Chè Thái nay đã khác xưa

14:27, 23/04/2016

Trải qua ba kỳ Festival trà lần lượt vào các năm 2011, 2013 và 2015, chè Thái Nguyên ngày càng khẳng định vị thế trong nước và quốc tế, chè đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao đời sống của người dân.    

Cây chè đã bén rễ trên đất Thái Nguyên từ hơn 100 năm trước và nhãn hiệu chè "Con Hạc" của vùng Tân Cương đã nhiều lần được phong tặng danh hiệu "Đệ nhất danh Trà" trong các cuộc thi về các sản phẩm trà tại Hà Nội. Ngày nay, sản phẩm chè đã trở thành đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Nguyên với kỷ lục quốc tế dành cho "Top các đặc sản quà tặng có giá trị ở châu Á". Nếu như trước đây, chè Thái Nguyên chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước thì nay đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới như: Nga, Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu, vùng Trung Đông... Do việc quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên được đẩy mạnh, nên giá chè trong vài năm trở lại đây luôn ổn định, trung bình từ 150 nghìn - 400 nghìn đồng/kg chè búp khô.

 

Chị Lê Thị Hiếu, một trong những hộ dân làm chè ngon có tiếng ở xóm Khôn 2, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) cho biết: Nhà tôi trồng hơn 5.000m2 chè, quanh năm vất vả lam lũ nhưng có thu nhập ổn định, mỗi lứa nhà tôi thu hái được hơn 1 tạ chè khô, với giá bán trung bình 250 nghìn đồng/kg cũng cho thu về 25 triệu đồng. Nhờ cây chè, gia đình tôi đã sửa sang được nhà cửa khang trang, có điều kiện lo cho con cái học hành. Còn chị Nguyễn Thị Hằng, ở xóm Guộc, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) thì cho biết: Từ năm 2008 trở lại đây, gia đình tôi đã cải tạo toàn bộ 5 sào chè trung du sang trồng chè cành giống LDP1, cho năng suất tăng gần gấp đôi. Ngoài ra, giá bán cũng tăng từ 100 nghìn đồng lên 300 nghìn đồng/kg.

 

Toàn tỉnh hiện có 21,1 nghìn ha chè (trong đó có 13,2 nghìn ha chè giống mới), sản lượng chè đạt gần 195 nghìn tấn; đã có 775 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên; gồm 12 công ty, 5 doanh nghiệp tư nhân, 17 hợp tác xã, câu lạc bộ, làng nghề; 3 đại lý và 738 hộ gia đình. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 12 công ty, 6 hợp tác xã đã xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm chè của đơn vị... Để nâng cao năng suất, chất lượng chè, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cụ thể như: Hỗ trợ giá giống các loại chè giâm cành, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc và chế biến chè, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản chè  như: máy tưới chè bằng van xoay, máy sao chè bằng gas, máy hút chân không...

 

Anh Bùi Trọng Đại, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương cho biết: Năm 2014, được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ 100 triệu đồng mua máy sao chè bằng gas DM35 và máy hút chân không, tôi thấy hiệu quả nâng lên rõ rệt. Cụ thể, nếu như trước đây, trong 1 giờ đồng hồ, gia đình tôi chỉ sao được 2-2,5 kg chè búp khô thì nay sao được 10-12kg. Cộng với việc sử dụng máy hút chân không, chè có thể bảo quản được 5, 6 tháng mà vẫn thơm ngon. Hiện, mỗi năm nhà tôi thu hoạch được 3 tấn chè búp khô với giá bán dao động từ 300 nghìn đến 3 triệu đồng/kg tùy từng loại chè.

 

Để tiếp tục phát triển cây chè một cách bền vững, nâng cao giá trị cây chè, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo hướng tăng đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cây chè, ngành chè Thái Nguyên trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến theo hướng sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chè.

 

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chè búp tươi theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm; chú trọng ưu tiên khâu chế biến  theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và chế biến thành phẩm chè có bao bì nhãn mác, chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ gắn với thương hiệu sản phẩm; ưu tiên hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển thương hiệu chè. Phấn đấu năm 2020, diện tích chè của tỉnh dự kiến đạt 23 nghìn ha; năng suất chè búp tươi đạt 115 tạ/ ha; sản lượng đạt 240 nghìn tấn; trong đó, nguyên liệu chè búp tươi cho sản xuất sản phẩm chè xanh chất lượng chiếm 80% trở lên. Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng nhanh diện tích sản xuất chè an toàn. Mục tiêu đề ra đến năm 2020, Thái Nguyên có trên 16,8 nghìn ha thuộc vùng sản xuất chè an toàn, tập trung đủ điều kiện chứng nhận “Cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.