Vì sao các doanh nghiệp khai khoáng gặp khó?

14:03, 04/03/2016

Bước sang năm 2016, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là quặng sắt gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng, cá biệt có DN phải tạm dừng sản xuất. Vậy, nguyên do tại đâu?

Theo số liệu mới nhất của Sở Công Thương thì hiện tại lượng quặng sắt tồn kho của tỉnh gần 100 nghìn tấn. Tháng 1-2016, sản lượng quặng sắt và tinh quặng chưa nung của tỉnh đạt 13,5 nghìn tấn, giảm 28,7% so với tháng trước.

Trong tháng 2-2016, lượng quặng sắt đạt 11,1 nghìn tấn, giảm 27,2% so với tháng trước. Như vậy, lượng quặng sắt khai thác đang có chiều hướng giảm dần do thị trường gặp khó khăn.

Trên bản đồ khoáng sản của tỉnh, quặng sắt là loại khoáng sản có mật độ phân bố dầy nhất với trữ lượng cũng gần như lớn nhất. Đi kèm với đó, lượng các DN tham gia khai thác, chế biến quặng sắt cũng nhiều nhất. Anh cả trong khu vực trên chính là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Đơn vị này đang sở hữu một số mỏ quặng sắt quy mô hàng triệu tấn, gồm mỏ sắt Trại Cau, mỏ sắt Tiến Bộ (Thái Nguyên), mỏ sắt Ngườm Cháng (Cao Bằng)... Theo lãnh đạo Công ty thì hiện nay, hoạt động khai thác khoáng sản tại các mỏ nói trên đều không đạt được công suất đề ra. Nói đúng hơn là đang thụt giảm đáng kể so với những năm trước. Nguyên do được đưa ra là tại thị trường thép thành phẩm đang rất trì trệ, lượng thép tiêu thụ của Công ty đạt thấp, hàng tồn kho lớn dẫn đến việc phải tiết giảm tối đa sản xuất. Từ đó, nguồn nguyên liệu đầu vào là quặng sắt cũng thụt giảm theo. Ông Mạc Đăng Niên, Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau chia sẻ: Từ năm 2015 đến nay, kế hoạch khai thác quặng sắt mà Công ty CP Gang thép Thái Nguyên giao cho đơn vị đều giảm sâu so với những năm trước. Đặc biệt, năm 2016, Công ty chỉ giao kế hoạch khai thác 60 nghìn tấn quặng kích thước từ 0-30mm, giảm tới trên 50% so với năm 2015.

 

Tại khu vực Mỏ sắt Trại Cau, đơn vị tuyển thuê cho Mỏ là Công ty CP Nhẫn cũng đang hoạt động cầm chừng. Theo ông Trần Đông Hải, Giám đốc Công ty, vì Gang thép gặp khó khăn đầu ra nên từ nhiều ngày qua chỉ nhập một lượng ít quặng sắt do đơn vị tuyển. Đúng như lời ông Hải, khi chúng tôi có mặt tại địa điểm tuyển thuê của đơn vị ở thị trấn Trại Cau, quặng sắt đã tuyển rửa chất thành đống lớn tràn cả ra ngoài bãi tập kết. Hệ thống xe vận tải, máy móc, sàng tuyển có lúc phải dừng vận hành. Lượng công nhân giảm xuống một nửa so với trước. Ông Hải cho hay, Công ty đang tính đến chuyện tạm dừng để tập trung cho hoạt động khác hiệu quả hơn.

 

Cũng là một doanh nghiệp chuyên khai thác, chế biến quặng sắt, DN Anh Thắng đang gặp không ít khó khăn khi thị trường kim loại trầm lắng. Được biết, tại thời điểm này, hoạt động khai thác và tuyển rửa quặng sắt của DN ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) cũng trong tình cảnh cầm chừng. Trao đổi với ông Vũ Anh Thắng, Giám đốc DN chúng tôi được biết, Nhà máy luyện gang của đơn vị hiện chỉ vận hành dưới 50% công suất thiết kế bởi sản phẩm làm ra không có lãi. Vì thế, quặng sắt phục vụ luyện gang nếu khai thác càng nhiều, tồn kho càng lớn. Theo ông Thắng thì trong khi giá gang thấp, tiêu thụ chậm thì giá nguyên liệu đầu vào không những không giảm mà còn tăng.

 

Tương tự như một vài đơn vị nói trên, hoạt động khai khoáng của hầu hết các DN khác cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi chuyên sản xuất xỉ ti tan và gang hợp kim cũng đang có lượng gang tồn kho lên tới hàng chục nghìn tấn. Theo lãnh đạo Công ty thì gang hiện đang chất cao như núi tại bãi tập kết ở xã Động Đạt (Phú Lương). Giá gang xuống thấp hơn trước từ 30% đến 40% nên đơn vị chấp nhận đổ đống trong bãi còn hơn tiêu thụ mà chịu lỗ.

 

Như vậy có thể nói, trong nhiều sức ép thì sức ép thị trường đang đặt gánh nặng lên vai các DN khai khoáng ở địa phương. Có ý kiến phản ánh về thực tế ngành khai khoáng hiện nay, một số DN cho rằng thuế, phí cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra khó khăn, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Các DN tính được rằng, cứ mỗi tấn quặng sau khi được khai thác, chế biến phải chịu các loại thuế, phí như: thuế tài nguyên, thuế chuyển quyền khai thác khoáng sản, thuế VAT, thuế xuất khẩu (nếu tham gia xuất khẩu), thuế thu nhập DN, phí môi trường... Và khi cộng tất cả lại, các loại thuế, phí này chiếm gần 50% giá thành của sản phẩm, nên không dễ dàng để có lãi. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các DN cũng đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng ở Trung ương và địa phương cần có phương án, lộ trình chiều chỉnh các loại phí, thuế liên quan đến khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là thuế xuất khẩu. Mặt khác, các DN cũng mong muốn tiếp tục được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện cùng tháo gỡ khó khăn. Theo các DN, hiện nay đang có một số bất cập đối với hoạt động khai khoáng là nếu quặng đã qua chế biến sâu mà xuất khẩu thì sẽ chịu thuế suất cao, trong khi nội tiêu lại phải bán giá thấp. Do đó, rất cần sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước.

 

Từ thực tế trên có thể thấy, nếu không có những điều chỉnh kịp thời về cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thuế, phí và xuất khẩu theo tình hình thực tế hiện nay thì nhiều khả năng DN khai khoáng ngày càng gặp khó, nếu không muốn nói là sẽ có thêm các DN phải đóng cửa. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng và phát triển chung của địa phương.