Giữ nghề kéo mật làm đường ở Chòi Hồng

16:33, 27/02/2016

Từ khi về định cư tại xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) năm 1980, hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mông đã học nghề trồng mía, kéo mật làm đường của người dân bản địa để phát triển kinh tế. Nhiều năm trôi qua, nghề trồng mía, kéo mật đã mai một ở hầu hết các xóm của xã Tràng Xá nhưng riêng người Mông ở Chòi Hồng vẫn giữ được nghề này để kiếm sống và coi đó như một nét văn hóa…

Chúng tôi có mặt tại xóm Chòi Hồng khi những cơn mưa xuân xuất hiện dày hơn nên hàng ngàn, hàng vạn mầm mía non trên khắp nương bãi đội đất vươn lên sau một mùa cho con người đầy mật ngọt. Anh Sùng Văn Thái (một người dân ở xóm Chòi Hồng) chỉ tay về phía khu đồi trước mặt, chia sẻ: Gia đình tôi trồng mía ở đó được 1 năm rồi. Năm nay, đường phên nấu từ mật mía của người dân ở Chòi Hồng bán với giá 20 nghìn đồng/kg (tăng 2 nghìn đồng so với năm ngoái) nên nhiều gia đình trong xóm thu nhập cao hơn năm trước. 1ha mía ra mật nấu được khoảng gần 3 tấn đường nên hộ trồng nhiều mía nhất ở Chòi Hồng thu được trên 12 tấn đường. Năm nay, chất lượng mía ở Chòi Hồng tốt do không sâu bệnh, thân mía to nên hàm lượng đường cao hơn hẳn. Thời gian từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12 Âm lịch là thời điểm người dân Chòi Hồng tấp nập nhất của “vụ mật”… Quay sang khu vực lò nấu đường, anh Thái cho biết thêm: Trước đây nồi nấu đường thô sơ và chúng tôi dùng trâu để kéo, ép mía lấy mật rồi cho vào nấu. Làm như thế vừa tốn công mà lượng mật ép được rất ít. Chính vì vậy, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân trong xóm đã mạnh dạn đầu tư cả chục triệu đồng để cải tiến hệ thống lò nấu, hệ thống đầu nổ và máy ép mía nên giảm được rất nhiều công lao động…

 

Tìm hiểu thêm về nghề trồng mía, kéo mật làm đường ở Chòi Hồng, chúng tôi được một số người dân địa phương kể lại rằng nếu dùng trâu kéo để ép mật thì quá trình sản xuất ra đường thành phẩm cần phải có 15 người hỗ trợ và mỗi ngày chỉ nấu được 2 mẻ. Nhưng bây giờ dùng máy nổ để ép mía chỉ cần 10 người hỗ trợ và một ngày cho ra lò 3 mẻ đường với khối lượng 80kg/mẻ nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Xóm Chòi Hồng có hơn 100 hộ dân (100% là đồng bào dân tộc Mông) nhưng diện tích đất cấy lúa chỉ vẻn vẹn có 5ha nên người dân nơi đây vẫn coi nghề trồng mía, kéo mật là hướng phát triển kinh tế chính.

 

Ông Trương Văn Pai là một trong những người đầu tiên chuyển từ trên núi cao xuống định cư tại xóm Chòi Hồng cho biết: Khi chúng tôi mới xuống đây định cư đã thấy bà con ở xã Tràng Xá phát triển nghề trồng mía, kéo mật làm đường phên. Nhưng nghề này vất vả, thu nhập không cao nên dần dần người bản địa chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, như: ngô, đậu tương và trồng rừng sản xuất. Người Mông ở Chòi Hồng đi làm công cho các hộ trên nên đã học được nghề này, sau đó, phát triển rộng ở trong xóm nên có những thời điểm 80% hộ dân ở Chòi Hồng đều trồng mía kéo mật làm đường. Hiện nay, diện tích trồng mía của người dân ở Chòi Hồng cũng đã giảm nhưng hiện vẫn còn 18 hộ giữ được lò nấu mật, làm đường. Vài năm trở lại đây nhu cầu sử dụng đường mía tăng dần nên nhiều hộ ở Chòi Hồng đã tập trung nhau lại xây dựng lò quy mô lớn hơn, mua máy nổ, máy ép mía để duy trì nghề làm đường…

 

Trước đây, người dân xóm Chòi Hồng trồng mía ở hầu hết trên đồi, núi cao với diện tích gần 100ha nên khó chăm sóc, nhiều diện tích mía bị chết do khô hạn, thân mía nhỏ hàm lượng đường không cao. Còn hiện nay, diện tích trồng mía của người dân nơi đây đã chuyển dần xuống khu vực đồi núi thấp, gần nhà nên việc chăm sóc, thu hoạch của người dân đã thuận lợi hơn. Đặc biệt, năng suất, chất lượng mía được nâng cao hơn nên người dân ép được nhiều mật để làm đường. Ông Lầu Văn Vình, Trưởng xóm Chòi Hồng chia sẻ: Hiện nay, diện tích trồng mía của xóm còn khoảng 60ha nhưng sản lượng đường thành phẩm vẫn duy trì ổn định mức từ 150 tấn đường/năm. Bán với giá thị trường như dịp Tết Nguyên đán năm nay thì bà con làm đường ở Chòi Hồng thu được hàng trăm triệu đồng. Nhờ nghề này mà đời sống của người dân cũng đã bớt khó khăn hơn. Nhất là khi cải tiến hệ thống lò nấu đưa máy công nghiệp vào ép thay sức kéo của trâu nên nhanh hơn, tỷ lệ đường đạt được cũng cao hơn. Trước đây, thị trường tiêu thụ đường phên cũng hạn chế, chủ yếu ở trong tỉnh nhưng mấy năm gần đây, chất lượng đường tốt hơn, đẹp hơn nhờ vậy thị trường tiêu thụ được mở rộng ra các tỉnh, như: Bắc Kạn, Cao Bằng, giá bán cũng cao hơn trước.
Bên cạnh đó, người dân nơi đây đã tìm ra nguồn nguyên liệu “mới” thay củi, than để nấu đường chính là bã mía đã được phơi khô. Ông Vình cho biết thêm: Trước kia chuẩn bị kéo mật, nấu đường, người dân trong xóm phải mất cả tháng trời vào rừng kiếm củi làm nhiên liệu. Nhưng nay, bã mía từ năm trước được phơi khô, chất đống là chất đốt quan trọng cho mùa kéo mật, nấu đường tiếp theo. Bã mía cháy rất đươmj, đảm bảo nhiệt lượng nên chất lượng đường tốt hơn so với dùng củi và dùng than.

 

Việc giữ và cải tiến nghề nấu mật làm đường ở Chòi Hồng đã giúp bà con đồng bào Mông ở đây chủ động được việc sản xuất từ trồng mía đến chế biến thành đường để tiêu thụ ra thị trường. Do đó, các ngành chức năng ở địa phương nên quan tâm để giúp bà con tiếp tục hiện đại hóa các khâu sản xuất, quảng bá để từng bước tạo thương hiệu cho sản phẩm đường của Chòi Hồng, giúp nghề trồng mía, kéo mật làm đường ở Chòi Hồng phát triển hơn nữa.