Kinh tế tập thể giúp nâng cao giá trị cây chè

11:15, 22/03/2016

Với hơn 6.300ha, Đại Từ là huyện có diện tích chè lớn nhất của tỉnh và lớn thứ 2 trong số các huyện của cả nước (chỉ sau huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Những năm qua, các cơ quan chuyên môn của huyện và người dân đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị cây chè. Trong đó, quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu gắn với các mô hình kinh tế tập thể là một trong những hướng đi hiệu quả.

Xóm Vũng, xã Phú Lạc là một trong những địa phương trồng chè có tiếng của huyện Đại Từ. Nằm ngay sát chân núi Chúa, nơi có khí hậu mát mẻ, chất đất tốt và nguồn nước tưới thuận lợi nên chất lượng chè nơi đây luôn được đánh giá cao. Tuy nhiên, giá bán chè của bà con lại chỉ tương đương hoặc cao hơn chút ít so với các vùng chè khác của xã. Nguyên nhân là do sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu và đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn. Mô hình hợp tác xã (HTX) chè Sơn Thành ra đời (tháng 9-2011) với mục tiêu từng bước khắc phục những hạn chế đó.

 

Ông Đỗ Văn Hợp, Giám đốc HTX chè Sơn Thành cho biết: Đến nay, HTX vẫn chỉ duy trì số thành viên là 7 như khi thành lập, không kết nạp thêm mà tập trung vào quản lý chất lượng và phát triển thị trường. Chúng tôi đã xây dựng nguyên tắc nhất quán về quy trình chăm sóc, chế biến và bảo quản sản phẩm. Các gia đình thành viên chịu trách nhiệm chất lượng và mức độ an toàn của sản phẩm, HTX lo khâu tiêu thụ với giá thu mua luôn cao hơn thị trường. Tuy nhiên, nếu kiểm định sản phẩm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh không đạt tiêu chuẩn, thành viên sẽ phải tự chịu phí kiểm định và không được thu mua. Nhờ sự năng động của Hội đồng quản trị HTX, thương hiệu chè Sơn Thành đã có mặt tại hầu khắp các liên hoan trà, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Hiện, HTX đã xây dựng được đại lý ở nhiều tỉnh, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường.

 

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc HTX thông tin thêm: Chúng tôi hiện có tổng cộng 12ha chè, chủ yếu là các giống mới. Ngoài các sản phẩm thông thường, HTX còn sản xuất được một số loại cao cấp như chè đinh từ giống chè Vân Long có giá bán 3 triệu đồng/kg, chè búp nõn giá 2,5 triệu đồng/kg. Sau khi làm tốt khâu quản lý chất lượng và bước đầu xây dựng được thương hiệu, thời gian tới chúng tôi sẽ kết nạp thêm thành viên để mở rộng quy mô sản xuất, giúp nhiều gia đình nâng cao đời sống từ cây chè.

 

Ở tổ hợp tác sản xuất chè xóm Tiên Trường 2, xã Tiên Hội, tuy mới thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được hơn 1 năm nhưng các thành viên đã hình thành thói quen làm việc tập thể. Ông Hứa Viết Đăng, Tổ trưởng tổ sản xuất thông tin: Khi vào tổ hợp tác, thành viên được quán triệt thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hái và bảo quản sản phẩm. Nhờ đó mà tiết kiệm chi phí từ 20-30% so với trước. Ý thức của người dân trong việc ghi nhật ký, thực hiện quy trình sản xuất an toàn và hỗ trợ lẫn nhau khi tiêu thụ sản phẩm cũng được nâng lên rõ rệt. Bà Nguyễn Thị Toàn, thành viên tổ hợp tác cho biết: Gia đình tôi có tổng cộng 4.500m2 chè, trong đó 3.500m2 chè VietGAP. So sánh hai thửa sản xuất theo quy trình khác nhau sẽ thấy ngay hiệu quả. Làm chè VietGAP giúp giảm được chi phí, chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất cao hơn, giá bán hiện tại là 170 nghìn đồng/kg, cao hơn so với chè thường khoảng 20 nghìn đồng/kg. Theo bà Toàn, khác biệt lớn nhất khi tham gia tổ hợp tác là các thành viên nâng cao ý thức để sản xuất chè sạch, cùng xây dựng và phát triển một thương hiệu của tập thể, hướng tới mục tiêu cuối cùng nâng cao giá trị của cây chè.

 

Bà Lang Thị Ngọc Bích, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Đại Từ hiện có gần 200ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều nhất tỉnh. Theo quy định, quy trình sản xuất này chỉ cấp chứng nhận cho các mô hình tổ kinh tế tập thể như tổ hợp tác hoặc HTX, không cấp cho cá nhân riêng lẻ. Ngoài ra, trên địa bàn còn nhiều HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè khá hiệu quả. Ưu điểm dễ nhận thấy của các mô hình kinh tế tập thể trong sản xuất chè là giúp người dân nâng cao ý thức để tạo ra sản phẩm an toàn và xây dựng thương hiệu. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật cũng giúp giảm chi phí, tạo ra vùng chè nguyên liệu có chất lượng. Đây có thể coi là những hạt nhân ở các địa phương rồi từ đó từng bước mở rộng, giúp người dân dần thay đổi phương thức sản xuất chè riêng lẻ, truyền thống. Trong năm 2016, Đại Từ đăng ký sẽ có 150ha chè được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với các tổ hợp tác hoặc HTX. Đến năm 2020, huyện phấn đấu có khoảng 1.300ha chè VietGAP, chiếm khoảng 20% tổng diện tích chè.