Xuất siêu chưa hẳn đã tốt

10:24, 01/03/2016

Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại cả nước trong hai tháng đầu năm 2016 xuất siêu 865 triệu USD. Thoạt nghe, đây là tin “tốt”, vì thặng dự thương mại sẽ giúp giảm áp lực đối với tỷ giá, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, hạ lãi suất và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu xem xét từ một góc nhìn khác, đây lại là tin “xấu”.

Theo nguyên tắc tính tổng sản phẩm trong nước GDP, quy mô xuất siêu của một nền kinh tế sẽ luôn bằng mức chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư. Nếu tỷ lệ tiết kiệm/GDP ổn định, tỷ lệ xuất siêu hay nhập siêu so với GDP sẽ chủ yếu do tỷ lệ đầu tư/GDP quyết định, tức là đầu tư càng ít, thì suất siêu càng nhiều. Nhưng đầu tư ít đi cũng đồng nghĩa với tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn.

 

Tại Việt Nam trong những năm gần đây tỷ lệ tiết kiệm nội địa xoay quanh mức 28% GDP. Giai đoạn 2012-2014 tỷ lệ đầu tư/GDP chỉ vào khoảng 27% (tính theo giá hiện hành), nên Việt Nam liên tục xuất siêu. Nhưng đây lại là giai đoạn nền kinh tế ở trong tình trạng trì trệ với tốc độ tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,25% năm 2012; 5,42% năm 2013 và 5,98% năm 2014. Đến năm 2015, tỷ lệ đầu tư tăng vọt (tính theo giá hiện hành đạt mức 32,6% GDP), nền kinh tế lập tức tăng trưởng 6,68%, nhưng nhập siêu cũng quay trở lại và đạt mức 3,5 tỷ USD.

 

Như vậy, việc Việt Nam chuyển từ nhập siêu trong năm 2015 sang xuất siêu trong hai tháng đầu năm 2016 có thể là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang yếu đi. Một vài chỉ số kinh tế được công bố gần đây cho thấy, quá trình phục hồi kinh tế đang bị chững lại. Chẳng hạn, tính chung hai tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ tiêu này của hai tháng đầu năm 2015 là 12%. Chỉ số quản lý sức mua PMI cũng chỉ dao động chung quanh mức 50 điểm trong nhiều tháng qua.

 

Tình trạng xuất siêu hiện nay nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì trong thời gian tới, khi NHNN đang tìm cách “siết” tín dụng bất động sản thông qua dự định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép cho vay trung-dài hạn từ 60% xuống 40%, cũng như tăng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản từ mức 150% lên 250%.

 

Nếu chính sách này được áp dụng, đầu tư vào bất động sản - một trong những động lực tăng trưởng của năm 2015 - sẽ bị giảm sút và nền kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ khó có thể tăng trưởng cao như năm 2015, cho dù đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng nhanh nhờ những kỳ vọng vào TPP.

 

Tóm lại, với Việt Nam hiện nay tình trạng xuất siêu phần nhiều là tin “xấu”, chứ không hẳn là tin “tốt”.