Vì sao nhiều nông dân vùng chè có nguyện vọng tham gia HTX

16:07, 20/02/2016

Theo số liệu tổng hợp của Hội Chè Thái Nguyên: Hiện toàn tỉnh có 35 hợp tác xã (HTX\) sản xuất, chế biến chè an toàn, với hơn 700 hộ xã viên, trên 1.000 ha đất canh tác. Ngoài ra, trên địa bàn của tỉnh còn có 111 làng nghề chè được công nhận. Từ hiệu quả kinh tế do HTX và làng nghề chè mang lại cho hộ xã viên, đã trở thành sức hút để nhiều nông dân vùng chè của tỉnh có nguyện vọng tham gia HTX.

Sau 3 lần tỉnh tổ chức Festival Trà (2011, 2013, 2015), nông dân các vùng chè của tỉnh Thái Nguyên càng thấm thía hơn về bài học nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm để từng bước hội nhập sâu hơn vào thị trường trong nước và các nước trên thế giới. Để thực hiện thành công quyết tâm: “Nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa”, nhiều nông dân ở các vùng chè đã hăng hái tham gia vào HTX với ước mơ làm giàu từ cây chè. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên: Trước Festival Trà năm 2011, tỉnh Thái Nguyên chỉ có 8 HTX sản xuất, chế biến chè an toàn, đến nay trong tỉnh đã có 35 HTX. Hầu hết các HTX chè phát triển ổn định, đời sống xã viên luôn được nâng cao.

 

Theo xu hướng toàn cầu hoá, nhất là việc nước ta xúc tiến rất tốt công tác hội nhập: ASEAN năm 1995, AFTA năm 1996, APEC năm 1998; đặc biệt nước ta đã nối lại quan hệ với IMF, WB, ADB năm 1992 và gia nhập WTO năm 2006… tham gia vào thể chế kinh tế các nước trong khu vực và thế giới, đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm thương mại khác, trong đó có sản phẩm chè của nông dân Thái Nguyên phải bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn chung của khu vực và thế giới. Đây chính là một trong những nguyên nhân để nông dân vùng chè xích lại, cùng hợp tác làm ăn. Bà Hoàng Thị Hiền Thục, Chủ nhiệm HTX Chè Thiên Phú An, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) cho biết: Năm 2013, HTX được thành lập, 15 ha chè của 12 hộ xã viên tham gia được sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP. Tài sản của xã viên là đất đai đóng góp vào HTX, nhưng vẫn do xã viên quản lý, sử dụng. HTX chủ động cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến và tìm thị trường bao tiêu sản phẩm cho hộ xã viên. Tuy mới thành lập, song sản phẩm chè của HTX đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường trong nước và quốc tế.

 

Đến vùng chè Vô Tranh (Phú Lương), gặp ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm HTX Làng nghề chè của xã. Ông Đức cho biết: HTX gồm các hộ dân sinh sống ở 6 làng nghề: Tân Bình, Liên Hồng 8, Toàn Thắng, Bình Long, Thống Nhất 1, Trung Thành 2. Nông dân vào HTX để cùng nhau sản xuất chè an toàn, tạo dựng thương hiệu. Nhờ có thương hiệu, sản phẩm chè của Vô Tranh có giá bán cao hơn khoảng 30% so với trước đây.

 

Vào HTX để cùng làm giàu. Đây là một thay đổi lớn trong nhận thức của người dân các vùng chè ở Thái Nguyên. Bởi trước đây, tại các vùng chè từng có sự hoạt động của HTX, nhưng cách làm không hiệu quả, xã viên không mặn mà gắn bó. Bà Uông Thị Lan, Chủ nhiệm HTX Chè an toàn Nguyên Việt, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) cho bết: Mất nhiều năm nông dân đứng ra làm ăn đơn lẻ, thiếu định hướng, sản phẩm trôi nổi, bị tư thương ép giá. Nhưng từ sau thành lập HTX (2011), 10 ha chè của 11 hộ xã viên tham gia được Ban Chủ nhiệm hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn vietGAP, mỗi năm HTX có 25 tấn sản phẩm chè đặc sản an toàn cung cấp cho người tiêu dùng trong, ngoài nước. Sau hơn 5 năm hoạt động, HTX khẳng định được vị thế, vai trò trước hộ xã viên, như việc điều tiết sản xuất, cung ứng phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn sản xuất cho hộ xã viên, khằng định được thương hiệu và tìm được chỗ đứng chắc chắn cho sản phẩm chè của HTX trên thị trường.

 

Người nông dân vùng chè không ngại khó, ngại khổ nhưng mang nặng nỗi lo trong nghĩ suy là sản phẩm làm ra bán ở đâu? Bà Nguyễn Thị Dung, xã viên HTX  Chè Tân Thành, xã Hoà Bình (Đồng Hỷ) cho biết: Năm 2009, gia đình tôi cùng 20 hộ trong xóm góp đất xây dựng HTX. Góp đất vào HTX, nhưng đất vẫn do gia đình quản lý sử dụng. Hằng năm, HTX phối hợp với cán bộ cơ quan chức năng về tập huấn, hướng dẫn cho xã viên kỹ thuật sản xuất, chế biến; hằng ngày xã viên được gặp gỡ, giúp nhau làm đổi công, sản phẩm làm ra bán lại cho HTX theo giá thoả thuận. Nhờ HTX làm ăn có hiệu quả, mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 200 triệu đồng từ 5 sào chè. Trước đây, do chưa có HTX, gia đình tôi phải tự lo bươn trải từ việc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tìm người mua chè. Năm tiết trời thuận lợi, chè được mùa thì mất giá; năm được giá lại mất mùa. 5 sào chè cành của gia đình chỉ thu được từ 130 triệu đến 150 triệu đồng/năm.

 

Qua thực tế tại các HTX sản xuất, chế biến chè an toàn ở tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều nông dân có nguyện vọng tham gia HTX. Vì HTX chè kiểu mới mang lại cho hộ xã viên nhiều lợi ích hơn, trong đó có 3 khâu quan trọng: Vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật và giá trị sản phẩm đầu ra cao hơn. HTX Chè Tân Hương, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) là một minh chứng. Được biết năm 2001, ông Đỗ Xuân Ngũ và các bà Nguyễn Thị Nhài, Đỗ Thị Hiệp đứng ra thành lập nhóm sở thích những người làm chè chất lượng cao. Ngay sau thành lập, chè của 3 gia đình trong nhóm bán được với gia cao hơn, nên đã thu hút được sư quan tâm chú ý của nông dân trồng chè trong vùng. Sau hơn 2 tháng, nhóm sở thích phát triển thành HTX sản xuất, chế biến chè an toàn với 36 hộ xã viên, với số vốn đóng góp 150.000 đồng/người. Sau 15 năm hoạt động (2001-2016), HTX phải nếm trải nhiều thăng trầm, nhưng luôn giữ đúng mục tiêu, định hướng đề ra là coi trọng chất lượng sản phẩm, tôn trọng thương hiệu sản phẩm và lấy lợi ích của hộ xã viên làm mục tiêu phấn đấu. Chính vì vậy mà HTX luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hộ xã viên.

 

Đến nay, HTX đã có một khu nhà xưởng, nhà kho bảo đảm cho việc sản xuất, chế biến chè an toàn cho người lao động, với 45 hộ xã viên. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: Để hoạt động có hiệu quả, HTX đứng ra cung ứng phân bón cho hộ xã viên; tổ chức cho hộ xã viên tham gia các lớp tập huấn về trồng chè, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap. Đặc biệt từ năm 2011, HTX vận động hộ xã viên sản xuất theo quy trình UZT (Nông nghiệp tốt). Hiện đã có12 ha chè của 22 hộ xã viên được cơ quan chức năng Nhà nước công nhận đạt quy trình sản xuất UZT. Mỗi năm, HTX có gần 30 tấn chè an toàn cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.

 

Bên nương chè của gia đình mình, ông Đỗ Xuân Ngũ cho biết thêm: Nhờ được HTX ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hộ xã viên không còn lo đói vốn đầu tư. Hằng ngày, các hộ xã viên tự sản xuất, nhưng bắt buộc tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của HTX; vào các ngày thứ Hai và Chủ nhật hằng tuần, hộ xã viên mang sản phẩm bán lại cho HTX theo giá thoả thuận. Toàn bộ sản phẩm trước khi nhập kho đều được qua kiểm nghiệm tại bộ phận KCS. Còn bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX cho biết thêm: Tham gia HTX, hộ xã viên được rất nhiều, như: Được nâng cao nhận thức về sản xuất, chế biến chè an toàn; tự nâng cao chất lượng sản phẩm; làm tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình, đặc biệt thông qua hợp tác làm ăn, sản phẩm chè từng bước được chính người nông dân tạo dựng thương hiệu, gìn giữ thương hiệu và nâng cao chất lượng thương hiệu. HTX tồn tại, phát triển nhờ sản phẩm có thương hiệu. Hộ xã viên gắn bó với HTX cũng nhờ vào thương hiệu. Mỗi năm, HTX có doanh thu đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng. HTX không có hộ xã viên nghèo. Hiện nhiều nông dân trong vùng có nguyện vọng tham gia HTX, đây là một trăn trở lớn đối với Ban Chủ nhiệm, vì “chiếc áo” HTX Chè Tân Hương chúng tôi “đang khoác” ngày càng trở lên chật hẹp, mà nông dân trong vùng đều là người thân thiện.

 

Trong kinh tế thị trường, HTX kiểu mới ở các vùng chè đã tạo cho hộ xã viên có sức cạnh tranh tốt hơn, thu nhập cao hơn. Trên thực tế, hoạt động của HTX sản xuất, chế biến chè ở Thái Nguyên không làm thay người nông dân, nhưng giúp người nông dân những việc bản thân người nông dân không làm được, như hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo dựng thị trường. Đặc biệt, ngoài mang lại lợi ích cho hộ xã viên, các HTX chè kiểu mới ở Thái Nguyên còn góp phần an sinh xã hội, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động sinh sống ở vùng chè, góp phần xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh trật tự xã hội. Nhưng để các mô hình HTX chè kiểu mới tồn tại, phát triển sâu, rộng, thu hút được nhiều hơn nông dân cùng tham gia, sẽ rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng Nhà nước về công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý HTX kiểu mới cho các thành viên ban chủ nhiệm HTX; đồng thời tăng cường hỗ trợ vốn cho các HTX mở rộng sản xuất và thị trường; tạo thuận lợi cho các HTX, các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học trong tỉnh có sự liên kết chặt chẽ, chắc chắn “chiếc áo” HTX chè kiểu mới sẽ luôn đổi mới, phù hợp với kinh tế thị trường trong từng giai đoạn cụ thể của tỉnh và đất nước. Những chủ nhiệm HTX làm ăn có hiệu quả như bà Hiệp, sẽ không còn băn khoăn khi nông dân vùng chè có nguyện vọng được tham gia HTX.