Cũng như các địa phương khác của tỉnh, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn huyện Phú Lương những năm qua diễn ra khá sôi động, thu hút được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân. Đến nay, đã có 5/14 xã của huyện về đích NTM, các xã còn lại đạt từ 13-15 tiêu chí. Đóng góp vào thành tích chung ấy không thể không nói đến Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT (Agribank) Chi nhánh huyện Phú Lương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Khương Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ (Phú Lương) đánh giá rất cao vai trò của Agribank Chi nhánh huyện trong việc đồng hành cùng chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện nhiều tiêu chí NTM. Ông Bảo cho rằng: Vốn dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn có từ nhiều kênh, song nguồn vốn của Agribank luôn được biết đến là một kênh quan trọng và chủ yếu, góp phần không nhỏ (thậm chí mang tính quyết định) vào việc phát triển kinh tế của nhiều hộ dân. Đơn cử như trong tổng số 154 gia trại, trang trại chăn nuôi ở xã hiện nay thì có tới hơn 90% vay vốn tại Agribank (trung bình, vốn của Agribank chiếm từ 50-60% tổng vốn đầu tư của các hộ). Hay như việc làm đường giao thông nông thôn, với trên 10 tuyến đường được đầu tư đổ bê tông trong 5 năm qua thì có phần không nhỏ trong số này được người dân sử dụng nguồn vốn vay của Agribank để đóng góp đối ứng… Hiện nay, tổng dư nợ của cả xã tại Agribank Chi nhánh huyện là 62 tỷ đồng, với 540 khách hàng còn dư nợ. Tôi cho rằng, nếu không có sự vào cuộc trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Agribank Phú Lương thì xã tôi chưa thể cán đích NTM vào năm 2015.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Huệ, Giám đốc Agribank Phú Lương cho biết: Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, Ban Giám đốc Chi nhánh luôn chủ động quán triệt, triển khai đầy đủ, kịp thời đến toàn thể cán bộ, viên chức lao động trong Chi nhánh, đặc biệt là cán bộ tín dụng các nội dung trong 19 tiêu chí xây dựng NTM; phân tích mối liên hệ giữa việc thực hiện từng tiêu chí với hoạt động tín dụng ngân hàng, bám sát kế hoạch XDNTM của huyện và từng xã để mỗi cán bộ xác định đúng hướng đầu tư tín dụng cho phù hợp, qua đó vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí NTM của địa phương, vừa giúp Chi nhánh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tính đến tháng 3-2016, tổng nguồn vốn Agribank Phú Lương đang đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện là 680 tỷ đồng (tăng hơn 400 tỷ đồng so với năm 2011), với 6.568 khách hàng còn dư nợ. Trong số này, có hàng chục tỷ đồng được đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn như làm đường giao thông, xây nhà văn hóa xóm, cứng hóa kênh mương… Các công trình này đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho bà con, đặc biệt là việc thông thương hàng hóa giữa các vùng miền, đời sống văn hóa - xã hội vì thế cũng được nâng lên, bộ mặt NTM trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc. Cùng với việc cho vay, công tác huy động vốn cũng luôn được Chi nhánh xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Với phương châm huy động tối đa nguồn vốn tại chỗ để đảm bảo đầu tư tín dụng trên địa bàn và góp phần điều hòa trong hệ thống, 5 năm trở lại đây, nguồn vốn huy động của Chi nhánh tăng trưởng bình quân 21%/năm. Tính đến hết tháng 3-2016, tổng nguồn vốn huy động của Chi nhánh là 791 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với năm 2011.
Ông Lê Viết Ly, ở xóm Đồng Nghè 1 (xã Động Đạt) hiện có dư nợ tại Agribank Phú Lương là 1,2 tỷ đồng (đầu tư vào trang trại nuôi gia công 600 con lợn cho một công ty ở Hà Nội) cho biết: Nhiều năm nay, tôi luôn gắn bó với Agribank. Tôi nhận thấy, các thủ tục cho vay của ngân hàng này ngày càng đơn giản, nhanh gọn, lãi suất luôn ở mức thấp so với mặt bằng chung. Tôi vẫn luôn tâm niệm, nếu không có nguồn vốn vay của ngân hàng thì bản thân tôi cũng như phần lớn các hộ làm nông nghiệp khác rất khó có điều kiện để phát triển sản xuất, chăn nuôi hoặc đầu tư vào lĩnh vực nào đó có quy mô. Đồng tình với quan điểm này, ông Lương Văn Cần, Giám đốc Doanh nghiệp (DN) tư nhân Hùng Giang, xóm Đá Mài, xã Yên Đổ chuyên kinh doanh xăng dầu và chế biến lâm sản chia sẻ: DN của tôi đang tạo việc làm cho 30 lao động, với mức lương bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Để có được cơ ngơi như hiện nay (1 ki-ốt xăng dầu, 2 máy ép nhiệt gỗ ván ép cùng hệ thống nhà xưởng…), chúng tôi đã được Agribank Chi nhánh huyện cho vay 5 tỷ đồng. Ông Cần cho rằng, với mức lãi suất như 2 năm trở lại đây của Agribank (11%/năm kỳ trung, dài hạn và 9% kỳ ngắn hạn) thì cả DN và người dân đều có thể “sống” được. Ông Cần dự kiến, trong thời gian tới sẽ đầu tư thêm 2 máy ép nhiệt. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm một số lao động khác của địa phương được giải quyết việc làm.
Tính đến nay, huyện Phú Lương đã có 5 xã về đích NTM. Các xã còn lại đạt từ 13-15 tiêu chí, trong đó có 2 xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm nay. Để góp phần thực hiện mục tiêu này, bà Nguyễn Hồng Huệ cho rằng có rất nhiều việc Agribank Chi nhánh huyện cần triển khai, chung sức cùng địa phương hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2020 theo kế hoạch. Và Agribank sẽ tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu đó.