Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, năm 2014, anh Đinh Quốc Văn, xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh (Phú Lương) đã triển khai mô hình sản xuất chè trong nhà kính. Đây là phương pháp làm chè mới trên địa bàn huyện Phú Lương và bước đầu đã đem lại hiệu quả.
Tốt nghiệp THPT (năm 1995), anh Đinh Quốc Văn (sinh năm 1976) nghỉ ở nhà làm kinh tế cùng gia đình. Lăn lộn với cây chè trong nhiều năm, anh Văn đã trang bị cho bản thân khá nhiều kiến thức về trồng, chăm sóc và chế biến chè. Tuy nhiên, điều anh băn khoăn là giá trị sản phẩm chè làm ra chưa tương xứng với công sức người dân bỏ ra. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến anh Văn bắt đầu tìm tòi qua các loại sách vở, tài liệu tham khảo nhằm tìm hướng đi mới trong đầu tư phát triển cây chè. Đầu tiên là anh chuyển đổi diện tích chè trung du sang trồng chè giâm cành. Đến nay, gần 5.000m2 chè của gia đình anh đều là chè giâm cành với các giống: Phúc Vân Tiên, Bát Tiên và Kim Tuyên. Tất cả diện tích này đều được gia đình anh thực hiện sản xuất theo quy trình VietGap. Đặc biệt để nâng cao năng suất, chất lượng cho cây chè, năm 2014, anh đã tự mày mò và bắt đầu thực hiện sản xuất chè theo mô hình nhà kính.
Anh cho biết: Thông thường, mỗi năm chè cho thu hoạch từ 6-7 lứa, chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 10 dương lịch (chè chính vụ), còn lại từ tháng 10 đến tháng 2 hằng năm, do thời tiết lạnh nên chè thường chậm phát triển, vì vậy đa số các hộ dân đều cúp để đến vụ xuân thu hoạch (trừ những hộ có điều kiện về nước tưới sẽ làm chè vụ đông). Xuất phát từ đó, để cây chè phát triển không phụ thuộc vào thời tiết tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu cách làm chè trong nhà kính khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp dưới 15 độ C. Vụ đông năm 2014, tôi đã đầu tư 2 triệu đồng để mua tre, nứa và túi nilon làm giàn che cho chè với diện tích 700m2. Lứa chè vụ đông đầu tiên năm ấy gia đình vẫn thu được trên 30kg chè búp khô mỗi lứa (tương đương với năng suất của chè chính vụ). Đặc biệt, giá bán lại tăng lên 400 nghìn đồng/kg (tăng gấp đôi so với làm chè chính vụ). Trong 4 tháng vụ đông, diện tích chè được chăm sóc trong nhà kính đã cho gia đình anh thu được 3 lứa (tương đương với gần 1 tạ chè búp khô), thu gần 40 triệu đồng. Với những lợi ích đó, năm 2015 anh Văn đã đầu tư 30 triệu đồng làm giàn che bằng kim loại che phủ cho chè.
Chia sẻ thêm về những lợi ích khi sản xuất chè trong nhà kính, anh Văn cho biết: làm giàn che cho chè không chỉ tránh được thời tiết lạnh, giúp cây chè phát triển bình thường mà còn giảm được công chăm sóc như: tưới ít hơn chỉ 2-3 lần/lứa (so với chăm sóc chè thông thường phải tưới 3-4 lần/lứa) do trồng trong nhà kính giữ được độ ẩm cho đất, tránh thất thoát hơi nước bốc ra ngoài. Ngoài ra, khi được che phủ sẽ hạn chế được sự phát triển của một số sâu bệnh trên cây chè như rầy xanh, bọ trĩ, bọ xít muỗi…; tránh được sương muối làm búp chè mềm hơn, đặc biệt chè không bị bụi bẩn bám vào, giúp búp chè sạch sẽ, khi sao sấy sẽ ngon hơn nhiều.
Anh Ma Tiến Cốp, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương cho biết: sản xuất chè trong nhà kính là mô hình khá mới do cá nhân anh Văn tự tìm tòi phương pháp và đưa vào làm thí điểm, bước đầu đã đem lại hiệu quả. Qua theo dõi, sản xuất chè trong nhà kính có nhiều lợi ích, cơ bản nhất là trong vụ đông người dân vẫn có thể thu hoạch chè như trong vụ chính, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè, anh Văn còn là người có cách bảo quản chè khá mới đó là bảo quản chè trong tủ lạnh. Đây là phương pháp có thể giữ được hương vị và màu sắc của chè như vừa thu hái với thời gian dài, trên 1 năm. Được biết, năm qua, anh Văn đã đầu tư 150 triệu đồng mua 4 tủ bảo ôn để bảo quản chè với trên 1 tấn chè búp khô (chè của gia đình và thu mua của người dân về bảo quản), với giá bán trung bình 350 nghìn đồng/kg (cao hơn 150 nghìn đồng/kg so với bán tại thời điểm thu hái), anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Với hiệu quả như vậy, thời gian tới chúng tôi cũng sẽ tham mưu với lãnh đạo cấp trên tạo điều kiện để nhân rộng mô hình này, góp phần nâng cao hiệu quả từ trồng chè cho người dân