Dư nợ tín dụng tháng 1 tăng cao

15:59, 22/02/2016

Tính đến hết tháng 1-2016, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế  của các tổ chức tín dụng trên địa bàn (không tính Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên) đạt 33.864 tỷ đồng, tăng tới 1,98% so với cuối năm 2015. Đây là năm thứ 2 liên tiếp dư nợ tín dụng trong tháng 1 tăng, trong khi trước đó, chỉ tiêu này đều có mức giảm trong 1-2 tháng đầu năm, sau đó mới có mức tăng trưởng dương trở lại.

Có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự thay đổi này, theo đồng chí Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, trước hết là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế có xu hướng tốt lên. Ngoài ra là do các ngân hàng thương mại đã chủ động hơn trong việc tiếp cận với khách hàng nhằm đáp ứng kịp thời và tốt hơn cho nhu cầu vay của khách.

 

Đối với hoạt động huy động vốn, so với cuối năm 2015, trong tháng 1 này giảm 0,97%, từ 32.238 tỷ đồng xuống còn 31.923 tỷ đồng (đây là quy luật từ trước đến nay). Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp lớn rút tiền để chi trả trong dịp Tết Nguyên đán. Điển hình trong số này là Bảo hiểm xã hội tỉnh.

 

Đáng chú ý, trong tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 8.948 tỷ đồng, tăng 30,56% so với cuối năm 2014, với 171.465 khách hàng vay còn dư nợ, chiếm tỷ trọng hơn 26%/tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đạt 5.868 tỷ đồng, với 56.928 khách hàng còn dư nợ; dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 2.392 tỷ đồng, với 114.530 khách hàng còn dư nợ; Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên là 688 tỷ đồng, với 7 khách hàng còn dư nợ.

 

Hiện, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiếm 0,89% trong tổng dư nợ.