Trước ngưỡng cửa đang ngày càng mở rộng của hội nhập quốc tế, với doanh nghiệp (DN), cơ hội và thách thức được chia đều, nhưng với người tiêu dùng đây là lợi ích sát thực nhất mà lâu nay ít được tiếp cận. Vậy, cả DN và người tiêu dùng đã nắm bắt cơ hội ấy thế nào, giải quyết những thách thức ra sao?
1. Cuối năm 2015 vừa qua chúng ta đã chính thức tham gia "sân chơi" chung của Cộng đồng kinh tế khu vực. Đây là điều mà nền kinh tế cả nước mong mỏi, chờ đợi để có cơ hội cạnh tranh bứt phá, vươn ra biển lớn. Tuy nhiên, đây đang là thách thức không nhỏ đối với DN của chúng ta. Nói vậy bởi hiện tại hàng hóa xuất xứ từ các nước ASEAN đã xuất hiện khá phổ biến trên thị trường nội địa. Ở tỉnh ta, hàng nhập khẩu Thái Lan, Indonesia. Singapore... đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn với sức cạnh tranh không thua kém hàng Việt, nếu không muốn nói là có phần nhỉnh hơn. Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện của sản phẩm xuất xứ Thái Lan ở các siêu thị hay các quầy bán lẻ trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Có mặt tại shop quần áo made in Thái Lan của chị Hà Ngân trên đường Cách mạng Tháng Tám, chúng tôi thấy treo la liệt các loại quần, áo jean nam, nữ đủ kiểu dáng, màu sắc và kích cỡ. Chủ cửa hàng thông tin: Toàn bộ sản phẩm đều được nhập từ Thái Lan qua một đầu mối cung cấp có uy tín tại Hà Nội, đảm bảo hàng chính hiệu. Sản phẩm của Thái thường có mẫu mã đẹp, vải mềm mại, không lo bị sờn chỉ, có phom dáng phù hợp với người Việt Nam. Tỷ lệ người mua quần áo Thái tuy không nhiều bằng quần áo sản xuất trong nước, nhưng lợi nhuận kinh doanh cao hơn.
Bước vào một cửa hàng tạp hóa thuộc nhà phân phối Gia Huy nằm trên trục Quốc lộ 1B qua địa bàn xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ và hỏi mua bánh kẹo Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, chúng tôi được giới thiệu liền lúc hơn hai mươi loại sản phẩm khác nhau. Chủ cửa hàng, anh Huy chia sẻ: "Dân mình giờ rất chuộng các loại kẹo, bánh nhập ngoại, ăn cũng ngon, làm quà cũng sang trọng vì có bao bì bắt mắt mà giá lại hợp lý. Ở vùng nông thôn như Hóa Thượng tưởng mấy loại bánh kẹo nhập ngoại khó tiêu thụ, ai ngờ...". Tại đây, chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Miến, người dân ở xã bên sang mua hàng. Chị này cho biết: Thời buổi bây giờ sướng thật, hàng hóa ngập tràn quầy quán tha hồ lựa chọn. Trước đây bánh quy, kẹo chanh, kẹo bột tự làm đã thấy ngon lắm rồi, nhưng nay các loại kẹo hảo hạng với đủ màu sắc, mùi vị sản xuất trong nước và ngoại nhập có mặt ở khắp nơi muốn mua lúc nào cũng được.
Khảo sát tại các siêu thị có uy tín trên địa bàn như Minh Cầu, Tôn Mùi, T.Mart... chúng tôi đều có cảm nhận chung là thấy sự xuất hiện nhiều hơn các sản phẩm ngoại nhập, từ rượu bia, đồ uống, nước giải khát, đồ gia dụng, mỹ phẩm, cho đến những mặt hàng lương thực, thực phẩm. Ông Nguyễn Huy Luân, Giám đốc Siêu thị Minh Cầu, cho biết, sản phẩm ngoại trong siêu thị chiếm tới 1/3 lượng hàng và gần như mặt hàng nào cũng có. Ở khu vực bày bán đồ đông lạnh, chúng tôi thấy các sản phẩm thịt bò, thịt gà, cá biển nhập khẩu, rồi các sản phẩm rau, củ, quả, nước tương, dầu ăn... nhập từ nước ngoài thu hút sự quan tâm của khá nhiều người tiêu dùng.
Hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển, các trang mạng xã hội giàu tiện ích ngày càng mở rộng và phổ cập thì cơ hội cho người tiêu dùng càng lớn. Sở dĩ nói vậy bởi hiện nay, trào lưu bán hàng qua mạng, nhất là qua trang cá nhân như Facebook trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Các loại thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia dụng, phương tiện đi lại, phương tiện nghe nhìn... của ngoại được rao bán tràn lan giúp cho người tiêu dùng giản tiện được khá nhiều thời gian mua sắm.
2. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì tự do hóa thương mại cũng như việc xóa bỏ hàng rào thuế quan theo lộ trình các Hiệp định ký kết giữa Việt Nam và ASEAN đã, đang và sẽ đem đến rất nhiều cơ hội cho DN trong nước. Cơ hội lớn nhất chính là việc các DN được nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ và nguồn máy móc thiết bị chất lượng tốt hơn so với sản xuất, chế tạo trong nước. Theo ước tính, tỷ lệ hàng hóa là nguyên liệu sản xuất do các DN trong tỉnh nhập khẩu chiếm tới 90% tổng số hàng hóa nhập khẩu của tỉnh. Chính điều đó đã tạo lợi thế rất lớn để thúc đẩy sản xuất cũng như xuất khẩu của tỉnh. Một minh chứng rõ ràng là trong năm 2014, rồi năm 2015 giá trị nhập khẩu của tỉnh đã ở mức từ 8,1 tỷ USD trở lên, tăng gấp nhiều lần so với những năm trước. Ngoài đa số là linh kiện điện tử, máy móc thiết bị thì nhập khẩu vải, phụ kiện may mặc và nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc cũng chiếm một lượng đáng kể.
Trong ngành may mặc của tỉnh hiện nay, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG là DN lớn, chiếm tỷ trọng sản xuất cao nhất. Kết thúc năm 2014 và 2015, đơn vị này đã nhập khẩu nguyên liệu may mặc với giá trị từ 70 triệu USD trở lên. Theo lãnh đạo Công ty thì dù đất nước chưa hội nhập hoàn toàn nhưng bước đầu đã giúp DN may mặc có cơ hội lựa chọn nguồn nguyên, phụ liệu giá rẻ, có phẩm cấp tốt hơn trước. Năm qua, TNG đã giảm chi phí sản xuất tới cả chục phần trăm so với trước do được lựa chọn nguyên liệu đầu vào hợp lý, giá rẻ, từ đó tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Việc hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế sẽ giúp cho các DN xuất khẩu của tỉnh có nhiều cơ hội đưa hàng hóa sang các nước có cùng quan hệ thương mại tự do. Thông tin từ lãnh đạo Sở Công Thương, hiện nay chúng ta đang có 13 sản phẩm xuất khẩu chính, trong đó ngoài điện thoại thông minh, máy tính bảng của DN vốn FDI còn có các sản phẩm quặng đa kim, may mặc, chè, dụng cụ cầm tay, dụng cụ y tế và các sản phẩm kim loại màu khác. Trước đây, hầu hết các sản phẩm thế mạnh này được xuất sang một số nước châu Mỹ, châu Âu và một phần châu Á, nhưng khi chúng ta chính thức là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN thì cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu tại các nước ASEAN - thị trường giàu tiềm năng - là rất lớn...
3. Dù là DN hay người tiêu dùng thì việc coi trọng cơ hội và biết nắm lấy cơ hội trong hội nhập đều mang lại lợi ích. Với người tiêu dùng, khi thị trường rộng mở, hàng hóa đa dạng, phong phú sẽ mở ra nhiều cơ hội lựa chọn những sản phẩm hàng hóa giá rẻ, chất lượng tốt, phù hợp. Từ những mặt hàng nhỏ nhất cho đến những sản phẩm cao cấp có giá trị lớn, người tiêu dùng đều có thể dễ dàng tiếp cận và sở hữu mà không còn khó khăn như trước đây. Cơ hội để người có thu nhập trung bình có thể sở hữu một chiếc ô tô du lịch trong thời gian không xa là hoàn toàn khả thi. Trước đây, khi thuế ô tô nhập khẩu có lúc bị áp tới 200% thì việc người dân hay công chức Nhà nước có ô tô riêng là điều xa xỉ, nhưng hiện nay trước áp lực hội nhập, thuế nhập khẩu đã giảm, khả năng không lâu nữa sẽ xuống mức 0% thì việc sở hữu ô tô riêng không còn là vấn đề khó. Trong đời sống sinh hoạt, người nội trợ có thể dễ dàng mua được thịt bò Úc, thịt trâu Ấn Độ hay cá ngừ Nhật Bản để sửa soạn bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Và không ít người phụ nữ trong ngày sinh nhật của mình được bạn bè, đồng nghiệp, người thân tặng những bông hồng Bungari hay hoa Tuylíp Hà Lan. Ai cũng biết đó là cơ hội, nhưng một điều đáng quan tâm là chúng ta đang hướng đến việc ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước theo chương trình kêu gọi của Mặt trân tổ quốc - "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Do đó, người tiêu dùng phải biết hài hòa trong lựa chọn và sử dụng sản phẩm. Không thể chỉ biết nhăm nhăm mua hàng ngoại mà bỏ qua hàng Việt vì dùng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, khích lệ sản xuất nội địa phát triển.
Với DN, hội nhập chính là cạnh tranh, mà cạnh tranh càng gay gắt thì cơ hội để làm mới mình và tạo dựng thương hiệu cho mình càng nhiều. Khi có điều kiện nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ và nguồn máy móc thiết bị chất lượng tốt hơn so với sản xuất, chế tạo trong nước, DN cần tận dụng tối đa cơ hội này. Bởi chính điều đó sẽ giúp cho DN không chỉ cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần ngay trên "sân nhà" mà còn mở rộng cả trên "sân khách".