Sau 40 năm thành lập (1976-2016), Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Liên Sơn (HTX), xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương đã qua nhiều lần thực hiện chuyển đổi, đổi mới hoạt động HTX theo quy định của Nhà nước. Trải qua nhiều thăng trầm, nhất là trong cơ chế thị trường, nhưng xuyên suốt chặng đường 40 năm đã qua, HTX luôn là điểm tựa chắc chắn của xã viên.
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: Qua 2 lần chuyển đổi, lần thứ nhất năm 1999, lần thứ 2 vào tháng 5-2015, sau mỗi lần chuyển đổi, HTX như càng mạnh hơn, số người tham gia HTX cũng nhiều hơn. Đến nay, HTX có tổng số 1.220 xã viên đang sinh sống ở 7 xóm: Thanh Trà 1, Thanh Trà 2, Táo 1, Táo 2, Quang Trung 1, Quang Trung 2 và xóm Hiệp Lực. Hơn 80% số hộ tại các xóm này tham gia HTX.
Đã nhiều năm tham gia làm công tác quản lý HTX, ông Sinh là người có kiến thức, kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương. Nhất là trong cơ chế thị trường, ông và các cộng sự có cơ hội trổ tài chèo chống, níu giữ và phát huy được vai trò của HTX đối với xã viên… Theo ông Nguyễn Sĩ Toản, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX: Mấy mươi năm đã qua rồi, đời người chúng tôi được chứng kiến nhiều khó, khổ mà xã viên từng chịu. Cái thuở “dong công phóng điểm”, công lao động có năm đạt 2 lạng thóc, đói nghèo phổ biến trong khắp HTX. Năm 1980, thực hiện Chỉ thị 100 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong HTX nông nghiệp. Năm 1988, HTX tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về đổi mới quản lý nông nghiệp của Bộ Chính trị. Đến những năm đầu của thập niên chín mươi của thế kỷ trước, nhiều HTX trong vùng giải thể vì cách quản lý kém hiệu quả, song HTX Dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp Liên Sơn vẫn tồn tại như nguyện vọng của đông đảo xã viên.
Trước đây, đất đai, tài sản do HTX quản lý. Sau khoán 10, nhất là từ năm 1994, nông dân được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mỗi người được tự quyền quyết định việc sản xuất của mình. Những tưởng từ đây, HTX không còn vai trò gì đối với xã viên. Vậy nhưng HTX vẫn đứng vững nhờ biết đổi mới, đó là cách thực hiện vai trò cung cấp các dịch vụ cần thiết cho xã viên như: HTX phối hợp với Công ty Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân;m phối hợp với cán bộ khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách phòng bệnh, chữa bệnh cho con vật nuôi; tổ chức dịch vụ tín dụng tại chỗ, huy động tiền nhàn rồi trong nhân dân cho hộ thiếu vốn vay phát triển sản xuất; tổ chức cung cấp dịch vụ thuỷ lợi phục vụ hộ xã viên sản xuất kịp thời vụ…
Ông Ôn Văn Sinh, Trưởng Ban Kiểm soát HTX cho biết: Nhờ biết tự đổi mới mình mà từ nhiều năm gần đây, HTX thực sự hoạt động có hiệu quả, mang lại cho nông dân nhiều lợi ích kinh tế hơn. Gần đây nhất, năm 2015, HTX thực hiện cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi cho xã viên qua 2 hình thức, bán hàng bằng tiền mặt và cho vay trong thời hạn 4 tháng, trong đó cung ứng cho xã viên được 312.568 tấn phân bón; 56.600 tấn thức ăn chăn nuôi. Về dịch vụ vốn tín dụng nội bộ, Ban quản lý đã huy động nguồn vốn trong dân được hơn 5,5 tỷ đồng, thực hiện cho hàng nghìn lượt xã viên vay đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt trong khâu dịch vụ thuỷ lợi, năm 2015, HTX trích 30 triệu đồng từ nguồn quỹ của xã để hỗ trợ tiền điện bơm nước phục vụ sản xuất cho xã viên.
Gặp ở trụ sở làm việc của HTX, bà Dương Thị Tư, xóm Quang Trung 2 cho biết: Thông qua hoạt động của Quỹ tín dụng nội bộ HTX, xã viên chúng tôi có điều kiện thuận lợi trong vay vốn đầu tư cho phát triển kinh tế. Như gia đình tôi năm nay cũng vay 30 triệu đồng của Quỹ để đầu tư mua máy móc để sản xuất vật liệu xây dựng. Cùng ở xóm Quang Trung 2, năm 2015, ông Nguyễn Huy Bình cũng vay 60 triệu đồng để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn. Hiện ông Bình đã trả xong nợ vay và làm ăn có hiệu quả. Có mặt ở đó, ông Đào Sĩ Hào, xóm Hiệp Lực góp vui: Người dân chúng tôi vào HTX nhưng không phải góp đất, góp tài sản, làm ăn tự nguyện mà xã viên chúng tôi được hưởng lợi nhiều từ các dịch vụ do HTX mang lại. Riêng cá nhân tôi năm nào cũng được ứng trước phân bón của HTX để phục vụ sản xuất.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm: Đây là một trong HTX liên thôn làm ăn có hiệu quả ở tỉnh Thái Nguyên. Từ tháng 3-1999, HTX trở thành thành viên Liên minh HTX tỉnh. Nhờ năng động, dám đổi mới, nên HTX hoạt động mang lại cho xã viên nhiều lợi ích thiết thực từ các khâu cung cấp dịch vụ phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuỷ lợi, tín dụng và tiếp nhận dự án hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho xã viên. Hiện HTX có tổng vốn 7,26 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh, trong đó gần 1,59 tỷ đồng tiền vốn của chủ sở hữu và các nguồn vốn khác gồm 4,3 tỷ đồng tiền gửi xã viên, 500 triệu đồng vay quỹ tín dụng, còn lại là tiền hàng. Vốn điều lệ của HTX, bình quân 1,5 triệu đồng/xã viên, so với năm 1999, vốn điều lệ bình quân xã viên tăng 885.000 đồng. Nhờ làm ăn có hiệu quả, nên HTX đã nhiều lần được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Cùng với các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất, tổ chức công đoàn của HTX được duy trì hoạt động có hiệu qủa. Đại diện tổ chức công đoàn HTX luôn gần gũi, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần xã viên. Những hộ xã viên gặp hoàn cảnh khó khăn đều được tổ chức công đoàn hỗ trợ, giúp đỡ. Bà Nguyễn Thị Nga, xã viên ở xóm Hiệp Lực cho biết: HTX không chỉ hoạt động có hiệu quả, mà luôn mang lại cho xã viên nhiều lợi ích nhất. Đây chính là lý do để nông dân chúng tôi gắn bó, cùng nhau xây dựng HTX phát triển ngày càng bền chặt hơn.