Doanh nghiệp nữ vẫn khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

10:53, 07/03/2016

Tại Việt Nam, hiện phụ nữ đang chiếm 52% lực lượng lao động, sở hữu khoảng một phần năm số doanh nghiệp (DN) trên cả nước đang hoạt động và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đội ngũ này hiện vẫn còn một số hạn chế do chưa đủ kỹ năng cơ bản về quản lý kinh doanh, vốn, kinh nghiệm và đặc biệt thiếu kiến thức về quản lý tài chính, phương thức tiếp cận thị trường quốc tế.

Hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhất là về thị trường, khả năng giao lưu hợp tác với các đối tác nước ngoài, du nhập và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh,… Nhưng hội nhập cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn, trong đó sự cạnh tranh sẽ gia tăng nhanh chóng, xuất hiện thêm nhiều hàng rào kỹ thuật từ các nước phát triển hơn, trong khi DN nội, nhất là các DN do phụ nữ làm chủ vẫn còn hạn chế về năng lực…

 

Với mong muốn tạo điều kiện để phụ nữ vận dụng, phát huy hết tài năng, tâm huyết cũng như sự nhanh nhạy trong quá trình khởi nghiệp, kinh doanh, từ đó đóng góp xứng đáng cho xã hội và làm giàu cho bản thân…, đã có những chính sách hỗ trợ phát triển DN vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, hướng tới các mục tiêu bình đẳng giới, thể hiện sự ưu việt của nước ta, phù hợp kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, từ các quy định pháp luật và chính sách đến việc thực thi trên thực tế vẫn còn một khoảng cách nhất định. Các DN do phụ nữ làm chủ vẫn còn gặp phải nhiều rào cản hơn so với nam giới, cho nên những chính sách liên quan việc trợ giúp DN nữ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

 

Hiện nay mới chỉ có Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 của Chính phủ về hỗ trợ DN nhỏ và vừa là đề cập việc trợ giúp DN do phụ nữ làm chủ, nhưng mới chỉ dừng lại ở những quy định chung chung. Mặt khác, phần lớn các DN nữ không biết có quy định về hỗ trợ này và nếu có thì cũng không biết được hỗ trợ như thế nào và làm thế nào để được hưởng hỗ trợ. Cho nên, các DN thường ngại hoặc không muốn tiếp cận các chính sách ưu đãi trên.

 

Chính vì vậy, thời gian tới, cần quy định rõ hơn việc DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ là đối tượng được hưởng hỗ trợ của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (dự thảo luật này sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, tháng 10-2016), trong đó cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể hơn về việc cung cấp thông tin chính sách, thị trường, nguồn lực, bồi dưỡng doanh nhân nữ,... Chưa kể trình độ của các nữ doanh nhân còn kém so với nam giới, vì vậy, cần thiết phải có thêm nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho nữ doanh nhân có cơ hội được đào tạo bài bản, mà đặc biệt là các nữ doanh nhân khu vực miền núi và nông thôn.

 

Bên cạnh đó, cũng cần thành lập một bộ phận có trình độ tiếp nhận các thông tin, mong muốn, thắc mắc của các DN và hỗ trợ giải đáp, tư vấn cho DN về chính sách, tín dụng, ngành nghề kinh doanh, sản xuất. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm đúng mức hơn nữa đến sự phát triển của DN do phụ nữ làm chủ, từ đó hỗ trợ tạo điều kiện cho các nữ doanh nhân vượt qua những khó khăn trên con đường kinh doanh.