Nông dân Lào Cai mất trắng vì Thảo quả chết khô

08:41, 04/03/2016

Sau đợt băng tuyết, rét hại xảy ra hồi cuối tháng 1-2015, hơn 8 nghìn ha Thảo quả (chiếm 85% tổng diện tích)của nông dân Lào Cai đã bị chết khô, không còn khả năng cho thu hoạch, làm mất nguồn thu của hàng chục nghìn hộ nông dân. Tỉnh Lào Cai đang tập trung các biện pháp thâm canh tối đa nhằm “cứu” Thảo quả, ổn định sản xuất và đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, biên giới.

Thảo quả chết khô, hàng chục nghìn hộ dân mất nguồn thu

 

Tỉnh Lào Cai có gần 10 nghìn ha Thảo quả (một loại cây dược liệu quý), được trồng ở 7/9 huyện, thành phố, thuộc địa bàn 66 xã vùng cao, vùng sâu của tỉnh. Đây là loại cây “xóa đói giảm nghèo” và làm giàu chủ lực, hiệu quả của đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Giáy, Hà Nhì… ở địa phương. Với giá bán bình quân khoảng 120 nghìn đồng/kg quả khô, với tổng sản lượng đạt khoảng 2.500 tấn quả khô, hằng năm đem về khoảng hơn 300 tỷ đồng cho hàng chục nghìn hộ nông dân của tỉnh. Cây Thảo quả được trồng dưới tán rừng già, do đó kết hợp bảo vệ rừng rất tốt. Tuy nhiên, đợt băng tuyết, rét hại “kỷ lục” xảy ra vào cuối tháng 1-2015 đã “hủy diệt” tới 85% diện tích, sản lượng thảo quả “đẩy” nông dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai vào khó khăn, do mất nguồn thu, kéo dài trong 3-4 năm tới, do quá trình hồi sinh của loại cây này rất chậm.

 

Trong số các địa phương có trồng Thảo quả thì hai huyện Sa Pa và Bát Xát bị thiệt hại nặng nề nhất. Ngày 26-2, chúng tôi lên vùng “trọng điểm” thảo quả của huyện Bát Xát, ở khu rừng nguyên sinh, thuộc xã Dền Sáng, chứng kiến hàng trăm ha Thảo quả dập nát, ngổn ngang, khô quắt sau đợt rét hại hồi cuối tháng 1-2015. Chị Lý Tả Mẩy, dân tộc Dao Đỏ thẫn thờ đi giữa nương Thảo quả khô quắt nói: “ Cả nhà có sáu nhân khẩu, nguồn thu để trang trải các chi phí trong gia đình, từ sinh hoạt hằng ngày đến học hành của hai đứa con và các chi phí khác trong năm đều trông chờ vào nương Thảo quả. Bây giờ, Thảo quả chết khô hết rồi, ba năm sau mới có thể lên lại cây để cho quả thu hoạch, từ nay đến khi ấy không biết trông chờ vào đâu. Có lẽ, chỉ còn cách đi bán sức làm thuê, kiếm tiền chi phí sinh hoạt hằng ngày thôi”.

 

Với hơn một ha Thảo quả, nếu không bị rét chết khô thì tháng 10 tới, gia đình chị Mẩy có thể thu hoạch được khoảng năm tạ quả khô, có trong tay từ 50- 60 triệu đồng; đối với đồng bào vùng cao thì đây là một số tiền lớn. Cũng như chị Mẩy, anh Hoàng Kin Siểu vừa thu dọn những thân cây thảo quả dập nát ngổn ngang trên nương, vừa than vãn: “Nhà mình có hơn ba ha Thảo quả, đợt băng tuyết làm hỏng hết, tất cả bị chết khô, thế là mất trắng nguồn thu hơn một tấn quả, trị giá hàng trăm triệu đồng. Bây giờ có chăm tốt, củ Thảo quả lên mầm, chăm sóc tốt thành cây mới, thì cũng phải 3-4 năm sau mới có quả trở lại. Còn trong 3-4 năm tới là không có nguồn thu”.

 

Theo Chủ tịch UBND xã Dền Sáng Hoàng Thông Liềm, rét hại làm mất trắng 326 ha Thảo quả của hơn 300 hộ đồng bào người dân tộc Dao của xã. Trong 3-4 năm tới, người dân mất nguồn thu, chắc chắn cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ sẽ tái nghèo. Do mất nguồn thu, thiếu việc làm, nhiều người dân sẽ bỏ đi nơi khác làm thuê, gây xáo trộn về an ninh - trật tự ở địa phương.

 

Ở huyện Sa Pa, vùng trồng Thảo quả lớn nhất của tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng kinh tế huyện cho biết: Sa Pa có khoảng 4.766 ha Thảo quả, được trồng dưới tán rừng già, thuộc dãy Hoàng Liên, ở 18/18 xã, thị trấn; sản lượng hằng năm đạt khoảng 900 tấn quả khô, đem lại nguồn thu khoảng hơn 100 tỷ đồng cho khoảng 4.000 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Xa Phó… ở địa phương. Do băng tuyết phủ dày, trong thời gian kéo dài 2-3 ngày, nhiệt độ xuống thấp đến mức kỷ lục là âm bốn độ C nên đã làm cho thảo quả bị dập, gẫy đổ và khô héo. Đặc biệt, từ sau rằm tháng Giêng đến nay, thời tiết nắng ấm, hanh khô do vậy thảo quả bị chết khô hàng loạt, chỉ cần một đốm lửa nhỏ là có thể gây đại hỏa hoạn, trên diện rộng mà khó dập tắt lửa. Theo thống kê của Phòng kinh tế Sa Pa, 100% diện tích Thảo quả bị dập nát, chết khô, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Điều nguy hiểm là trong 3-4 năm tới, hàng nghìn hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, ở các xã vùng cao, vùng sâu bị mất nguồn thu hằng năm, cho đến khi cây thảo quả hồi sinh, phát triển trở lại.

 

Nỗ lực”cứu” Thảo quả hồi sinh

 

UBND tỉnh Lào Cai xác định khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong quý I. Đối với vùng cao, vùng sâu, Sở NN và PTNT phối hợp với chính quyền địa phương tập trung thực hiện các biện pháp thâm canh tối đa, nhằm “cứu” Thảo quả hồi sinh sau rét hại.

 

Ông Sí Xuân Kiên- Phó phòng NN và PTNT huyện Bát Xát cho biết: Tuy cây Thảo quả bị chết khô, không còn khả năng cho quả nhưng phần gốc (củ) vẫn có khả năng hồi sinh để mọc lên cây mới. Biện pháp phù hợp lúc này là hướng dẫn, đôn đốc bà con nông dân phát dọn, thu gom thân cây Thảo quả bị chết khô, dọn vệ sinh gốc, sau đó bón thúc bằng phân bón phù hợp để kích thích củ thảo quả ra mầm cây mới. Lứa cây mới này sau 3-4 năm sẽ tạo thành bụi cây và cho thu hoạch quả; tuy nhiên năng suất sẽ giảm so với trước. Theo ông Kiên, đây là biện pháp tối ưu nhất, vì gây giống Thảo quả rất khó khăn, thời gian kéo dài, hơn nữa nếu trồng mới cũng rất tốn kém.

 

Theo chỉ đạo của ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương, bà con nông dân ở Lào Cai đang tập trung nhân lực phát dọn thực bì, thu gom cây Thảo quả bị chết khô và bón thúc mầm để hồi sinh diện tích thảo quả bị thiệt hại sau rét. Một số địa phương áp dụng hình thức cung ứng phân bón trả chậm để hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất. Vấn đề đặt ra là, bắt đầu vào mùa nắng ấm, thời tiết hanh khô rất dễ gây cháy rừng; vì vậy khi thu gom, xử lý thân cây Thảo quả chết khô bằng cách đốt bỏ, cần thực hiện tốt các biện pháp cách ly để phòng ngừa cháy rừng.