Cần quan tâm hơn đến chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch

14:28, 11/04/2016

Mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất được khoảng 430 nghìn tấn lương thực, 300 nghìn tấn rau các loại và trên dưới 200 nghìn tấn chè búp tươi. Thực tế này cho thấy, số lượng hàng hoá nông sản do nông dân trong tỉnh sản xuất ra là khá lớn. Tuy nhiên, nhiều năm nay, bà con chưa quan tâm tới việc chế biến, bảo quản các loại nông sản. Điều này không những gây ảnh hưởng đến chất lượng, mà còn làm hạn chế khả năng tiêu thụ của các sản phẩm nông sản. 

Hiện nay, người dân trong tỉnh chưa nhìn nhận đúng về việc thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản sau thu hoạch. Phần lớn các sản phẩm nông sản của bà con tại các địa phương trong tỉnh đều thiếu các điều kiện về chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Theo đó, sau thu hoạch, các loại rau củ, quả không được chế biến, bảo quản mà mang thẳng đi tiêu thụ nên chỉ cần để khoảng 1 đến 2 ngày là rau, củ, quả đã bị hỏng. Vào mùa các loại quả như vải, nhãn, na, ổi... chín rộ, người dân chỉ còn nước bán đổ, bán tháo. Ông Nguyễn Văn Quang, xóm Hiên Minh, xã La Hiên (Võ Nhai), một hộ trồng na, nhãn lâu năm nói: Không có biện pháp bảo quản nhãn, na sau thu hoạch hữu hiệu nên cứ vào mùa các loại quả này chín rộ, mỗi kg quả, gia đình tôi phải bán giá thấp hơn 50 thậm chí là 70% so với đầu vụ và cuối vụ thu hoạch.

 

Việc chế biến, bảo quản lương thực (lúa, ngô) cũng chỉ rất thô sơ, mới dừng lại ở việc thu hoạch, phơi khô và cất vào trong kho nên sau một thời gian, chất lượng lúa, ngô bị giảm đi rất nhiều. Bà Mạc Thị Hà, một người dân ở xóm Chiềng, xã Phú Cường (Đại Từ) cho biết: Do không biết bảo quản nên cứ để qua mùa nồm (tháng 3 và tháng 4) là lúa bị ải, khi xay xát, gạo thường bị gẫy, mang nấu, cơm ăn rất bở chứ không dẻo, thơm như khi vừa thu hoạch.

 

Đối với cây chè, chỉ có 20% sản phẩm được các doanh nghiệp (toàn tỉnh hiện có trên 30 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè) chế biến bằng các dây chuyền máy móc khá hiện đại. Phần lớn số sản phẩm chè còn lại (trên 80% sản phẩm chè làm ra) được sơ chế, chế biến bằng phương pháp thủ công truyền thống, bán cơ giới hoá, quy mô nông hộ, trang trại nên mẫu mã, chủng loại sản phẩm chưa phong phú, chưa đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Anh Trần Văn Thắng, một hộ sản xuất chè ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Cái khó của việc chế biến chè theo quy mô nông hộ là do số lượng hàng hoá sản xuất ra có hạn nên khi khách có nhu cầu mua sản phẩm chè tăng cao hơn bình thường, gia đình tôi không thể đáp ứng được. Vì thế, chúng tôi cũng bị mất đi một lượng khách hàng khá tiềm năng ở các tỉnh bạn.

 

Chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng nhất của quy trình sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nguồn cung ổn định đáp ứng nhu cầu thường xuyên, cũng như tạo được tính cạnh tranh cho sản phẩm nông sản khi xuất bán ra thị trường. Do đó, đầu tư cho khâu chế biến, bảo quản nông sản là việc làm rất cần thiết. Trong đó, đặc biệt, ưu tiên cho đầu tư các thiết bị chế biến và bảo quản nông sản, xây dựng kho lưu trữ, dây chuyền đóng gói là điều rất cần thiết để đảm bảo chất lượng, xây dựng hình ảnh cũng như tạo đầu ra thuận lợi cho các sản phẩm nông sản…

 

Để hỗ trợ người dân, hằng năm, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ cho các mô hình cơ giới hoá sản xuất lương thực, sản xuất chè. Riêng trong năm 2016, theo phương án sản xuất nông nghiệp, tỉnh ưu tiên hỗ trợ 50% giá mua các loại máy móc cho nông dân, trong đó các một số loại máy có giá trị như: 1 máy đánh bóng gạo cho vùng sản xuất lúa tập trung hoặc các tập thể, cá nhân bố trí được vốn đối ứng trước khi mua máy (hỗ trợ 100 triệu đồng); 12 máy gặt đập liên hợp (hỗ trợ 125 triệu đồng/máy); 20 máy sao chè bằng GAS (mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/ máy)...

 

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, để nâng cao chất lượng cũng như tạo được đầu ra thuận lợi cho sản phẩm, người nông dân cần mạnh dạn đầu tư cho khâu chế biến, bảo quản các mặt hàng nông sản thông qua việc áp dụng các công nghệ sau thu hoạch như sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn, không gây độc hại cho người sản xuất và người tiêu dùng; mạnh dạn đầu tư xây dựng các kho lưu trữ, dây truyền đóng gói...

 

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, nỗ lực của người nông dân, rất cần các nghành liên quan của tỉnh tập trung đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ sau thu hoạch, hỗ trợ cả về tài chính lẫn kiến thức cho người dân đáp ứng được yêu cầu về bảo quản sản phẩm và nâng cao chất lượng các loại mặt hàng nông sản.