Tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm

18:41, 26/02/2016

Thời gian qua, thông tin tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là nhóm chất tạo nạc salbutamol, vàng O; mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả và hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi… đã khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Để bảo đảm sức khỏe cho người dân cũng như quyền lợi của người sản xuất, các ngành chức năng của tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Là một trong những địa phương tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ đầu mối, T.P Thái Nguyên đã tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra công tác bảo đảm VSATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Đồng chí Ngô Danh Thùy, Phó trưởng phòng Kinh tế Thành phố cho biết: 2 tháng đầu năm 2016, chúng tôi đã tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý 28/30 vụ, trong đó có 12 vụ liên quan đến lĩnh vực VSATTP. Hằng năm, chúng tôi còn tổ chức được trên dưới 10 lớp tập huấn về phòng trừ dịch hại tổng hợp, từ khâu chọn cây, con giống đến khâu sản xuất, bán sản phẩm cho hơn 1.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, Phòng còn tham mưu cho UBND Thành phố tổ chức hội nghị triển khai Thông tư số 51 ngày 27-12-2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương pháp quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

 

Nhằm đảm bảo quyền lợi của người sản xuất cũng như người tiêu dùng, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra và lấy mẫu thử test nhanh đối với các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Chỉ tính từ tháng 10-2015 đến hết tháng 1-2016, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức thanh, kiểm tra đối với 565 cơ sở; trong đó có 43 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 233 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y; 169 cơ sở thu gom, sơ chế, giết mổ động vật; 49 cơ sở chăn nuôi; 4 cơ sở sản xuất, chế biến giò chả; 1 cơ sở kinh doanh thịt; 15 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh rau, chè và 51 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Qua kiểm tra, ngành Nông nghiệp đã lấy tổng số 42 mẫu đi kiểm nghiệm; kết quả kiểm nghiệm cho thấy, có 3/16 mẫu thức ăn chăn nuôi và 7/13 mẫu nước tiểu lợn phát hiện có chất Sabutamol (chất tạo nạc cấm sử dụng trong chăn nuôi). Còn các mẫu khác đều đạt yêu cầu. Toàn ngành đã xử phạt hành chính đối với các cơ sở vi phạm số tiền 33,8 triệu đồng.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Tuân, Trưởng phòng Thanh tra - Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và Thủy sản (sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Thời gian này, chúng tôi tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó chú trọng vào các loại thực phẩm như: Chè, rau xanh, hoa quả, nem... Nội dung kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng VSATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP; giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; giấy xác nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP đối với chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh; nhãn mác sản phẩm hàng hóa; hồ sơ công bố hợp tiêu chuẩn; chứng nhận sản phẩm hợp quy; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia được sử dụng trong sản xuất chế biến sản phẩm; quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; quy định vệ sinh đối với bao bì dùng để bao gói sản phẩm; đồng thời, lấy mẫu sản phẩm thử test nhanh tại chỗ. Thông qua hoạt động kiểm tra nhằm tuyên truyền, cảnh báo các cơ sở có mẫu sản phẩm không đảm bảo ATTP, nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm sản trên địa bàn. Trong trường hợp phát hiện sản phẩm còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng truy nguyên lại nguồn gốc sản phẩm được nuôi trồng, sản xuất từ cơ sở nào, từ đó tiến hành xử lý các vi phạm. Sản phẩm của cơ sở nào vi phạm cũng sẽ được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Chị Nguyễn Thu Thủy, chủ cửa hàng hoa quả sạch ba miền, ở tổ 10, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Cửa hàng chúng tôi chuyên bán các loại quả như: Dâu tây, dừa, bưởi diễn, cam vinh, ổi. Các mặt hàng này, tôi đều nhập từ những người thân quen trong nhà và các cơ sở sản xuất đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhận thức rõ tầm quan trọng của VSATTP và mối nguy hại do thực phẩm bẩn gây ra đối với người tiêu dùng nên chúng tôi cũng không dám nhập hàng trôi nổi ngoài thị trường. Còn chị Lương Thị Thịnh, ở xóm Quyên, xã Phú Xuyên (Đại Từ) thì chia sẻ: Nhà tôi có hơn 10 sào chè trung du. Quanh năm gắn bó với cây chè, từ khâu đốn chè, bón phân, thu hái đến sao chè, lấy hương phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Vì thế, chúng tôi đã tuân thủ đúng thời gian cách ly đối với thuốc bảo vệ thực vật và bón phân vi sinh để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân, gia đình và người tiêu dùng.

 

Có thể thấy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng khi mua hàng cũng cần quan tâm, chú ý đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh không đảm bảo an toàn, không chấp nhận những sản phẩm không rõ nguồn gốc hạn sử dụng; đồng thời, khi phát hiện cơ sở vi phạm về VSATTP cần thông tin cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý.