Khởi đầu cho năm 2016, sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ổn định. Điều này cho thấy, đây là ngành đang có những bước phát triển và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, nhất là khi tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn tăng cao. Tuy nhiên, để ngành này tiến xa và đóng góp tích cực hơn nữa cho nền kinh tế thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Tăng trưởng ấn tượng
Nhìn lại năm 2015, với mức tăng trưởng ấn tượng 9,8% so với năm 2014 và cao hơn nhiều mức tăng 5,9% của năm 2013 và 7,6% của năm 2014, sản xuất công nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế đất nước.
Đặc biệt, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung (tăng 10,6%), đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng của ngành; ngành khai khoáng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, sản xuất giữ được ổn định; nhóm mặt hàng cơ khí tăng trưởng khá là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ bắt đầu xu hướng phát triển.
Tình hình tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2015 cũng đạt những kết quả khả quan hơn so với năm 2014. Chỉ số tiêu thụ tăng so với cùng kỳ. Tồn kho sản phẩm, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2015 đã có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho tại thời điểm các tháng trong năm duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ (ở mức 9,5%).
Đạt được những kết quả tích cực trên là do trong những năm gần đây, Việt Nam có chính sách phát triển công nghiệp rất tốt, điển hình như chính sách thuế, đất đai… đã tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Thêm nữa, với việc Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1-7-2015 đã và đang có những tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) nói chung và DN trong ngành chế biến, chế tạo nói riêng. Bên cạnh đó, giá năng lượng tại Việt Nam cũng hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực và thế giới, đây là lợi thế rất quan trọng để thu hút nhà đầu tư.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, việc tăng trưởng của ngành công nghiệp trong thời gian qua đã thu hút và giải quyết được vấn đề công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời cũng giúp lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh đã tạo ra nhu cầu rất lớn về công nghiệp hỗ trợ, là cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp.
“Cải thiện” để tiến xa hơn
Cho dù đã đạt được những kết quả rất tích cực, nhưng nếu đánh giá một cách tổng thể thì ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn đang bộc lộ nhiều hạn chế mà bấy lâu nay vẫn chưa thể khắc phục được triệt để. Nhìn nhận về điều này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp còn chậm và chưa bền vững; giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành công nghiệp tuy có tăng nhưng còn chậm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp chưa tham gia được rộng vào mạng sản xuất và chưa sâu chuỗi giá trị toàn cầu.
Điều đáng nói, sản xuất tăng cao ở một số nhóm ngành có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó ở một số nhóm ngành thuộc khối các DN trong nước tăng thấp hơn. Nhiều DN sản xuất vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển. Ngoài ra, trình độ công nghệ của ngành công nghiệp còn lạc hậu, kể cả so với các nước trong khu vực, tốc độ đổi mới công nghệ trong các DN nhà nước và tư nhân còn thấp.
Bổ sung thêm cho vấn đề này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, mặc dù có dịch chuyển, nhưng cũng phải “sòng phẳng” thừa nhận rằng, cơ cấu công nghiệp của Việt Nam đang ở đẳng cấp rất thấp, việc dịch chuyển lên đẳng cấp cao còn rất chậm. Công nghiệp nội địa vẫn nặng về khai thác tài nguyên và gia công, lắp ráp; định hướng phi công nghệ rõ hơn định hướng công nghệ cao; không khuyến khích sản xuất nội địa, hầu như không có công nghiệp hỗ trợ.
Trong khi đó, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Vì vậy, theo PGS TS Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một thách thức vô cùng to lớn với Việt Nam là phải cạnh tranh công khai, công bằng, chân chính và minh bạch. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, công nghiệp thực hiện sự hội nhập đa dạng nhất, phức tạp nhất bởi do đặc trưng của tính chất tổ chức sản xuất công nghiệp. Một sản phẩm công nghiệp ngày nay là kết quả của sự phân công và hợp tác của nhiều DN, của nhiều quốc gia. Mỗi quốc gia, mỗi DN sẽ cung cấp những chi tiết với chất lượng tốt nhất, chi phí thấp nhất để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cuối cùng.
Với việc ký kết, triển khai các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra những điều kiện quan trọng cho ngành công nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới, song cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, nhất là trong phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh ở trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, để phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu cũng như tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả các cơ hội mới từ hội nhập kinh tế quốc tế thì nhiệm vụ đặt ra ngay trong năm 2016 và những năm tiếp theo cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan Chính phủ và các DN rất nặng nề. Đó là, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất ngành công nghiệp để nâng cao chất lượng tăng trưởng; xác định rõ cơ cấu các ngành công nghiệp hợp lý, ưu tiên ngành mũi nhọn; phát triển nhanh ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, phải xây dựng chính sách công nghiệp vừa tăng tính độc lập, tự chủ, vừa chủ động hội nhập.
Về vấn đề này Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, mục tiêu đặt ra cho ngành công nghiệp năm 2016 là tăng trưởng khoảng 9-10% so với năm 2015. Và để hoàn thành được nhiệm vụ này, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ hợp lý, bảo đảm tính bền vững; phát triển có chọn lọc những ngành công nghiệp mà nước ta có nhiều lợi thế; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và vật liệu mới đi đôi với áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để hoàn thành những công trình trọng điểm và then chốt... Qua đó, tạo đà cho công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho nền kinh tế.