Từ thực tế hiện nay cho thấy, nội tại toàn ngành Công nghiệp (CN) của tỉnh đang có những cách biệt rõ rệt về mức tăng trưởng giữa các khu vực CN khác nhau. Trong khi nhiều khu vực CN truyền thống từng là thế mạnh của tỉnh bị suy giảm mạnh thì một số khu vực CN mới nổi, có xu thế phù hợp lại tăng trưởng đột biến. Do vậy, theo các nhà phân tích kinh tế thì đây là điều kiện cần và đủ để chúng ta có thể điều chỉnh cơ cấu nội ngành CN nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành.
Kỳ 1: Khi công nghiệp truyền thống lép vế
Những phân tích theo chuyên ngành về phát triển CN trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2015 cho thấy, một số ngành CN truyền thống, từng là mũi nhọn tăng trưởng của toàn ngành, như: CN sản xuất kim loại, CN khai khoáng, CN sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD)... đang bị suy giảm rõ rệt trên thị trường.
Khai khoáng, luyện kim: Chạm đáy
Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động của ngành khai khoáng và luyện kim trên địa bàn tỉnh lại trở nên ảm đạm, kém sôi động như thời gian gần đây. Ngoài một số đơn vị khai thác các loại khoáng sản đặc thù (như volfram, than đá, vàng...) còn duy trì sản xuất ổn định, hầu hết các cơ sở khai khoáng còn lại gần như chỉ hoạt động cầm chừng. Không ít doanh nghiệp (DN) khai khoáng phải cắt giảm nhân công, tạm dừng hoạt động tới 50% số máy móc, thiết bị vì lượng hàng tồn kho quá lớn. Có dịp khảo sát tại các đơn vị khai thác quặng sắt ở thời điểm này sẽ thấy rất rõ bức tranh ảm đạm đó. Từ mỏ sắt Tiến Bộ, mỏ sắt Trại Cau với trữ lượng hàng triệu tấn của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đến các mỏ sắt nhỏ lẻ của các DN Anh Thắng, Luyện kim đen, Khoáng sản Chiến Công, Nông thôn miền núi..., quặng sắt đều chất đống như núi mà không tiêu thụ được. Ngay như đơn vị khai thác thuê cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên là Công ty CP Nhẫn và Công ty Hải Thành cũng rơi vào tình cảnh không có giao dịch. Ông Đỗ Quang Hưng, người quản lý dây chuyền tuyển khoáng của Công ty Hải Thành cho biết: Từ nhiều ngày nay, quặng do đơn vị tuyển ra cả nghìn tấn chỉ đắp đống vì Gang thép chưa có nhu cầu tiêu thụ.
Khai khoáng gặp khó khăn chính là do hoạt động luyện kim bị đình trệ. Từ hai năm nay, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (đơn vị đứng đầu ngành luyện kim của tỉnh) đều phải giảm sản lượng từ 40% đến 50% so với thời gian trước. Theo ông Đỗ Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty thì hiện tại các dây chuyền của đơn vị chỉ vận hành 60% công suất thiết kế.
Đối với một số cơ sở luyện kim khác như Nhà máy Luyện gang Nam Son, Nhà máy Luyện xỉ Titan Cây Châm, Nhà máy Hợp kim sắt Trung Việt... đều đang sản xuất cầm chừng. Theo ông Đặng Quang Minh, Giám đốc Nhà máy Luyện xỉ Titan Cây Châm thì hiện lượng gang hợp kim do đơn vị sản xuất đang tồn kho với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Lý do là bởi giá gang trên thị trường xuống quá thấp, nếu bán sẽ bị lỗ.
Thống kê toàn tỉnh cho thấy, ngành CN luyện kim đang có 43 DN hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 15 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 10.500 lao động; ngành CN khai khoáng có 33 DN hoạt động với số vốn trên 2.500 tỷ đồng, lao động hơn 3.700 người. Trong cả giai đoạn 2011-2015, ngành luyện kim của tỉnh chỉ tăng trưởng ở mức 3,34% trong khi mục tiêu đề ra là 14,9%. Ngành CN khai khoáng còn thấp thảm hại với mức tăng trưởng âm tới 2,57%, trong khi mục tiêu đề ra là 27,9%. Theo các chuyên gia đánh giá thì hai ngành này đang có mức tăng trưởng thấp gần như chạm đáy.
Vật liệu xây dựng: Đuối sức
Lâu nay, sản xuất vật liệu xây dựng là ngành CN thế mạnh của tỉnh bởi có vùng nguyên liệu dồi dào mà ít địa phương có được. Tuy vậy, mấy năm trở lại đây, ngành này cũng có xu hướng lép vế dần so với một số ngành mới nổi. Mặc dù đa dạng, phong phú về chủng loại với các sản phẩm chính như xi măng, gạch ngói, tấm lợp, đá ốp lát, đá xây dựng, cát, sỏi..., nhưng mức độ đầu tư phát triển còn khiêm tốn. Trong cả giai đoạn 10 năm (2005-2015), tăng trưởng chung của ngành CN sản xuất VLXD chỉ đạt 17,9%, trong khi mục tiêu đề ra là 22,8%.
Đây là ngành chịu tác động lớn từ thị trường bất động sản nên nhiều năm nay khi bất động sản đóng băng đã khiến các đơn vị sản xuất VLXD nhiều phen điêu đứng. Số liệu thống kê của tỉnh cho thấy, thời gian gần đây, các nhà máy sản xuất xi măng, VLXD khác chỉ phát huy được 50% công suất thiết kế. Không ít thời điểm các nhà máy xi măng phải chủ động "gặt lúa non" bằng cách bán nguyên liệu clinker để giải quyết khó khăn. Ông Lê Văn Ký, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Quang Sơn cho biết, tình hình thị trường xi măng trong nước ngày càng khó khăn do sức ép cạnh tranh cao. Thị trường xuất khẩu thấp khiến các đơn vị chuyên sản xuất xi măng xuất khẩu quay lại khai thác thị trường nội địa. Hơn nữa, trên địa bàn có tới 3 nhà máy xi măng công suất tới 3 triệu tấn/năm, sức cạnh tranh càng lớn. Theo quy hoạch ngành xi măng thì hiện tại cung đang vượt quá cầu nên tất yếu sản xuất sẽ gặp khó.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 47 DN sản xuất VLXD với tổng vốn trên 8 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm khoảng 7 nghìn lao động. Tuy nhiên, số lượng các đơn vị có mức tăng trưởng cao hàng năm là rất ít. Riêng năm 2015, số lượng DN VLXD vượt mức kế hoạch chỉ tính trên đầu ngón tay, số còn lại phần đông là không đạt mục tiêu đề ra. Không ít đơn vị còn giảm sâu so với năm trước. Có thể kể tên một số đơn vị như: Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên doanh thu đạt 29 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch, thu nhập bình quân người lao động là 3,5 triệu đồng/tháng; Công ty CP Vật liệu và Xây dựng Tân Long, doanh thu chỉ đạt 4,3 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước; Công ty CP Tấm lợp và VLXD Thái Nguyên doanh thu đạt 12 tỷ đồng, giảm 40% kế hoạch năm, thu nhập người lao động chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/tháng...
Công nghệ lạc hậu là rào cản
Nói đến trình độ công nghệ thì gần như các ngành CN truyền thống của tỉnh đều đang ở mức thấp, trong đó công nghệ luyện kim, khai khoáng và VLXD thấp nhất. Theo bà Đinh Thị Thu, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) thì do các ngành này phát triển từ sớm lại ít được đầu tư trở lại nên hiện nay cơ bản máy móc thiết bị còn khá lạc hậu. Ngành luyện kim dù gần đây đã được đầu tư nâng cao công suất như: Luyện thiếc bằng lò điện, thiêu quặng kẽm, điện phân kẽm bằng lò lớp sôi, đúc thép liên tục, cán thép tự động... nhưng nhìn chung do quy mô công nghệ nhỏ lại nhập giá rẻ nên về tổng thể công nghệ thiết bị của ngành này còn lạc hậu, sản phẩm không đa dạng, trình độ chế biến tinh chưa cao, chưa có sản phẩm cao cấp phục vụ ngành cơ khí chế tạo. Không nói đâu xa, ngay như Gang thép Thái Nguyên, hay một số DN luyện kim quy mô nhỏ và vừa khác, nhiều dây chuyền sản xuất có công nghệ từ vài thập niên trước.
Ngành CN khai khoáng cũng vậy, không chỉ đầu tư thiết bị công nghệ lạc hậu mà còn sử dụng quá nhiều lao động thủ công, gây khó khăn cho DN, tổn thất tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Sau khi làm phép so sánh quá trình vận hành dây chuyền tuyển khoáng của mỏ sắt Trại Cau và Công ty CP Nhẫn (đơn vị tuyển thuê khoáng sản cho Gang thép), kết quả cho thấy: Cùng ra một lượng sản phẩm quặng sắt như nhau nhưng dây chuyền của Công ty CP Nhẫn chỉ sử dụng 6 nhân công, trong khi Mỏ sắt Trại Cau là gần 30 người. Điều đó cho thấy, công nghệ lạc hậu sẽ kéo theo rất nhiều chi phí trong sản xuất.
Với ngành CN sản xuất VLXD cũng không khá hơn. Ngoài một số nhà máy xi măng có công nghệ tiên tiến của Châu Âu thì vẫn còn tồn tại một vài Nhà máy xi măng lò đứng được lắp đặt từ nhiều năm trước. Các dây chuyền sản xuất gạch không nung, gạch tuynel, tấm lợp cũng có trình độ sản xuất ở mức thấp và trung bình. Đối với dây chuyền gạch ceramic, gạch ốp lát dù đã được đầu tư với thiết bị ngoại nhập, nhưng cũng không tiên tiến vẫn phải sử dụng các công đoạn thủ công, cần nhiều lao động.
(Còn nữa)