Nông nghiệp “đặt hàng”các thương vụ nước ngoài

14:54, 23/02/2016

Bên cạnh những khó khăn hiện tại, năm 2016, xuất khẩu nông lâm thủy sản dự báo sẽ có nhiều triển vọng do nhu cầu thị trường tăng và cơ hội được hưởng ưu đãi lớn về thuế, sức cạnh tranh tăng từ các Hiệp định thương mại tự do vừa kết thúc đàm phán. Để xúc tiến nhiệm vụ này, ngày 18-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã tổ chức buổi Tọa đàm với các Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài để “đặt hàng” các thương vụ nhằm thúc đẩy thương mại cho nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế…

Định hướng những thị trường trọng tâm

 

Trong các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam thì thị trường Hoa Kỳ có nhiều tín hiệu khả quan khi nền kinh tế quốc gia này có dự báo khởi sắc nhất cho năm 2016 với nhu cầu sẽ tăng mạnh và tiếp tục có cầu ổn định đối với hàng hóa của Việt Nam. Việc tận dụng những ưu đãi từ TPP cũng sẽ là lợi thế cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới. Trong nhiều năm qua, các mặt hàng như gỗ và sản phẩm của gỗ, hàng thủy sản là những mặt hàng chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

 

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của thị trường Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này rất quyết liệt, nhất là những đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Thái-lan và In-đô-nê-xi-a là những nước tương đồng với Việt Nam về các mặt hàng xuất khẩu. Những rào cản về kỹ thuật và thương mại cũng là khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam gần đây như: thuế chống bán phá giá tăng cao đối với cá tra, các yêu cầu của Chương trình thanh tra cá da trơn theo Farmbill 2014 có hiệu lực từ tháng 3-2016.

 

Đối với thị trường châu Âu, đây là thị trường nhập khẩu có sức mua lớn và đa dạng. Năm 2016, nền kinh tế EU được dự báo sẽ phục hồi chậm. Tuy các nước EU đều có dự báo kinh tế tăng trưởng dương nhưng mức tăng trưởng đều rất thấp (chưa đến 1%). Dự báo cầu nhập khẩu chung cho cả EU sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 5-6% trong hai năm tới. Hiệp định thương mại tự do với EU đã kết thúc đàm phán và mở ra cơ hội cho ngành Nông nghiệp Việt Nam khi 90% lượng hàng hóa vào thị trường này được hưởng mức thuế suất 0%.

 

Khó khăn lớn nhất là những rào cản phi thuế quan như chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ do thị trường này đặt ra. Một số ngành hàng như: chè, rau quả, thủy sản vẫn vấp phải tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khá cao; gỗ phải đáp ứng sự minh bạch về nguồn gốc...

 

Đối với thị trường ASEAN, năm 2016 là năm ASEAN sẽ tiến tới một khu vực thị trường chung với việc tự do hóa lưu chuyển hàng hóa trong khu vực với mức thuế bằng 0. Việc thuế nhập khẩu được cắt giảm hoàn toàn khiến cho hàng hóa của các nước trong khu vực dễ xâm nhập thị trường của nhau. Tuy nhiên, cạnh tranh trên thị trường hàng chế biến sẽ rất mạnh mẽ không chỉ trên thị trường xuất khẩu trong ASEAN mà ngay tại chính thị trường trong nước. Năm 2015, trừ rau quả và thủy sản có giá trị xuất khẩu tăng so với năm 2014, các mặt hàng khác như cao-su, sắn, hạt tiêu và gạo đều giảm giá trị xuất khẩu tại một số nước thuộc khu vực thị trường này.

 

Với thị trường Trung Quốc, dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ không chịu tác động lớn từ chuyển dịch kinh tế của Trung Quốc nhưng lại tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững do tác động của quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực chung quanh vấn đề Biển Đông. Năm 2015, khi hầu hết các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trọng điểm đều suy giảm kim ngạch xuất khẩu thì Trung Quốc lại là thị trường có sự tăng trưởng đáng kể (tăng 18,75% so với cùng kỳ năm 2014). Trong đó phải kể đến mặt hàng rau quả tăng tới 174,7%, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,195 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang các thị trường. Bất lợi của hầu hết nông sản Việt Nam là sự phụ thuộc quá lớn khi xuất khẩu sang thị trường này.

 

“Đặt hàng” các thương vụ

 

Phát biểu ý kiến tại Tọa đàm Thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam giữa Bộ NN và PTNT và Bộ Công Thương ngày 18-2, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại nước ngoài để thúc đẩy liên kết, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới. Chỉ riêng năm 2015, hàng loạt vấn đề kỹ thuật đã được hai ngành nông nghiệp và công thương phối hợp thành công trong việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật như: đưa xoài Việt Nam vào Nhật Bản, đưa vải tươi sang Ô-xtrây-li-a và Hoa Kỳ, nối lại xuất khẩu các mặt hàng rau gia vị sang châu Âu sau một thời gian tạm ngừng, giải quyết các vấn đề vướng mắc trong xuất khẩu thịt lợn và thủy sản sang LB Nga. Hai bộ cũng đã phối hợp tích cực trong việc đàm phán với Trung Quốc về khử trùng gạo, tháo gỡ để xuất khẩu trở lại thanh long sang Đài Loan (Trung Quốc), và gần đây nhất là đã và đang làm việc với phía Mỹ về Đạo luật nông trại liên quan tới vấn đề cá tra.

 

Để chủ động thích ứng với những biến động của kinh tế quốc tế, bảo đảm hội nhập đem lại hiệu quả thiết thực, có chiều sâu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề phát sinh trong thương mại nông lâm thủy sản, Bộ NN và PTNT xác định một số nhiệm vụ liên ngành mang tính định hướng và mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công thương, trực tiếp là từ các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài. Thứ trưởng Trần Thanh Nam "đặt hàng" cụ thể cho các cơ quan thương vụ như sau:

 

Tăng cường phối hợp và bảo đảm việc giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật, các tranh chấp phát sinh trong thương mại nông lâm thủy sản. Thúc đẩy quan hệ, khâu nối xuất nhập khẩu nông sản. Tạo ra mạng lưới thông tin về nông lâm thủy sản thông suốt kết nối giữa các thị trường với Việt Nam phục vụ các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu. Góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh nông nghiệp Việt Nam trong cộng đồng quốc tế;

 

Thực hiện tốt vai trò thông báo về thực hiện các cam kết hội nhập trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam với các đối tác song phương và đa phương. Thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác, các điều ước quốc tế về hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn đã ký kết giữa Việt Nam và các nước; Tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông lâm thủy sản của Việt Nam ra quốc tế nhằm đa dạng hóa thị trường, giữ vững và phát triển thị trường khó tính, chú trọng các thị trường tiềm năng, dễ tính như các nước Trung Đông (UAE, A-rập Xê út, I-ran..), các nước châu Phi, khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống như ASEAN, EU.