Nhiều giải pháp phát huy hiệu quả nguồn vốn

10:30, 04/03/2016

Nhiều năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phú Lương luôn được đánh giá có chất lượng tín dụng tốt, với tỷ lệ nợ xấu thường xuyên ở mức thấp. Có được điều này là do việc sử dụng vốn của người dân luôn đảm bảo đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả. Điều này đã góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của huyện.

Được vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo năm 2014, gia đình chị Nguyễn Thị Hường, xóm Làng Lớn, xã Yên Lạc đã có điều kiện trả nợ khoản vay nặng lãi trước đó mà vợ chồng chị đầu tư vào nuôi dê. Chị Hường bảo: Nếu không được NHCSXH cho vay thì giờ có lẽ vợ chồng tôi đã thành “con nợ”, nếu không thì cũng chẳng thể có được đàn dê như hiện nay. Anh Nguyễn Văn Biên, chồng chị Hường tiếp lời: Vợ chồng tôi ra ở riêng năm 2007. Bố mẹ, anh em đều nghèo nên để có tiền chăn nuôi, chúng tôi phải đi vay ngoài gần 30 triệu đồng, trong đó có non nửa số tiền phải trả lãi suất 2 nghìn đồng/triệu đồng/ngày. Mặc dù nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng tính ra cũng không đủ để trả lãi. Được sự động viên của các thành viên trong tổ tiết kiệm - vay vốn (TK-VV) của xóm, vợ chồng tôi quyết định xin vay 40 triệu đồng của NHCSXH để trả hết nợ và củng cố lại chuồng trại. Nhờ số tiền này, vợ chồng tôi như trút được gánh nặng nghìn cân nên yên tâm tập trung vào làm ăn. Từ 9 con dê ban đầu, giờ đàn dê của gia đình tôi đã có 27 con, đó là chưa kể năm 2015 đã bán 6 con, thu về 16 triệu đồng. Anh Biên “khoe” thêm: Từ 1 con trâu nuôi năm 2012 bằng nguồn tích cóp và vay mượn của anh em, gia đình tôi đã có thêm 3 con trâu nữa. Mấy tháng trước, tôi bán 1 con với giá 17,5 triệu đồng. Với đàn vật nuôi này, cuối năm 2015, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Bí thư Chi bộ, kiêm tổ trưởng tổ TK-VV xóm Làng Lớn chia sẻ: Không riêng gì gia đình chị Hường, các thành viên trong tổ TK-VV của xóm được vay vốn của NHCSXH đều sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả rất tốt. Tổ hiện có 43 thành viên (trong tổng số 59 hộ của cả xóm) thì có tới 37 hộ nuôi dê, còn lại là trồng rừng, chăn nuôi gà, lợn. Đồng chí Thọ nhẩm tính: Nếu đầu tư 20 triệu đồng nuôi dê (mua được khoảng 5-6 con dê sinh sản), thì chỉ sau 1 năm đã có thể lãi gấp từ 1,5-2 lần. Cũng nhờ đồng vốn đầu tư hiệu quả nên người vay có điều kiện trả lãi hàng tháng và trả gốc khi đến hạn. Không có tình trạng nợ đọng kéo dài.

 

Ông Nguyễn Viết Thuận, tổ trưởng tổ TK-VV xóm Khe Vàng 2, xã Phú Đô thì chia sẻ: Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu đồng vốn vay của NHCSXH chính là việc bình xét cho vay phải đúng người, đúng việc, công khai, dân chủ và tăng cường quản lý, giám sát tốt nguồn vay. Mỗi khi được cấp trên phân bổ nguồn vốn, tổ trưởng tổ TK-VV sẽ có trách nhiệm báo cáo với bí thư chi bộ và trưởng xóm, sau đó tổ chức họp công khai bình xét cho vay. Do phần lớn nguồn vốn vay chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân nên những hộ thuộc diện đối tượng mà có điều kiện khó khăn hơn và có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả sẽ được xem xét cho vay trước. Sau khi được vay, tổ sẽ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ bị thu hồi vốn để chuyển cho hộ khác vay.

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương cho biết thêm, để đồng vốn phát huy hiệu quả tốt nhất, cũng là để các hộ có điều kiện trả lãi, trả nợ đúng quy định, NHCSXH huyện luôn chú trọng làm tốt việc tham mưu với Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện để chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Ban Giảm nghèo các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn, phát tờ rơi hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con, trong đó chú trọng ưu tiên những hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Ngoài ra, tại các buổi giao dịch hàng tháng tại xã, NHCSXH huyện cũng chú trọng đến việc tuyên truyền để hộ vay nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp cho vay hoặc sử dụng sai mục đích…

 

Tính đến cuối năm 2015, tổng nguồn vốn mà Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương quản lý là 291 tỷ đồng, với gần 14 nghìn khách hàng còn dư nợ, ở 12 chương trình. Trong số này, dư nợ cho vay hộ nghèo chiếm 35%, với 102 tỷ đồng; tiếp đến là sản xuất kinh doanh vùng khó khăn gần 50 tỷ đồng; hộ cận nghèo 40,8 tỷ đồng; học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 29 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 23,7 tỷ đồng… Từ nguồn vốn này, hàng nghìn hộ có hoàn cảnh khó khăn đã có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu, góp phần đáng kể vào kết quả giảm nghèo chung của huyện, với mức giảm trung bình 2,4%/năm…

 

Mới đây, NHCSXH huyện được bổ sung thêm nguồn vốn đợt 1 năm 2016 là 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, với nguồn vốn hiện tại thì mới có một số chương trình cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vay của người dân như học sinh, sinh viên; nước sạch và vệ sinh môi trường. Chương trình cho vay hộ nghèo mặc dù cơ bản các hộ đều đã được vay nhưng chưa được đáp ứng ở mức tối đa theo nhu cầu. Các chương trình khác như hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm… vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ chưa được đáp ứng. Trước thực tế này rất cần sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như sự chung tay của các doanh nghiệp trong việc bố trí một phần nguồn vốn, ngân sách để chuyển về NHCSXH thực hiện cho vay các hộ đối tượng chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững mà nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra.