Giảm nghèo bền vững – cách làm ở Hoàng Nông

17:10, 15/04/2016

Là địa phương thuần nông của huyện Đại Từ, những năm gần đây xã Hoàng Nông được biết đến với nhiều thành tích trong công tác giảm nghèo, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là kết quả của việc tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và lựa chọn các mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Trở lại Hoàng Nông, điều chúng tôi dễ dàng cảm nhận được là không khí hăng say lao động sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Ngọc Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi thông tin: Hiện Hoàng Nông có khoảng 450ha chè, trong đó trên 80% diện tích là các giống chè cành như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên... Nhờ vậy, năng suất và chất lượng chè của xã luôn thuộc tốp đầu của huyện. Đây là một trong những kết quả nỗi bật Hoàng Nông đạt được trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, bên cạnh các chính sách hỗ trợ giống, phân bón của cấp trên, hằng năm xã đều tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, phối hợp tập huấn kỹ thuật và khuyến khích bà con trồng mới, thay thế các giống chè có năng suất chất lượng cao. Ngoài ra, với những diện tích đất trồng cây hằng năm không hiệu quả, xã cũng tạo điều kiện để người dân san gạt, cải tạo để trồng chè. Kết quả là mỗi năm xã trồng mới và thay thế được từ 25-30ha chè, giúp sản lượng chè búp tươi ổn định ở mức trên 4.000 tấn/năm.

 

Không chỉ cây chè, xã Hoàng Nông cũng đạt được những kết quả tích cực trong chuyển đổi cơ cấu giống lúa và cây ăn quả. Chị Phạm Thị Dương, cán bộ khuyến nông xã cho biết: Với cây lúa, bên cạnh tăng cường diện tích lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, xã đặc biệt khuyến khích bà con gieo cấy các giống lúa nếp đặc sản. Các giống lúa này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng chân núi Tam Đảo, giá trị kinh tế lại cao hơn nhiều so với lúa thường. Riêng vụ xuân năm nay, diện tích lúa nếp của xã đạt gần 30ha, chiếm gần 20% tổng diện tích gieo cấy. Cùng với đó, diện tích cây ăn quả cũng đang từng bước được mở rộng, hình thành vùng sản xuất tập trung tại các xóm như: An Sơn, La Dây, Đoàn Kết, Cầu Đá… Những năm qua, xã Hoàng Nông đã tích cực phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện để hỗ trợ người dân cây giống, tập huấn kỹ thuật chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Chỉ tính từ năm 2015 tới nay, xã đã phối hợp hỗ trợ 119 hộ dân cây giống để trồng 4,2ha bưởi Diễn; tập huấn kỹ thuật trồng táo và cam canh cho người dân các xóm Đoàn Kết, Đồng Quân; cung ứng hơn 50 tấn phân bón trả chậm để trồng cây ăn quả.

 

Một điều đáng ghi nhận ở Hoàng Nông là đã hình thành các mô hình kinh tế gia đình phù hợp, từ đó từng bước nhân rộng. Đó là các mô hình kết hợp trồng cây ăn quả với nuôi ong lấy mật; nuôi chim bồ câu quy mô gia đình; chăn nuôi gia súc kết hợp với phát triển lâm nghiệp. Theo thống kê, toàn xã hiện có gần 70 hộ chăn nuôi ong lấy mật với tổng số gần 1.000 đàn, gần 40 hộ nuôi chim bồ câu quy mô từ 20-30 cặp/hộ; đàn gia súc có trên 200 con. Ông Nguyễn Công Chức, một hộ chăn nuôi tiêu biểu ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông chia sẻ: Gia đình tôi trồng 200 gốc bưởi, 40 gốc cam canh và kết hợp nuôi 40-50 thùng ong từ 5 năm nay. Tôi nhận thấy quy mô như vậy là phù hợp với điều kiện gia đình. Nếu đầu tư tăng đàn ong hơn nữa thì nguồn thức ăn cũng như khả năng chăm sóc sẽ không đảm bảo, từ đó hiệu quả kinh tế công cao.

 

Nhờ định hướng phát triển kinh tế phù hợp nên từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Hoàng Nông đã giảm trung bình trên 5%/năm. Theo tiêu chí xét mới, xã còn 283 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 18%. Ông Nguyễn Ngọc Ninh cho biết: Mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ xã đề ra trong năm nay là giảm tỷ lệ hộ nghèo để đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Để đạt được điều này, thời gian tới chúng tối tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung xây dựng các vùng sản xuất chè an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; đồng thời đa dạng hóa các ngành nghề ở nông thôn để giảm tỷ lệ lao động thiếu việc làm.