Chú trọng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng hoạt động

10:16, 31/03/2016

Ngày 1-4-1990, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã chính thức đi vào hoạt động trên phạm vi cả nước. Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, KBNN ra đời là một dấu ấn quan trọng trong tiến trình đổi mới cơ chế quản lý tài chính nói riêng, quản lý kinh tế nói chung. Đồng thời cũng là bước đột phá trong công cuộc cải cách, đổi mới của Đảng, Chính phủ trong lĩnh vực tài chính tiền tệ.

Năm 1990, KBNN tỉnh Thái Nguyên được thành lập và đi vào hoạt động. Trải qua 26 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính, KBNN Việt Nam; sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối kết hợp của các cấp, ngành trên địa bàn, các thế hệ lãnh đạo, công chức KBNN tỉnh đã nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, đưa đơn vị có bước phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. KBNN ngày càng khẳng định được vai trò là một công cụ quan trọng không thể thiếu trong bộ máy hành chính Nhà nước, với ba chức năng chủ yếu là: Quản lý quỹ ngân sách Nhà nước (NSNN) và các quỹ tài chính của Nhà nước; quản lý ngân quỹ, huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển; kế toán Nhà nước.

 

Những năm qua, KBNN tỉnh đã tiếp thu, tổ chức thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ KBNN theo hướng cải cách hành chính, bảo đảm tập trung nhanh, kịp thời các khoản thu vào NSNN; thực hiện kiểm soát chi NSNN đúng mục đích, định mức theo quy định; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình thu, chi, tồn quỹ NSNN phục vụ cho công tác quản lý, điều hành NSNN các cấp, góp phần cùng ngành Tài chính thực hiện các chính sách tài khóa hiệu quả, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

 

Trong công tác quản lý quỹ NSNN, các đơn vị KBNN trong tỉnh đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác thu NSNN, tạo thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế, hạch toán, thông tin kịp thời, phân chia chính xác số thu cho các cấp ngân sách, tổ chức phối hợp thu thuế qua ngân hàng đồng bộ, kịp thời, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn. Năm 2015, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 7.458 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2010 và gấp trên 200 lần so với năm 1990; tổng chi NSNN đạt 16.366 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm 2010, gấp 200 lần so với năm 1990. Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị KBNN đã từ chối nhiều khoản chi không đủ điều kiện, qua đó góp phần cùng các cấp, ngành thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong quản lý tài chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 

Với số lượng đơn vị giao dịch ngày càng tăng cao, để bảo đảm cho mọi hoạt động diễn ra thông suốt, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, KBNN Thái Nguyên luôn chú trọng ứng dụng công nghệ tin học và triển khai các chương trình ứng dụng trong hoạt động nghiệp vụ để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hiện, KBNN Thái Nguyên đang tổ chức phục vụ 2.127 đơn vị giao dịch, với tổng số 12.751 tài khoản trên Tabmis, doanh số hoạt động hàng năm bình quân đạt trên 70.000 tỷ đồng, chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2016 đã đạt hơn 13.000 tỷ đồng.

 

Đối với việc bảo đảm an ninh, an toàn tiền, tài sản Nhà nước giao cho KBNN quản lý, KBNN tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cảnh giác và kinh nghiệm nghề nghiệp nên trong suốt 26 năm qua luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để tiền giả lọt vào kho quỹ. Trong quá trình thu chi tiền mặt, các công chức KBNN Thái Nguyên luôn phát huy phẩm chất liêm khiết, thật thà, trung thực, đã trả lại khách hàng tiền nộp thừa trên 14 nghìn lần, với trị giá hơn 2,4 tỷ đồng. Cùng với đó, KBNN Thái Nguyên cũng thường xuyên quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo đúng chỉ đạo; sớm xây dựng, áp dụng và cải tiến thường xuyên hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, KBNN Thái Nguyên còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài, sáng kiến của công chức, lãnh đạo được đưa vào áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc.

 

Từ năm 2015, Chính phủ và Bộ Tài chính giao cho KBNN nhiệm vụ thực hiện thanh tra chuyên ngành KBNN và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN. KBNN Thái Nguyên đã thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng NSNN có nghĩa vụ chấp hành quy định pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của KBNN. Hiện nay, KBNN Thái Nguyên đang đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 theo lộ trình, trước mắt là phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan vận hành ổn định, có hiệu quả hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), chương trình trao đổi thông tin thu, nộp ngân sách Nhà nước (TCS) và thanh toán song phương điện tử trên địa bàn. Chuẩn bị điều kiện tiếp thu, triển khai Đề án “Xây dựng quy trình kiểm soát chi điện tử”, Đề án cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến từ mức 3 đến mức 4, việc giao nhận hồ sơ kiểm soát chi NSNN và thanh toán điện tử qua mạng, gồm 3 dịch vụ công trực tuyến KBNN: Đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN; khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa thuộc lĩnh vực Kho bạc; giao diện thông tin yêu cầu thanh toán qua mạng và chương trình kê khai yêu cầu thanh toán.

 

Phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, tập thể lãnh đạo, công chức KBNN Thái Nguyên tiếp tục duy trì đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, cố gắng phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, chỉ tiêu thi đua được Bộ Tài chính, KBNN và địa phương giao, chắc chắn công cuộc hiện đại hóa sẽ đạt được nhiều thành quả hơn nữa, góp phần tạo nên bước chuyển mình trên mảnh đất quê hương cách mạng.

 

Với những nỗ lực không ngừng, 26 năm qua, KBNN tỉnh và nhiều cá nhân trong đơn vị đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có 2 Huân chương Lao động hạng Nhì, 12 Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính, KBNN Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh.