Nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò

16:03, 01/03/2016

Với khoảng 2.500 con bò, xã Thượng Đình (Phú Bình) là một trong những xã có tổng đàn bò lớn nhất huyện. Trong những năm gần đây, người dân trong xã đã tích cực cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) nhằm nâng cao giá trị trong chăn nuôi.

Hiện nay, toàn xã có trên 2.000 hộ dân thì 100% các hộ đều chăn nuôi bò (chủ yếu là bò sinh sản) tập trung ở các xóm: Đồng Nưa, Đông Hồ,... với diện tích trồng cỏ trên 30ha. Trước đây, đa phần các hộ thường nuôi bò theo hình thức chăn thả tự nhiên và cho phối giống theo kinh nghiệm truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2014, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh triển khai Dự án cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp TTNT trên địa bàn xã, bà con đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Từ đây, tập quán chăn nuôi của người dân đã có những chuyển biến rõ rệt. Bà con đã chú trọng hơn trong công tác phối giống và chăm sóc bò nái khi mang thai cũng như bê con sau khi sinh.

 

Dự án đã lựa chọn được 127 con bò nái nền sinh sản Zebu có đủ điều kiện về sức khỏe, trọng lượng của 65 hộ dân thuộc 8 xóm để tiến hành lai tạo. Tham gia Dự án này, người dân được hỗ trợ tinh bò đực (thuộc nhóm Zebu, BBB và Droughtmaster), thức ăn và tập huấn khoa học kỹ thuật... Sau 1 năm triển khai, Dự án đã TTNT thành công với tỷ lệ bò phối chửa đạt trên 90%, sinh ra đàn bê lai khỏe mạnh, có tầm vóc lớn hơn giống bê địa phương. Cụ thể, bê lai khi sinh ra đã có trọng lượng trung bình đạt 25-30kg/con, trong khi giống bê địa phương chỉ đạt 15-20kg/con. Sau 7-8 tháng nuôi, bê lai được xuất bán với trọng lượng đạt trên 3 tạ/con, giá bán trung bình 17-20 triệu đồng/con (cao hơn giống bê địa phương khoảng 6 triệu đồng/con). Từ những hiệu quả mà phương pháp TTNT mang lại, đến nay, Dự án cải tạo đàn bò trên địa bàn xã đã kết thúc nhưng người dân vẫn tiếp tục duy trì, nâng tỷ lệ đàn bò được cải tạo lên 80%.

 

Là một trong những hộ tham gia Dự án cải tạo đàn bò, bà Nguyễn Thị Chuyển, xóm Đông Hồ chia sẻ: Từ những năm 2000, gia đình tôi đã duy trì trong chuồng từ 2-3 con bò vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa cho sinh sản. Trước đây, do chưa được tiếp cận với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi nên tôi thường cho bò nái phối giống trực tiếp với giống bò đực địa phương (bò Ri Cóc). Bởi vậy, bê con sinh ra thường bé, ngoại hình không đẹp, khi bán hay bị thương lái chê nên giá bán chỉ đạt khoảng 8-10 triệu đồng/con. Khi tham gia Dự án, những bò nái của gia đình được phối giống với tinh bò đực thuộc nhóm BBB. So với thụ tinh truyền thống thì bê con được sinh ra từ phương pháp này có sức đề kháng tốt, trọng lượng lớn hơn bê địa phương từ 5-7kg/con…

 

Cũng như nhà bà Chuyển, gia đình anh Lê Hoàng Khiêm ở xóm Đồng Nưa cũng nuôi 3 con bò nái và áp dụng phương pháp TTNT. Trong quá trình nuôi anh đã chăm sóc bò theo đúng quy trình mà cán bộ của Dự án hướng dẫn. Do vậy, bò nái sinh trưởng, phát triển tốt và cho ra đời những bê con có ngoại hình đẹp, to, khỏe. Theo anh Khiêm thì ưu điểm của phương pháp TTNT là sử dụng được rộng rãi những bò đực giống cho năng suất cao, tránh xảy ra tình trạng cận huyết, chi phí lại không quá cao (dao động từ 150-170 nghìn đồng/liều tinh). Trong khi đó, phương pháp thụ tinh truyền thống dễ lây lan dịch bệnh do nguồn giống không được kiểm soát chặt chẽ. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm gia đình anh Khiêm cho thu nhập khoảng 50 triệu từ việc bán bê con giống BBB và lai Sind.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Thượng Đình cho biết: So với các địa phương khác thì Thượng Đình có điều kiện tự nhiên: khí hậu, đất đai, thức ăn… phù hợp với việc chăn nuôi bò. Do vậy, khoảng 3 năm gần đây, cùng với việc mở rộng quy mô đàn, người dân trong xã đã tích cực cải tạo đàn bò thông qua phương pháp TTNT với những giống bò đực lai cho năng suất cao. Bên cạnh việc mang lại hiệu quả kinh tế, phương pháp này đã cơ bản làm thay đổi tập quán cũng như ý thức chăn nuôi của người dân.

 

Để nâng cao hiệu quả cải tạo đàn bò, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu được lợi ích của việc nuôi bò lai; khuyến khích người dân tận dụng diện tích đất bãi bỏ hoang, đất cấy lúa cho năng suất thấp sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; cử cán bộ khuyến nông trực tiếp xuống các xóm hướng dẫn nông dân chăm sóc nuôi dưỡng bò cái trong quá trình mang thai, sau khi sinh; kiểm tra tình hình dịch bệnh… nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế giúp người dân yên tâm chăn nuôi.