Hướng giải quyết việc làm hiệu quả

10:23, 01/02/2016

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (giai đoạn 2011-2015), toàn tỉnh đã đào tạo được tổng số 85 nghề, trong đó có 31 nghề nông nghiệp và 54 nghề phi nông nghiệp. Sự vượt trội về số lượng nhóm nghề phi nông nghiệp cho thấy đây chính là hướng đi tích cực góp phần giải bài toán tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Trước đây, người dân xã Phấn Mễ (Phú Lương) chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp thuần túy, với mức thu nhập thấp. Nhưng từ hai năm nay, cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi nhờ tích cực đưa các dịch vụ, kỹ thuật vào sản xuất và phát triển nghề phụ. Ông Lê Bá Tuấn, cán bộ phụ trách công tác Lao động, xã hội của xã cho biết: Cũng vẫn đồng ruộng, ao cá, đồi chè ấy, nhưng từ khi nông dân được tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức, kỹ thuật mới về quy trình chăm sóc, sản xuất thì năng suất, sản lượng và giá trị hàng hóa đều tăng. Như với cây lúa, năng suất đã tăng từ 40 tạ lên 50 tạ/ha; chè, rau được sản xuất theo quy trình VietGAP nên giá trị thương phẩm tăng từ 10-15%. Nhóm ngành nghề phi nông nghiệp chiếm ưu thế hơn hẳn trên địa bàn (như nghề cơ khí, sửa chữa máy nông nghiệp, nông cụ, dịch vụ nấu cỗ, chế biến thức ăn…), cho thu nhập thêm từ 2 đến 3,5 triệu/người/tháng.

 

Chị Mai Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phấn Mễ chia sẻ: Các hội viên phấn khởi nhất là được đào tạo nghề nấu ăn. Năm 2011 (khi mới bắt đầu tổ chức đào tạo) chỉ có gần chục chị em tham gia học. Đến năm 2015, kinh tế - xã hội của địa phương đã có chuyển biến theo hướng giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng các hoạt động dịch vụ nên đã có trên 50 hội viên tham gia học nghề nấu ăn, sau khi tốt nghiệp 100% đều phát huy được năng lực của mình (trong đó trên 70% có việc làm mới như hợp đồng nấu ăn cho các nhà trẻ, lớp mầm non, nhà hàng ăn uống tại địa phương). Đặc biệt, tại xã đã có 3 tổ làm dịch vụ chuyên nấu ăn, thu hút 30 hội viên, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Ông Hoàng Văn Chí, ở xóm Làng Hin tâm sự: Từ nhỏ tôi cùng gia đình làm nông nghiệp, vất vả quanh năm mà thu nhập chẳng là bao. Năm 2013, khi huyện tổ chức lớp dạy nghề cơ khí, sửa chữa máy nông nghiệp, tôi và người anh em trong nhà đã mạnh dạn đăng ký theo học. Sau 3 tháng học nghề chúng tôi đã có thể hàn sắt, làm dịch vụ cơ khí (như lắp nhà tôn, chế cánh cửa) và sửa máy cày. Cũng nhờ được học nghề nên hầu như không ngày nào anh em tôi hết việc làm và gần như không còn làm ruộng nữa...

 

Được biết, toàn xã từ năm 2011 đến nay đã có trên 500 người được tham gia học nghề, trong đó có trên 60% học nghề phi nông nghiệp và đều có việc làm, thu nhập ổn định tại chỗ. Đối với huyện Phú Lương, mặc dù là huyện miền núi, song xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động từ thủ công sang có đào tạo cũng như lao động phi nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, góp phần tạo việc làm thêm, việc làm mới và tăng thu nhập cho người dân. Theo thống kê của huyện, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 138 lớp với 4.377 học viên, trong đó gần 60% đào tạo nghề phi nông nghiệp và đều cho thu nhập thêm từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Trên thực tế, ngoài những nghề nấu ăn, sửa chữa máy nông nghiệp, nhiều nghề phi nông nghiệp khác cũng đang phát huy được hiệu quả cao là: May công nghiệp, tin học, thêu tranh nghệ thuật, mộc gia dụng, cơ khí, xây dựng… với số lượng lớp học, người học và số người có việc làm sau đào tạo chiếm tỷ lệ cao.

 

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 5 năm (2011-2015) triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đến năm 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ và dạy nghề cho hơn 26.800 lao động nông thôn (bằng 67% kế hoạch), trong đó tỷ lệ nông dân học nghề phi nông nghiệp là trên 17.000 người và có gần 70% tìm được việc làm mới ổn định, tăng thu nhập, thoát ly lao động thủ công. Đặc biệt trong 5 năm qua đã có gần chục nghìn lao động tự tạo được việc làm, thành lập được hàng trăm tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Điển hình như thị xã Phổ Yên, Cơ cấu kinh tế trước năm 2010, tỷ trọng sản xuất nông, lâm nghiệp còn chiếm trên 40%, nhưng đến nay, tỷ trọng  công nghiệp - xây dựng - thương mại - dịch vụ đã chiếm 96,8%; tỷ trọng kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản chủ còn 3,2%. Cơ cấu lao động cũng theo đó chuyển dịch mạnh mẽ, phù hợp với thực tế phát triển của địa phương: lao động phi nông nghiệp chiếm 75,5%, lao động nông nghiệp chỉ còn 29,5%, trong đó, lao động đã qua đào tạo chiếm 72%. Riêng năm 2015, thị xã đã tập trung tuyên truyền và hỗ trợ, đào tạo lao động nông nghiệp chuyển dịch được 36,5% sang phi nông nghiệp, đặc biệt, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi đào tạo đạt trên 93%.
Có thể thấy, so với nhóm nghề nông nghiệp, nhóm nghề phi nông nghiệp được đánh giá là phát huy hiệu quả tích cực, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn, mang lại thu nhập khá, ổn định, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, nguồn nhân lực cho xây dựng nông thôn mới.

 

Tuy nhiên, để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững, học nghề mà không bị lạc hậu thì rất cần được định hướng và bám sát thị trường, quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương. Nếu không thực hiện chính xác tính dự báo và chiến lược dài hơi thì sẽ rất khó khăn trong việc thu hút người học và tạo việc làm sau đào tạo.

 

Bà Hà Thị Hường, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương cho rằng: Do tốc độ đô thị hóa nhanh hiện nay, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nên một số nghề nông nghiệp sau đào tạo không phát huy nhiều tác dụng. Trong hoàn cảnh đó, các nghề phi nông nghiệp là hướng đi phù hợp, đặc biệt với những đối tượng lao động trung niên không có khả năng vào làm tại các khu công nghiệp... Còn theo bà Dương Thị Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Phổ Yên thì cho rằng: Để công tác đào tạo nghề mang lại hiệu quả thực chất thì việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cần phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đồng thời dựa trên nhu cầu thực tế về nghề nghiệp, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và trình độ đáp ứng yêu cầu lao động của người dân, như vậy mới bền vững và hiệu quả.