Tư duy mới, cách làm phù hợp

15:05, 24/02/2016

Sau hơn 3 năm Luật Hợp tác xã (HTX) có hiệu lực, trên địa bàn huyện Đại Từ đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới được thành lập. Khác với tư duy quản lý theo lối hành chính, hiệu quả thấp trước đây, các HTX xã kiểu mới đã lựa chọn được hướng đi, cách thức tổ chức phù hợp để bước đầu đem lại hiệu quả.

Cuối năm 2014, anh Nguyễn Văn Quảng, ở xóm 13, xã Tân Linh (Đại Từ) bỏ công việc vận hành máy với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng tại Công ty Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo để về nhà lập nghiệp với suy nghĩ đơn giản: Công nhân tuy lương ổn định nhưng cũng chỉ là làm thuê, muốn làm giàu bền vững chỉ có thể đi lên từ vườn bãi của gia đình. Sau một thời gian nghiên cứu, anh quyết định lựa chọn mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm vì đây là loài vật dễ nuôi, ít bệnh tật. Tuy nhiên, khi tìm đầu ra cho sản phẩm thì anh Quảng bắt đầu gặp vướng mắc. Công ty Nippon Zuki của Nhật Bản chỉ chấp nhận thu mua thỏ để chế biến dược phẩm với điều kiện số lượng lớn, có những chứng nhận cần thiết về xuất xứ giống và thú y. Được sự gợi ý của các cơ quan chuyên môn, anh Quảng quyết định vận động những người trẻ tuổi ở địa phương có cùng sở thích chăn nuôi để thành lập HTX Thanh Niên Tân Linh (tháng 7-2015) với gần 20 thành viên, trong đó chủ yếu là nuôi thỏ.

 

Anh Đào Văn Lượng, Phó Giám đốc HTX Thanh Niên Tân Linh nhận định, khi các xã viên được tập hợp trong một tập thể thống nhất sẽ có nhiều lợi ích. Trước hết, HTX được hỗ trợ khi thành lập, tập huấn cách thức quản lý và tổ chức hoạt động, cùng với đó là kỹ thuật chăn nuôi thú y theo đúng quy trình. Quan trọng hơn, HTX có tư cách pháp nhân tự chủ về tài chính, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên thuận lợi hơn trong việc huy động vốn đầu tư, vốn vay phục vụ cho sản xuất. Chúng tôi cũng kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm chăn nuôi, ổn định thị trường và tăng thu nhập cho xã viên. Tuy mới thành lập, nhưng hiệu quả ban đầu ở HTX Thanh Niên Tân Linh đã thấy rõ ở chỗ thu nhập của các hộ xã viên luôn ổn định và có chiều hướng tăng, số hộ đăng ký xin gia nhập HTX ngày càng nhiều.

 

Ở huyện Đại Từ, HTX vận tải Bình An (trụ sở tại tổ dân phố Liên Sơn, thị trấn Hùng Sơn) được đánh giá là hoạt động hiệu quả. Thành lập từ đầu năm 2015, hiện HTX có 7 xã viên với 5 đầu xe, công việc chủ yếu là đưa đón chuyên gia và nhân viên Dự án Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo. Ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc HTX vận tải Bình An cho biết: Ban đầu, chúng tôi cũng băn khoăn giữa mô hình HTX hay công ty cổ phần. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tôi nhận thấy, cùng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhưng hai hình thức này có sự khác khau rất lớn. Công ty cổ phần dựa trên cơ chế “đối vốn”, nghĩa là thành viên đóng góp vốn bao nhiêu thì hưởng lại bấy nhiêu. Trong khi bản chất của HTX là “đối nhân”, lợi ích của HTX chính là lợi ích của các xã viên. Tổ chức theo hình thức HTX kiểu mới thì mọi hoạt động đều hướng về phía các thành viên, mang lại lợi ích và gắn với quyền lợi thiết thực của họ. Mỗi quyết định, mỗi thay đổi đều phải có sự bàn bạc, thống nhất của các thành viên nhằm hướng đến lợi ích chung của cả tập thể. Ở HTX Vận tải Bình An, thành viên Hội đồng quản trị và xã viên cùng tham gia lái xe làm dịch vụ. Theo anh Tình, đó là cách để chúng tôi tạo sự gần gũi, nắm bắt công việc, cũng như tiếp nhận phản hồi từ thực tế để có sự điều chỉnh phù hợp. HTX cũng xây dựng quy chế hoạt động, trong đó nhấn mạnh nội dung về lái xe an toàn, văn hóa, thái độ khi tiếp xúc với khách hàng. Dù là xã viên đóng cổ phần nhưng nếu có 3 lần bị phản ánh không tốt từ phía khách hàng thì thành viên đó phải tự động làm đơn xin ra khỏi HTX. Nhờ có quy chế và tổ chức hoạt động phù hợp, HTX Vận tải Bình An luôn tạo được uy tín từ phía đối tác, thu nhập của lái xe bình quân gần 10 triệu đồng/tháng.

 

Đối với HTX Chè Thanh Lương (trụ sở tại xóm Gốc Mít, xã Tân Thái), việc lựa chọn hình thức kinh tế tập thể xuất phát từ nhu cầu tự thân. Chị Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc HTX từng là chủ doanh nghiệp tư nhân Hiền Loát chuyên về dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng và kinh doanh chè. Chị Hiền chia sẻ: Khi thành lập HTX (tháng 4-2015), chúng tôi nhận được nhiều hơn hỗ trợ từ phía chính quyền, đồng thời kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm chè từ khâu chăm sóc, chế biến và đóng gói, từ đó xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Ở HTX Chè Thanh Lương có 8 xã viên, Hội đồng quản trị sẽ xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh từ nhu cầu thị trường, HTX đứng ra chịu trách nhiệm một phần về phân bón, các dịch vụ nông nghiệp và lo đầu ra cho sản phẩm, xã viên là nông dân tiếp tục canh tác trên diện tích của mình nhưng có sự gắn kết nhiều hơn với tập thể. Chị Ngô Thị Từ, thành viên HTX chè Thanh Lương cho biết: Từ khi vào HTX tôi không còn phải lo về việc tiêu thụ, sản phẩm chè bán cũng được giá và ổn định hơn so với trước kia.

 

Tìm hiểu thực tế tại một số mô hình HTX trên địa bàn huyện Đại Từ chúng tôi nhận thấy, một HTX mạnh không nhất thiết phải đông mà quan trọng là sự đồng lòng, gắn kết giữa các thành viên. Cùng với đó là bộ máy quản lý có chiến lược sản xuất kinh doanh và tư duy linh hoạt, phù hợp với thực tế. Thành lập và hoạt động theo luật mới, các HTX sẽ có điều kiện hướng tới mục tiêu này bởi luôn có sự hỗ trợ, đồng hành từ các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước…