Nhiều bất cập cần được tháo gỡ

17:59, 09/03/2016

Mặc dù được thành lập cách đây 6 tháng và đã có hàng chục doanh nghiệp (DN) đến xin được bảo lãnh nhưng đến nay, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa (NVV) vẫn chưa bảo lãnh được cho DN nào. Theo nhiều lãnh đạo DN và các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nguyên nhân chính của thực trạng này là do có quá nhiều điều kiện đưa ra không hợp lý khiến DN khó có thể được bảo lãnh…

Điều 23 trong Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNN&V ban hành kèm theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về “Biện pháp đảm bảo cho hoạt động bảo lãnh vay vốn”: Bên được bảo lãnh phải sử dụng tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình mà pháp luật không cấm giao dịch để thực hiện các biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn tại bên bảo lãnh theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Còn nhớ, tại Hội nghị kết nối ngân hàng (NH) và DN do UBND tỉnh tổ chức hồi tháng 8-2014, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) đã kiến nghị với tỉnh cần sớm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNN&V. Tại Hội nghị đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết rất đồng tình với đề xuất này, vì thế đã yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu giúp tỉnh thực hiện các công việc vần thiết để thành lập Quỹ. Sau 1 năm, ngày 1-9-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Quỹ sau khi được HĐND tỉnh khóa XII thông qua tại kỳ họp lần thứ 14. Theo đó, Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, theo nguyên tắc tự bảo đảm chi phí, thực hiện bảo toàn vốn và tài sản; bù đắp chi phí và rủi ro trong hoạt động theo các quy định của pháp luật hiện hành. Quỹ có tài khoản riêng. Việc quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ của Quỹ được giao cho Quỹ Phát triển đất tỉnh. Vốn điều lệ của Quỹ là 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh cấp khi thành lập 30 tỷ đồng. Số còn lại hàng năm căn cứ vào khả năng ngân sách tỉnh, UBND tỉnh cân đối trong dự toán ngân sách trình HĐND tỉnh bổ sung theo quy định… Các quy định này đều được căn cứ theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tính dụng cho DNN&V.

 

Cũng theo quy định, mức bảo lãnh tín dụng tối đa cho một DNN&V không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ bảo lãnh tín dụng (không quá 4,5 tỷ đồng); tổng mức bảo lãnh tín dụng cho các bên được bảo lãnh tối đa không quá 5 lần so với vốn điều lệ thực có của Quỹ bảo lãnh (không quá 150 tỷ đồng). Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc Quỹ Phát triển đất Thái Nguyên: Sau khi Quỹ được thành lập, hàng chục DN đã đến tìm hiểu, xin được bảo lãnh. Tuy nhiên, sau khi nắm được các điều kiện để được bảo lãnh, thì chỉ có 2 DN nộp hồ sơ xin được bảo lãnh. Tuy nhiên, sau khi thẩm định hồ sơ thì cả 2 DN này đều không đáp ứng được các yêu cầu, mà lý do chính là không còn tài sản đảm bảo (vì đã thế chấp hết với ngân hàng). Có DN đáp ứng được các điều kiện nhưng vì thấy không được ưu đãi về lãi suất mà thậm chí còn phải chịu mức cao hơn so với vay NH thông thường nên họ không tham gia.

 

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, rất khó để DN tiếp cận được với Quỹ bởi các quy định quá chặt chẽ. Có thể, các quy định này là cần thiết để bảo toàn vốn của Quỹ nhưng lại gây khó cho DN. Trên thực tế, nếu đáp ứng được các yêu cầu này thì các ngân hàng đã có thể cho vay nên “chẳng tội gì” họ phải tìm đến Quỹ, bởi như vậy, họ sẽ vừa mất thêm thời gian, chi phí thẩm định (500 nghìn đồng/hồ sơ) và phí bảo lãnh tín dụng 0,8%/năm trên tổng số tiền được bảo lãnh, trong khi vẫn phải trả lãi ngân hàng như bình thường. Thực tế cho thấy, thời gian qua, rất nhiều DNN&V trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước, thời gian gần đây, tuy bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhưng không ít DN vẫn rất khó khăn. Chính bởi vậy, nhiều DN đã bị liệt vào danh sách nợ xấu tại NH hoặc nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ bảo hiểm xã hội; tài sản cơ bản cũng đã thế chấp hết với NH. Do đó, để đáp ứng được điều kiện để Quỹ có thể đứng ra bảo lãnh là rất khó khăn.

 

Trước thực trạng này, theo đại diện lãnh đạo nhiều NH trên địa bàn tỉnh thì cần thiết phải có sự nới lỏng về điều kiện đảm bảo tài sản cũng như một số quy định liên quan đến việc nộp ngân sách, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội. Điều mà Quỹ nên quan tâm nhất chính là phương án sản xuất kinh doanh đó có hiệu quả, đúng quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước cũng như địa phương đang khuyến khích đầu tư hay không? Khi xảy ra rủi ro đối với những DN làm ăn không hiệu quả mà nguyên nhân do khách quan mang lại thì Nhà nước nên đứng ra chịu, thay vì quy trách nhiệm cho Quỹ và DN. Ngoài ra, không nên thu phí thẩm định hồ sơ của DN vì họ đã rất khó khăn mới phải tìm đến Quỹ. Đối với các NH, do đã được Quỹ đứng ra bảo lãnh nên cơ bản không phải chịu rủi ro đối với khoản vay đó nên mức lãi suất chỉ nên tương đương với các khoản vay khác trừ đi phần phí bảo lãnh tín dụng mà DN đã phải trả cho Quỹ.

 

Được biết, những khó khăn trong hoạt động mà Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNN&V của tỉnh đang gặp phải cũng là thực trạng chung của các tỉnh trên cả nước. Do phải hoạt động theo các quy định của Chính phủ cũng như Bộ Tài chính nên các địa phương không thể tự ý nới lỏng các điều kiện. Bởi thế, để Quỹ hoạt động mang lại hiệu quả tích cực đối với DN như đúng mục đích, ý nghĩa ban đầu, cần thiết phải có ý kiến của các địa phương với Chính phủ để sửa đổi một số nội dung cho phù hợp.