Phát huy tiềm năng, thế mạnh từ rừng

08:56, 11/02/2016

Hiện nay, độ che phủ rừng của tỉnh ta đạt trên 50% diện tích tự nhiên, đây là con số đáng ghi nhận trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong những năm qua. Có được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo, tham gia của các cấp chính quyền địa phương thì lực lượng Kiểm lâm đóng vai trò hết sức quan trọng. Với nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, lực lượng Kiểm lâm đã góp phần đưa nghề rừng trở thành ngành sản xuất chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh miền núi, vừa giữ được màu xanh của rừng, vừa tạo được thế cân bằng trong đảm bảo môi trường do tác động của các hoạt động khác đem lại...

Đồng chí Vũ Văn Phán, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Thời gian qua, ngành chức năng và chính quyền địa phương của tỉnh luôn tích cực trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức giữ rừng đến từng hộ dân; thực hiện các giải pháp đồng bộ về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững nên các chỉ tiêu về lâm nghiệp năm 2015 đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 386,6 tỷ đồng, tăng 1,6 tỷ đồng so với kế hoạch năm; trật tự trong quản lý bảo vệ rừng tiếp tục được giữ vững, độ che phủ rừng được duy trì ổn định trên 50%. Đặc biệt là thông qua các chương trình, dự án do Chi cục triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp, chủ rừng và người dân...

 

Một trong những dự án hiệu quả là Dự án “Hàng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Dự án được triển khai trong giai đoạn từ năm 2014-2016 do Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên làm chủ đầu tư với tổng chiều dài gần 58 km trên địa bàn 9 huyện, thành phố, thị xã. Tổng số cây phải trồng là gần 6.000 cây gồm các loại cây như Chò chỉ, Trám, Sấu, Sao đen... Cây giống đều thuộc loại khỏe, cao từ 2 đến 3 mét và được trồng tập trung vào dịp trước và sau tết Nguyên đán Ất Mùi. Sau khi hoàn thành, Dự án đã góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại các địa điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, nâng cao nhận thức của người dân trong việc trồng việc trồng rừng và góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Được biết Dự án “Hàng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” sẽ là dự án tạo hàng cây ven các tuyến đường và thay đổi phương thức thực hiện chương trình trồng cây phân tán tạo ra các công trình lâm sinh có ý nghĩa, có giá trị kinh tế, xã hội và môi trường.

 

Cùng với Dự án  này, Dự án Điều tra, kiểm kê rừng tỉnh Thái Nguyên năm 2015 cũng được đông đảo người trồng rừng quan tâm. Mục tiêu của Dự án nhằm xác định và nắm bắt được diện tích rừng; trữ lượng rừng và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gắn với chủ quản lý cụ thể; thiết lập được hồ sơ quản lý rừng và xây dựng cơ sở dữ liệu rừng và đất chưa có rừng. Hiện nay, 5 huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn hơn 10.000ha đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác kiểm kê rừng cấp huyện; 4 huyện, thành phố, thị xã có diện tích rừng nhỏ hơn 10.000ha, không thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác cấp huyện mà UBND huyện giao cho Hạt Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan của huyện thực hiện kiểm kê rừng. Tại các địa phương cũng đã thành lập 134 tổ kiểm kê rừng cấp xã và 7 chủ rừng nhóm II với 804 người tham gia; tiếp nhận số liệu, bản đồ hiện trạng rừng cấp xã tỷ lệ 1/10.000, lập kế hoạch kiểm kê rừng 134 xã, 9 huyện, 7 chủ rừng nhóm II. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh tổ chức kiểm kê là 179.914 ha, tổng số xã thực hiện kiểm kê là 134 xã với 1.304 xóm…

 

Một thực tế không thể phủ nhận là những năm gần đây, diện tích rừng của tỉnh tuy tăng nhưng năng suất, chất lượng rừng chưa cao, chủ yếu là sản phẩm gỗ nhỏ chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến đồ gỗ. Trước thực trạng đó, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đến năm 2020 nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất và chất lượng rừng trồng. Hiện tỉnh ta có tổng diện tích tự nhiên trên 353.000ha và trên 179.000ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thiện được công tác rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng theo định hướng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; công bố quy hoạch tại các địa phương; điều chỉnh đóng mốc ranh giới 3 loại rừng trên thực địa… Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai các phần việc quan trọng khác nhằm tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp như xây dựng Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng sản xuất; Đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về giống cây lâm nghiệp tỉnh giai đoạn 2014-2020; Đề án quy hoạch mạng lưới chế biến và thương mại lâm sản tỉnh giai đoạn 2014-2020…

 

Đối với Thái Nguyên, rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc có vai trò rất quan trọng giúp điều tiết nguồn nước và giữ cho hồ đạt công suất thiết kế, hạn chế bồi lắng lòng hồ, kéo dài tuổi thọ của công trình. Rừng được bảo vệ và phát triển tốt sẽ tạo ra những cảnh quan đẹp, hấp dẫn khách du lịch, góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng Phương án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững có sự tham gia của người dân đối với rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2014-2020 và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu của Phương án là quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững khu rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, tạo nên khu rừng có chức năng phòng hộ tốt, cảnh quan đẹp để phát triển du lịch sinh thái, thực hiện cơ chế đồng quản lý rừng; tạo ra lợi ích đối với người dân tham gia quản lý bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ít nhất bằng mức thu nhập đối với quản lý bảo vệ và phát triển rừng sản xuất. Theo Phương án, diện tích đất trống chưa có rừng: 247,3 ha từ nay đến năm 2020 sẽ trồng các loại cây bản địa gồm các loài: Trám trắng, Trám đen, Sấu, Lát hoa…; chân đồi, khe có độ ẩm cao: trồng tre Bát độ, luồng, song mây... Chuyển đổi những diện tích rừng trồng keo sang trồng cây bản địa đa tác dụng với tổng diện tích: 1.315,6 ha.

 

Có thể nói, các chương trình, dự án do Chi cục Kiểm lâm triển khai trong thời gian qua ngoài những mục tiêu cụ thể thì mục tiêu tối thượng của chúng là tham gia giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, đưa ngành lâm nghiệp trở thành ngành mũi nhọn... Bởi vậy, trong năm 2016 này, Chi cục Kiểm lâm sẽ tập trung vào quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng tại các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, đảm bảo giữ ổn định độ che phủ rừng mức trên 50% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng; huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng đặc biệt là khâu chế biến lâm sản và trồng rừng gỗ lớn, nhằm gia tăng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp, đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh vùng rừng.