Thách thức trên con đường cải cách thể chế kinh tế

10:16, 12/02/2016

Bất cứ nền kinh tế nào cũng cần có một bộ các quy tắc ứng xử, hay còn gọi là thể chế, để điều tiết các mối quan hệ liên quan quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, cũng như bảo đảm việc ký kết và thực thi các hợp đồng.

Các “luật chơi” này quy định đâu là những hành vi được phép hay không được phép thực hiện. Nói cách khác, hệ thống thể chế tạo nên các cơ chế “thưởng/phạt” để khuyến khích/điều tiết hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế. Một nền kinh tế có khả năng phát triển nhanh và bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc các cơ chế “thưởng/phạt” này được thiết kế như thế nào.

 

Vậy đâu là những hành vi nên khuyến khích? Đâu là những hành vi phải nghiêm cấm? Các thể chế cần đáp ứng những yêu cầu gì để được gọi là hiệu quả?

 

Nói một cách ngắn gọn, trong nền kinh tế thị trường các thể chế phải khuyến khích mọi người “làm giàu”, nhưng đồng thời cũng phải nghiêm cấm những hành vi làm tổn hại đến lợi ích của người khác.

 

Trong thời kỳ bao cấp tại Việt Nam trước đây, mọi người không phải lúc nào cũng được phép “làm giàu”. Các hoạt động buôn bán không được khuyến khích, thậm chí còn bị kỳ thị. Khi các thể chế kinh tế thời kỳ này hạn chế quyền tự do kinh doanh, nó cũng triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của mọi người trong xã hội, không khơi dậy được những động lực làm việc cần thiết xuất phát từ “lòng tham” của con người. Và khi không ai có thể “làm giàu”, kết quả tất yếu là nền kinh tế bị rơi vào suy thoái.

 

Cuộc cải cách kinh tế do Đảng khởi xướng năm 1986 đã thay đổi các thể chế này khi thừa nhận và cho phép sự tồn tại, hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân. Đó là một sự “cởi trói” để giải phóng sức lao động.

 

Tuy nhiên, khi tất cả mọi người đều cố gắng “làm giàu” cho bản thân mình, một lúc nào đó sẽ xuất hiện các tình huống xung đột về lợi ích, mà nếu không có các quy tắc điều tiết, sẽ dẫn đến tình trạng một ai đó “vì lợi ích của bản thân mình sẵn sàng làm tổn hại đến lợi ích của người khác”.

 

Tại Việt Nam hiện nay vẫn còn không ít các thủ tục hành chính rườm rà tạo nên các chi phí không chính thức và cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí hàng độc hại cho người tiêu dùng không còn là chuyện hiếm. Ngay cả người nông dân, những người được coi là thật thà, chất phác, thì ngày nay gia đình họ cũng có hai luống rau: một luống rau sạch để gia đình mình ăn và một luống rau “ít sạch hơn” để bán cho những người khác trong xã hội.

 

Vậy tại sao chúng ta không đặt ra các quy tắc nghiêm cấm các hành vi này?

 

Các quy tắc luôn có. Chỉ có điều, chúng không được thực thi một cách nghiêm túc. Chúng ta hay nghe đến các từ “chồng chéo”, “thiếu rõ ràng” để mô tả hệ thống pháp luật “hình ống” của Việt Nam. Khi các quy định thiếu rõ ràng, chồng chéo, sẽ rất khó để phân biệt được đâu là điều pháp luật cấm, đâu là điều pháp luật cho phép. Một khi không thể phân biệt được một cách rõ ràng những điều tốt - xấu, đúng - sai, thật - giả, trắng - đen, sẽ không thể thiết kế được các cơ chế “thưởng/phạt” hiệu quả. Mọi người, vì vậy, sẽ thiếu động cơ để làm việc. Thậm chí, có người còn lợi dụng tình trạng “tranh tối tranh sáng” để làm giàu cho bản thân.

 

Vậy tại sao chúng ta không xây dựng được một hệ thống pháp luật với các quy định rõ ràng?

 

Người Việt Nam thường thích những cái được gọi là linh hoạt và không thích những cái được coi là cứng nhắc. Tuy nhiên, sự linh hoạt nhiều khi cũng chẳng khác gì sự tùy tiện, còn những cái cứng nhắc nhiều lúc lại chính là nguyên tắc. Mặc dù ranh giới giữa cái “tốt” và cái “không tốt” là rất mong manh, nhưng hệ quả lại rất khác biệt.

 

Việc coi trọng những cái linh hoạt sẽ dẫn đến các quy định pháp lý theo kiểu “hình ống”, trong đó mọi người đều có thể “du di”. Sự linh hoạt có thể đem lại những cái lợi trước mắt, nhưng đây chính là môi trường lý tưởng cho sự tùy tiện phát triển. Trong khi đó, việc coi trọng những cái thuộc về nguyên tắc sẽ đề cao kỷ cương phép nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật. Đó chính là nền tảng tạo nên trật tự xã hội và những lợi ích lâu dài.

 

Trong một nền kinh tế mà các quyền về tài sản, quyền kinh doanh, cũng như các điều khoản hợp đồng được xác định rõ ràng và được bảo vệ một cách hiệu quả, sẽ không ai có thể “vì lợi ích của bản thân mình sẵn sàng làm tổn hại đến lợi ích của người khác”. Mọi người khi đó sẽ chăm chỉ làm việc, vì những cái mình làm ra sẽ thuộc về mình, chứ không bị người khác lấy mất. Và nền kinh tế đó sẽ phát triển.

 

Ngược lại, trong một nền kinh tế mà các quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người tiêu dùng được định nghĩa một cách mơ hồ và thường xuyên bị xâm hại, sẽ không ai có động cơ để làm việc hết mình. Các doanh nghiệp sẽ không muốn đầu tư, còn người tiêu dùng sẽ hạn chế mua hàng hoá nội địa. Ngược lại, nhiều người còn nghĩ cách để làm lợi cho mình bằng cách xâm hại lợi ích của người khác. Và nền kinh tế đó sẽ chậm phát triển.

 

Có người nói rằng: “Việt Nam muốn phát triển thì đen phải ra đen, trắng phải ra trắng”. Đó thực sự là một nhận xét chí lý. Cải cách thể chế chính là xóa đi những vùng màu “xám”, chỉ giữ lại những vùng hoặc ‘đen”, hoặc “trắng”. Nhưng liệu người Việt Nam, với tư duy đề cao sự linh hoạt, có ủng hộ “tôn chỉ cải cách” này?