Phát triển các vùng sản xuất rau chuyên canh

16:55, 25/03/2016

Trong giai đoạn 2011-2015, trung bình mỗi năm toàn tỉnh trồng được hơn 12 nghìn héc-ta rau các loại, sản lượng đạt trên dưới 300 nghìn tấn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều vùng sản xuất rau chuyên canh, như: Túc Duyên, Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), Linh Sơn (Đồng Hỷ), Nhã Lộng (Phú Bình), thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ)... Từ sản xuất rau chuyên canh, nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập ổn định.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Quế, ở khu dân cư Túc Tiến, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Với 3 sào ruộng hiện có, gia đình tôi trồng rau xanh quanh năm, mùa nào thức nấy. Nếu rau được chăm sóc tốt, thị trường tiêu thụ thuận lợi thì mỗi năm nhà tôi thu được từ 12 đến 15 triệu đồng/sào… Ngoài những vùng sản xuất rau chuyên canh, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh còn tận dụng diện tích đất cấy lúa 2 vụ để trồng rau xanh trong vụ đông. Chị Đỗ Thị Minh, ở xóm 8, xã Cù Vân (Đại Từ) cho biết: Trồng rau cần công chăm sóc rất tỉ mỉ, nhưng trên cùng một diện tích canh tác thì thu nhập từ trồng rau xanh thường cao gấp đôi, gấp ba so với các loại cây trồng khác.

 

Từ thực tế cho thấy, do tỉnh ta có dân số khá đông (trên 1,2 triệu người), lại có nhiều khu, cụm công nghiệp, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn nên để đáp ứng nhu cầu thị trường, diện tích trồng rau xanh ngày càng được mở rộng. Đến nay, diện tích trồng rau xanh của tỉnh đã tăng khoảng 40-50% so với hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT thì diện tích, năng suất, chất lượng sản phẩm rau còn thấp so với tiềm năng của tỉnh. Bà con mới chỉ tập trung sản xuất các loại rau truyền thống, giá trị kinh tế thấp chứ chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất rau công nghệ cao. Đặc biệt, mặc dù tỉnh ta có thể phát triển trồng rau xanh vụ đông nhưng thực tế diện tích trồng trong vụ này bình quân giai đoạn 2011-2015 mới chỉ chiếm khoảng 22% diện tích đất cây trồng hàng năm (toàn tỉnh có khoảng 70 nghìn héc-ta đất trồng cây hàng năm).

 

Tỉnh ta có nhiều điều kiện để phát triển sản xuất rau xanh, nhất là các vùng đất ven sông Cầu, sông Công. Do đó, để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, ngành Nông nghiệp đã xây dựng một lộ trình phát triển cây rau trong 5 năm tới. Trong đó, việc đầu tiên được ưu tiên thực hiện là khuyến khích người dân tăng diện tích gieo trồng, sử dụng đa dạng, phong phú chủng loại rau có giá trị kinh tế cao; phấn đấu đến năm 2020, diện tích cây rau, đậu các loại đạt 15.000ha, tăng so với năm 2015 là 2.500ha (tăng chủ yếu trên đất lúa chuyển đổi, cây trồng vụ đông trên đất 2 lúa), năng suất rau bình quân đạt 170 tấn/ ha, sản lượng đạt 255 nghìn tấn, tăng thêm 45 nghìn tấn so với năm 2015.

 

Bên cạnh đó là phát triển rau các loại theo hướng hình thành các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, chuyên canh, sản xuất sản phẩm hàng hoá tập trung, ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); quản lý chặt chẽ kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chế phẩm sinh học, đất và nước tưới đối với toàn bộ diện tích thuộc vùng sản xuất rau an toàn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Đồng thời, thực hiện quy hoạch trên 1.000ha thuộc vùng trọng điểm sản xuất rau hàng hoá để xây dựng mô hình, dự án sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao.

 

Tiếp theo đó là thực hiện đổi thửa, dồn điền, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hình thành vùng sản xuất rau tập trung, an toàn quy mô lớn; đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông nội đồng, hệ thống tưới, tiêu, xử lý môi trường; hệ thống nhà màng, nhà lưới đáp ứng yêu cầu sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi. Dự kiến tỉnh sẽ bố trí vùng sản xuất rau an toàn tại các địa phương như: T.X Phổ Yên (200ha), Phú Bình (200ha), Đồng Hỷ (200ha), Đại Từ (200ha), Phú Lương (100ha), T.P Thái Nguyên (50ha), T.P Sông Công (50ha). Riêng năm 2016 sẽ xây dựng mô hình điểm sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại T.X Phổ Yên (với quy mô diện tích 80ha) và T.P Thái Nguyên (50ha).

 

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (đặc biệt là công nghệ cao) trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm rau xanh nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị; tập trung chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học về giống cây rau theo lợi thế của từng địa phương; tăng tỷ lệ sử dụng giống mới rau cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh cơ khí hoá, tự động hoá trong sản xuất, chế biến rau các loại...