mỗi dịp tổ chức lễ hội trên địa bàn, sản phẩm chè của xóm Trung Thành 2 đều được lựa chọn trưng bày để quảng bá. Hiện nay, ngoài việc sử dụng nhãn hiệu chè tập thể của xã, trong xóm còn có một số hộ đăng ký nhãn hiệu của hộ gia đình, cá nhân, có mã vạch để quảng bá sản phẩm chè.

 

Làng nghề chè xóm Trung Thành 2 là 1 trong 7 làng nghề ở xã Vô Tranh đã được công nhận làng nghề chè truyền thống. Hiện nay xóm có 89 hộ dân, trong đó có 75 hộ là hội viên Làng nghề. Diện tích chè của xóm có 28ha thì trên 50% là chè cành cho năng suất, chất lượng cao. Từ khi xã Vô Tranh được cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu chè tập thể”, ý thức được đây là cơ hội quảng bá sản phẩm chè nên người trồng chè đã tập trung chuyển đổi những diện tích chè trung du già cỗi, kém năng suất sang trồng những giống chè cành chất lượng cao (như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI 777...), đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc và chế biến chè. Từ đó giá trị sản phẩm chè cũng đã được nâng lên. Nếu như trước đây giá bán chè chỉ được 50-80 nghìn đồng/kg thì nay đã tăng lên từ 150-300 nghìn đồng/kg.

 

Xã Vô Tranh hiện có hơn 600ha chè, trong đó 90% là chè kinh doanh, năng suất đạt hơn 90 tạ/ha, sản lượng chè búp khô ước đạt 1.500 tấn/năm, doanh thu từ chè trung bình mỗi năm đạt trên 150 tỷ đồng. Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2013, xã Vô Tranh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu chè tập thể. Lúc đó, xã là địa phương duy nhất trên địa bàn huyện có thương hiệu này với sự tham gia của 700 hộ dân. Sau khi được công nhận nhãn hiệu, địa phương đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và chế biến chè để nâng cao chất lượng sản phẩm như: dùng máy vò, máy sấy chè bằng inox thay thế cho máy tôn; đầu tư mua sắm máy hút chân không để đóng gói sản phẩm; dùng van xoay tự động để tưới chè… Đón giấy chứng nhận nhãn hiệu chè tập thể, người dân như được tiếp thêm niềm tin, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm chè, nhờ đó giá bán đã tăng từ 50-150 nghìn đồng/kg (với chè trung du) và từ 150-300 nghìn đồng/kg (với chè cành). Thay vì trước đây bà con phải mang ra chợ bán thì nay tư thương đã vào tận nhà đặt hàng, trả tiền trước. Hiện nay, xã đã và đang triển khai mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và đã có 10ha được công nhận sản xuất thành công mô hình này.

 

Cũng chung niềm vui với bà con xã Vô Tranh, mới đây xã Tức Tranh cũng đã vinh dự đón giấy chứng nhận “Nhãn hiệu chè tập thể”. Đây được xem như “bước ngoặt lớn” đối với người trồng chè trên địa bàn xã Tức Tranh. Bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nói đến chè Tức Tranh, nhiều người cũng chỉ mới biết đến sản phẩm chè ngon có tiếng của cụm Làng nghề chè Khe Cốc, trong khi đó ở nhiều làng nghề chè khác trên địa bàn xã chất lượng sản phẩm cũng không thua kém nhưng chưa được nhiều người biết đến. Việc được công nhận nhãn hiệu tập thể sẽ giúp người trồng chè của xã có chỗ “vịn” vừa tạo động lực cho người dân tiếp tục nâng cao chất lượng vừa để giới thiệu sản phẩm chè của Tức Tranh ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, ngoài việc mở nhiều lớp tập huấn về các kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè cho người dân thì xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích chè cành, chè an toàn theo quy trình VietGAP. Hiện, toàn xã có trên 1.000ha chè thì có gần 1.000ha chè kinh doanh, 50% diện tích là chè cành và khoảng trên dưới 70ha chè được công nhận sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP.

 

Toàn huyện Phú Lương hiện có trên 4.300ha chè, tập trung chủ yếu ở các xã Vô Tranh, Tức Tranh, Yên Lạc và Phú Đô. Những năm qua, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè, cải thiện đời sống cho người dân. Ông Nguyễn Khả Chung, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Những năm trước đây, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm chè đã từng là mục tiêu của huyện Phú Lương bởi đó là cơ hội để huyện quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương và đến nay đã thực hiện được. Nếu như trước đây bà con có tư tưởng mạnh ai nấy làm, có lợi là làm thì nay thông qua nhiều chương trình, dự án hỗ trợ của tỉnh, huyện họ đã phối hợp với nhau, học hỏi các kỹ thuật của nhau để tạo ra sản phẩm chè có chất lượng cao, đồng đều, xứng đáng với nhãn hiệu chè ở địa phương, tạo được sự tin tưởng ở người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm. Thời gian tới, huyện sẽ xây dựng và đề nghị cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu chè tập thể cho các địa phương có diện tích chè lớn trên địa bàn như Phú Đô, Yên Lạc… nhằm tạo ra vùng nguyên liệu chuyên sản xuất chè của huyện.