Đổi mới cơ chế thu hút đầu tư FDI

10:01, 27/04/2016

Trong những năm qua, Thái Nguyên được xem là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút FDI (lũy kế đến hết năm 2015 đã thu hút được trên 146, trong đó có 70 dự án FDI với vốn đăng ký gần 7 tỷ USD và 76 dự án trong nước với vốn đăng ký trên 11.000 tỷ đồng), điển hình là Dự án Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình và các dự án phụ trợ đầu tư vào KCN Điềm Thụy,…

Để có được kết quả đó, thực tiễn cho thấy tỉnh đã có những định hướng đúng đắn xuất phát từ đổi mới cơ chế chính sách thu hút đầu tư FDI vào các KCN, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

 

Có thể khẳng định các KCN là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX “… Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, y tế và giáo dục - đào tạo”, trong đó Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên có vai trò quan trọng, là cầu nối giữa chính quyền với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên. Công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ban Quản lý các KCN tỉnh đã có nhiều tiến bộ, trước những cơ hội, thách thức đan xen nhau, Ban đã mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nhằm tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Chủ động xây dựng và xin ý kiến Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về các cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào KCN như: triển khai thực hiện thực có hiệu quả cơ chế vận động và cho phép sử dụng tiền ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần của các nhà đầu tư vào KCN Điềm Thụy phần diện tích 180ha; cơ chế điều chỉnh giá cho thuê đất có cơ sở hạ tầng trả tiền một lần với thời hạn 50 năm tại KCN Điềm Thụy; cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng về hỗ trợ đặc thù do chậm bố trí tái định cư hỗ trợ hộ dân làm nhà tạm để di chuyển trong khi chờ tái định cư (bằng nguồn kinh phí vận động và ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần của các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN Điềm Thụy phần diện tích 180ha). Cơ chế này đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong diện phải thu hồi đất và đã tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư…

 

Thực hiện tốt cơ chế này, đến cuối năm 2015 Ban Quản lý đã vận động được 52 nhà đầu tư ứng tiền thuê đất nộp một lần để Ban tiến hành đầu tư, xây dựng hạ tầng KCN Điềm Thụy, phần diện tích 180ha, đã tiến hành giải phóng được 160 ha đạt tỷ lệ 88,9%; đã cho thuê đạt trên 70% với tổng kinh phí đã chi trả trên 450 tỷ đồng, kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng trên 400 tỷ đồng với các hạng mục xây dựng đường trục chính KCN với tổng chiều dài 1,8km, san nền, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, hệ thống đường nhánh gần 4km, xây dựng 02 khu tái định cư. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng tham mưu với UBND tỉnh trình các Bộ, Ngành Trung ương, trình Chính phủ và đã được Chính phủ về việc bố trí một phần diện tích trong KCN Yên Bình để xây dựng khu dịch vụ tiện ích phục vụ KCN, bổ sung khu tiện tích là 21 ha, bao gồm: nhà ở cho công nhân, nhà ở cho chuyên gia, nhà thi đấu, siêu thị, nhà hàng, thư viện... Cơ chế này đã làm tiền đề để các Bộ, Ngành Trung ương tiếp thu và đề nghị sửa đổi bổ sung Nghị định 29/2008/ NĐ-CP và đến nay các KCN đã có đủ cơ sở pháp lý để triển khai các khu chức năng tiện tích để phục vụ chuyên gia và người lao động trong KCN.

 

Năm 2015, Ban đã xây dựng xong quy hoạch xây dựng các KCN phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển của địa phương. Các KCN của tỉnh được xây dựng và phát triển theo đúng quy hoạch định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, hệ thống các tuyến đường giao thông được quy hoạch đầu tư xây dựng nối các KCN thành mạng lưới giao thông khép kín; mạng lưới điện của tỉnh thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung; mạng lưới cung cấp nước sạch cho các KCN được chú trọng đầu tư, nhiều nhà máy cấp nước sạch được xây dựng; hệ thống hạ tầng viễn thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhằm cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng cũng được kéo theo cùng với việc xây dựng hạ tầng các KCN; các dịch vụ khác trong KCN như ngân hàng, bảo hiểm... bắt đầu được hình thành ở các KCN; về đảm bảo an ninh trật tự cho các KCN được quan tâm, các huyện có KCN cũng đã thành lập các  đồn, trạm công an công tác tại KCN.

 

Đây là những bước đi tạo lập được niềm tin cho các nhà đầu tư lớn nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh, mặc dù chịu ảnh hưởng, tác động của khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, song với môi trường đầu tư thông thoáng, thủ tục hành chính nhanh gọn nên nhiều nhà đầu tư vẫn tin tưởng đầu tư vào các KCN của tỉnh, vẫn mạnh dạn mở rộng quy mô dự án, đầu tư mới dây chuyền thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm và chủ động tìm hướng mở rộng thị trường.
Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN năm 2015 đều đạt vượt mức kế hoạch và tăng một cách đột biến so với năm 2013, năm 2014. Dự kiến trong năm 2016 khi có thêm nhiều dự án đi vào hoạt động sẽ đạt một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội cụ thể như: vốn đầu tư giải ngân gần 6,5 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 100.000 lao động, nộp ngân sách dự kiến trên 2.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch khi các dự án này đi vào sản xuất ổn định trong năm 2018 và hết thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, kết hợp với các dự án đầu tư mới vào KCN sẽ tạo ra các chỉ tiêu kinh tế quan trọng như: vốn giải ngân 7 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD, giải quyết việc làm 120.000 lao động, nộp ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng.

 

Bên cạnh những thành công về kinh tế từ đổi mới cơ chế, các KCN còn tham gia đóng góp tích cực vào tổ chức đời sống xã hội như: Tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Thúc đẩy hạ tầng xã hội, đảm bảo cuộc sống của người lao động, ổn định an sinh xã hội. Góp phần tạo lập và phân bố không gian kinh tế, tạo sự phát triển hài hoà giữa các khu vực trong tỉnh là cơ sở để Thái Nguyên hội nhập và phát triển bền vững.